Ecoba Việt Nam: Vững nội lực để bứt phá đường dài

06/10/2023

Chuyên mục:

Sức ép từ sự suy thoái của nền kinh tế, giá cả vật liệu xây dựng tăng mạnh và những khó khăn của thị trường bất động sản đã tác động tới nhiều nhà thầu xây dựng. Thay đổi định hướng phát triển để phù hợp với tình hình và sẵn sàng nắm bắt cơ hội là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Doanh nghiệp xây dựng đứng trước nhiều thách thức lớn

Trong hai quý đầu năm 2023, bức tranh thị trường ngành xây dựng không có nhiều khởi sắc. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng lượng giao dịch bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 36,13% so với 6 tháng cuối năm 2022. Bên cạnh đó, kinh tế suy thoái đã tác động tới động lực cung - cầu và kéo theo giá vật liệu xây dựng tăng, đặc biệt là gạch, cát, đá, thép,... Từ đầu năm đến nay, giá thép đã trải qua 20 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng giá liên tiếp vượt mốc 16 triệu đồng/tấn. 

Trong bối cảnh đó, hầu hết doanh nghiệp xây dựng đều đối mặt với khó khăn do sức khỏe tài chính và sức chống chịu với rủi ro thấp. Nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Để đối mặt với tình hình hiện tại, phần lớn doanh nghiệp tiến hành cơ cấu lại bộ máy để tối ưu chi phí vận hành và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, số ít tìm cách chuyển hướng sang các thị trường ngách ít cạnh tranh hơn.

Là doanh nghiệp 23 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng và có 2 năm liên tiếp nằm trong Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Xây dựng uy tín do Vietnam Report công bố, Ecoba Việt Nam không xác định mục tiêu tăng trưởng đột phá trong giai đoạn này. Thay vào đó, doanh nghiệp tập trung củng cố nền tảng, bao gồm: tối ưu vận hành, quản trị tài chính, phát triển văn hóa doanh nghiệp để duy trì hoạt động kinh doanh cũng như giữ được chuỗi cung ứng và bộ máy nhân sự.

Đứng trước nhiều thách thức của thị trường, Ecoba Việt Nam tập trung củng cố nền tảng để duy trì hoạt động kinh doanh

Ông Võ Tiến Đạt, Tổng giám đốc Ecoba Việt Nam chia sẻ, sự canh tranh giữa các doanh nghiệp thi công xây dựng ngày càng khốc liệt do nhiều dự án bị dừng hoặc giãn tiến độ, trong khi đó số lượng dự án mới giảm mạnh và nhiều công nợ chưa giải quyết: “Trong thời điểm này chỉ có những doanh nghiệp thực sự khỏe mới có thể tồn tại, vượt qua và có điều kiện tiếp tục phát triển. Vì vậy song song với việc mở rộng thị trường để tìm kiếm những cơ hội mới, hiện Ecoba đang triển khai đồng bộ các hoạt động củng cố nền tảng để có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn khi thị trường ấm trở lại”.

Vững nội lực để bứt phá đường dài

Phát triển chiều sâu năng lực cốt lõi về hệ thống quản trị, quản trị rủi ro, chuyển đổi số đã được Ecoba đầu tư từ năm 2021. Doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh mô hình IT hóa để đồng bộ các khâu kiểm soát, tổ chức và điều hành. Không chỉ ứng dụng công nghệ và quy chuẩn quốc tế vào quản lý, Ecoba còn đầu tư phát triển riêng phần mềm xây dựng dựa theo đặc thù riêng của doanh nghiệp. Nhờ đó, các khâu vận hành được đơn giản hóa và duy trì xuyên suốt, góp phần nâng cao hiệu quả xử lý các hoạt động cung ứng theo đúng kế hoạch. Theo đại diện Ecoba, các giải pháp liên quan đến công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu nguồn lực và năng suất lao động, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới việc giảm giá thành thi công.

Bên cạnh đó, Ecoba còn hợp tác cùng Haseko - Tập đoàn phát triển bất động sản số 1 Nhật Bản với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng để chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, giải pháp tiên tiến nhất về xây dựng công trình. Hai doanh nghiệp đã cùng xây dựng Bộ tiêu chuẩn đặc thù VHPS, cũng như thành lập Ủy ban Cải tiến Chất lượng với sự tham gia của các kỹ sư Ecoba và chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Haseko. Từ đó, Ecoba có thể nâng cấp chất lượng thiết kế, thi công và quản lý dự án theo chuẩn quốc tế. 

Và để có thể tồn tại vững chắc trong giai đoạn này, Ecoba đặt an toàn tài chính là vấn đề trung tâm. Doanh nghiệp tập trung vào hai hoạt động: chuyển đổi mạnh mẽ thị trường mục tiêu và nâng cao năng lực quản trị dòng tiền. Đây là yếu tố quan trọng để Ecoba có thể duy trì chuỗi cung ứng và giảm giá thành đầu vào, giúp doanh nghiệp có lợi thế trong việc đấu thầu: “Các chủ đầu tư cũng có xu hướng lựa chọn nhà thầu có sức khỏe tài chính tốt bởi nhà thầu đó có thể duy trì hoạt động mua vật liệu, đảm bảo tiến độ xây dựng và đảm bảo thành công chắc chắn cho dự án” - ông Võ Tiến Đạt chia sẻ.

 

Dự án An Lạc Green Symphony của Ecoba Việt Nam đang được triển khai theo tiến độ nhờ sức khỏe tài chính ổn định

Chất lượng công trình không chỉ đến từ việc kiểm soát chặt chẽ các tiêu chí trong xây dựng, mà còn ở văn hóa con người mà Ecoba đã xây dựng trong hơn một thập kỷ qua. Doanh nghiệp kết nối với khách hàng bằng hai giá trị văn hóa cốt lõi là tin cậy và bản lĩnh tiên phong. Ông Võ Tiến Đạt bày tỏ, tin cậy là tập trung vào giá trị thực, chất lượng thực Ecoba mang lại cho khách hàng, còn bản lĩnh tiên phong là luôn sáng tạo, đổi mới trong mọi hoàn cảnh: “Giai đoạn này không phải lần đầu tiên Ecoba vượt qua khủng hoảng của nền kinh tế. Với tinh thần tiên phong, hiện tại Ecoba vẫn đang tiếp tục tìm thêm các giải pháp khác biệt để chinh phục những khách hàng cao cấp và khó tính”.

Khó khăn được dự báo sẽ kéo dài ít nhất đến nửa cuối năm 2024, và sự cải thiện có thể bắt đầu đến từ cuối năm 2023. Những điểm sáng của thị trường hiện nay theo đại diện Ecoba nhận định đó là: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhiều địa phương có định hướng mở rộng mạnh địa giới, thành lập các trung tâm hành chính – kinh tế mới, qua đó sẽ thu hút mạnh mẽ hoạt động phát triển dự án. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI đang tăng trở lại và các chủ đầu tư FDI thường có nguồn tài chính dồi dào, vì vậy lĩnh vực hạ tầng công nghiệp vẫn sẽ phát triển và an toàn hơn so với xây dựng dân dụng. Ông Võ Tiến Đạt chia sẻ: “Xu hướng thị trường sắp tới sẽ là cuộc chơi của các nhà thầu có nền tảng và tình trạng tài chính vững mạnh. Vì vậy Ecoba đang nỗ lực duy trì và củng cố nội lực để nắm bắt cơ hội khi thị trường ấm trở lại”.

 Bài và ảnh: Ecoba Việt Nam