2015 là năm thứ năm liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 được công bố. 5 năm không phải là một chặng đường quá dài nhưng cũng đủ để phác họa bức tranh toàn cảnh với biến động không ngừng của doanh nghiệp FAST500. Hãy cùng điểm qua những điểm mốc ấn tượng của Bảng xếp hạng FAST500 trong 5 năm qua.
FAST500 giai đoạn 2008 – 2011 – “Dấu ấn vàng son” vẫn còn lưu giữ
Giai đoạn 2008 – 2011 là khoảng thời gian các Doanh nghiệp Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng tốt nhất về doanh thu kể từ khi bảng xếp hạng FAST500 được công bố. Vì thế thật không quá khi gọi đây là “dấu ấn vàng son” của FAST500 trong 5 năm qua.
Hình 1: Biến động của Bảng xếp hạng FAST500 từ năm công bố đầu tiên 2011 đến nay (Đơn vị: %)
Nguồn: Vietnam Report
Trong Bảng xếp hạng FAST500, CAGR trung bình của các doanh nghiệp Top 10 luôn cao hơn khoảng 3 đến 4 lần so với chỉ số này của toàn Bảng. Trong giai đoạn 2008 – 2011, các doanh nghiệp FAST500 có mức tăng trưởng vượt trội khi CAGR của Top 10 đạt mức 263% và Top 500 đạt mức 62.2%. Giai đoạn 2009 – 2012 và 2010 – 2013, CAGR trung bình của các doanh nghiệp FAST500 có xu hướng đi xuống, một phần do Kinh tế Việt Nam vẫn phảng phất tàn dư của cuộc khủng hoảng kinh tế Thế giới. Sự đóng băng của thị trường Bất động sản, đám mây đen nợ xấu của thị trường Tài chính Ngân hàng, và những khó khăn ban đầu của giai đoạn hậu WTO là những đòn đánh mạnh khiến các Doanh nghiệp vẫn chưa thực sự vượt qua cú sốc và lấy lại “những gì đã mất”. Tuy nhiên, với những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế trong năm 2014 thì câu hỏi: “Liệu trong những năm tới đây, Bảng xếp hạng FAST500 có xuất hiện cột mốc nào mới vượt qua được dấu ấn của năm công bố 2013 hay không?” vẫn còn là một bức rèm bí mật và chúng ta hoàn toàn có thể kì vọng vào những bất ngờ mà các Doanh nghiệp có thể tạo ra trong tương lai không xa.
Doanh nghiệp FDI – “Ít nhưng chất”
Nhìn vào Bảng xếp hạng FAST500 trong 5 năm qua, chưa bao giờ con số các doanh nghiệp FDI lọt vào Bảng xếp hạng FAST500 vượt qua con số 6% (2012) thậm chí chỉ dừng lại ở mức 3%, trong khi số lượng Doanh nghiệp tư nhân luôn chiếm vị trí “thống lĩnh” với những con số đáng chú ý 78%, 72%, 64%, 66%, 68% lần lượt qua các năm công bố từ 2011 đến 2015. Số lượng Doanh nghiệp Nhà nước chiếm tỷ trọng còn lại. Tuy nhiên, chỉ số CAGR của nhóm Doanh nghiệp FDI so với 2 khối Doanh nghiệp còn lại thì không hề “khiêm tốn” như vậy.
Hình 2: CAGR bình quân phân theo khối Doanh nghiệp từ năm công bố 2011 đến 2015 (Đơn vị: %)
Nguồn: Vietnam Report
Hình 2 chỉ ra rằng các Doanh nghiệp FDI mặc dù góp mặt không nhiều trong FAST500 nhưng tốc độ tăng trưởng của khối Doanh nghiệp này luôn đứng thứ 2 sau khối Doanh nghiệp tư nhân. Điều đó cho thấy sự hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của các Doanh nghiệp khu vực vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khoảng cách tăng trưởng của hai khối Doanh nghiệp này đang có xu hướng nới rộng trong 5 năm công bố. Điều này có thể được giải thích bởi tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm trong những năm gần đây cũng như sự năng động, sáng tạo không ngừng của khối Doanh nghiệp tư nhân.
Có sự chuyển đổi cơ cấu ngành tăng trưởng tốt nhất trong 5 năm công bố
Điểm qua Top 5 ngành nghề có tỉ lệ CAGR tốt nhất nhất trong 3 năm công bố gần đây thì sự thay đổi trong cơ cấu ngành tăng trưởng là một điểm đáng chú ý. Những “ngành nghề kỳ cựu” vẫn là những “gương mặt không thể thiếu” trong danh sách Top 5 như Vật liệu xây dựng, Thực phẩm, đồ uống, hay Cơ khí, tuy nhiên ngôi vị dẫn đầu lại liên tục có sự thay đổi. Giai đoạn 2008-2011 là sự nổi lên của ngành Cơ khí khi chỉ số CAGR của ngành này đạt mức 85.7%. Giai đoạn 2009-2012, ngành Xây dựng vật liệu với chỉ số CAGR bình quân đạt 59.2% vươn lên đứng đầu bảng. Ngành Thép trong giai đoạn 2010-2013 có “cú lội ngược dòng ngoạn mục” với chỉ số CAGR bình quân cao nhất toàn bảng 37.4%. Sự thay đổi liên tục diễn ra trong những lần công bố Bảng xếp hạng FAST500 gần đây là minh chứng rõ nét cho sự chuyển đổi cơ cấu tăng trưởng của các ngành nghề kinh doanh. Nét đặc biệt này luôn tạo ra những bất ngờ cho Bảng xếp hạng FAST500 bởi ngành nào sẽ lên ngôi trong giai đoạn tiếp theo luôn là một ẩn số.
Đà Nẵng và Đồng Nai – 2 cái tên mới xuất hiện trên “Bản đồ FAST500”
Trong 5 năm công bố Bảng xếp hạng FAST500, 4 tỉnh/ thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương và Hải Phòng luôn là những cái tên không thể thiếu khi số lượng các Doanh nghiệp xuất hiện trong Top 500 luôn chiếm phần đông cũng như chỉ số CAGR luôn ở mức cao.
Hình 3: Tỷ lệ số doanh nghiệp FAST500 năm 2015 phân theo khu vực (Đơn vị: %)
Nguồn: Vietnam Report
Tuy nhiên, trong năm công bố 2015, Bảng xếp hạng FAST500 lại đặc biệt cho thấy sự góp mặt của một số “đại diện mới” đến từ Đồng Nai, Đà Nẵng. Đây cũng chính là điểm sáng thú vị của FAST500 trong giai đoạn gần đây. Giai đoạn 2010 – 2013, Đà Nẵng đóng góp 3.2% số Doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng, Đồng Nai đóng góp 2.8% số Doanh nghiệp. Số lượng này thậm chí còn cao hơn 2 khu vực “kỳ cựu” là Bình Dương và Hải Phòng với tương ứng 2.4% số Doanh nghiệp. Điều này cho thấy, cơ cấu Kinh tế của Việt Nam đang được điều chỉnh hợp lý hơn khi không chỉ tập trung vào những khu vực trung tâm mà còn trải đều sang các vùng lân cận, tạo thêm công ăn việc làm, điều kiện cho việc phát triển kinh tế xã hội.
Những con số của Bảng xếp hạng FAST500 2015 trên đây cho thấy các Doanh nghiệp vẫn chưa thực sự “băng qua” được “màn sương mù” của hậu khủng hoảng Kinh tế. Nhưng với những dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế năm 2014 vừa qua, hi vọng các Doanh nghiệp sẽ tìm ra hướng đi đúng đắn và có những cú “lội ngược dòng” ngoạn mục tạo ra một Bảng xếp hạng FAST500 với những điểm nhấn ấn tượng hơn nữa trong chặng đường tiếp theo.