Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến cuối tháng 2/2013 tăng 0,9% so với cuối năm 2012.
Trong báo cáo gửi Chính phủ cuối 5 vừa qua, dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 28/2/2013, tổng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản là 230.615 tỷ đồng (tổng dư nợ tín dụng tất cả các lĩnh vực khoảng 3 triệu tỷ đồng), tăng 0,9 % so với thời điểm 31/12/2012.
Trong đó, dư nợ cho vay xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 15.172 tỷ đồng, tăng 1,5% so với thời điểm 31/12/2012; vay xây dựng khu đô thị đạt 41.388 tỷ đồng, giảm 4,0% so với thời điểm 31/12/2012; vay xây dựng văn phòng cho thuê đạt 31.267 tỷ đồng, giảm 1,6% so với thời điểm 31/12/2012; vay sửa chữa, mua nhà để ở, để ở kết hợp cho thuê 55.153 tỷ đồng, tăng 3,3% so với thời điểm 31/12/2012.
Ngoài ra, dư nợ vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để bán, cho thuê đạt 37.852 tỷ đồng, tăng 4,7% so với thời điểm 31/12/2012; vay mua quyền sử dụng đất 12.893 tỷ đồng, giảm 1,2 % so với thời điểm 31/12/2012; vay đầu tư kinh doanh bất động sản khác 30.890 tỷ đồng, tăng 2,4% so với thời điểm 31/12/2012.
Cũng tính đến 28/2/2013, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản là 5,68%, cao hơn so với mức 5,39% của thời điểm 31/12/2012.
Theo Bộ Xây dựng, qua số liệu báo cáo của Ngân hàng Nhà nước có thể thấy tình hình tín dụng bất động sản hiện nay so với thời điểm 31/12/2012 đã bắt đầu có sự chuyển biến, cơ cấu và tỷ trọng dư nợ bất động sản đang thay đổi theo hướng tích cực hơn, dư nợ trong một số lĩnh vực đã giảm.
Chẳng hạn như so với thời điểm 31/12/2012, dư nợ trong lĩnh vực xây dựng đô thị giảm 4%, dư nợ trong xây dựng văn phòng cho thuê giảm 1,6%, dư nợ trong lĩnh vực quyền sử dụng đất giảm 1,2%.
Theo Bộ Xây dựng, lãi suất cho vay hiện đang ở mức 13%/năm đã giảm khá nhiều so với cuối năm 2012, nhưng do để đảm bảo an toàn các ngân hàng thương mại vẫn chỉ cho vay đối với khách hàng tiềm năng, có tài sản đảm bảo, nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn.
Song Hà – Vneconomy