FAST500 – bức tranh DN Việt Nam hậu WTO...

29/07/2015

Chuyên mục:

FAST500 đo lường tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam (đo tính động trong hoạt động doanh nghiệp). Bảng xếp hạng sẽ cung cấp cái nhìn toàn cảnh về doanh nghiệp Việt Nam hậu WTO và khi Luật Doanh nghiệp được ban hành.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam VEF.VN đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Đăng Vinh, CEO Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) về Bảng xếp hạng FAST500 – 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam – lần đầu tiên được công bố vào ngày 30/3 tới.

FAST500 đo tính động của doanh nghiệp

- Ông có thể so sánh sự khác biệtgiữa haiBảng xếp hạng VNR500 và FAST500? Tại sao bây giờ VNR mới tiến hành xếp hạng và khảo sát các DN có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam?

Ông Vũ Đăng Vinh: VNR500 là bảng xếp hạng (BXH) 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam được công bố lần đầu tiên năm 2007. Đây là BXH theo mô hình Fortune500, được lựa chọn theo tiêu chí chính là doanh thu và cân đối thêm một số tiêu chí khác như tổng tài sản, quy mô lao động và lợi nhuận.

Trong khi đó, FAST500 đo lường những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh (đo tính động trong hoạt động doanh nghiệp). Khi được công bố, FAST500 sẽ là bức tranh toàn cảnh về quá trình tăng trưởng của doanh nghiệp Việt Nam.

Có 3 lý do khiến đến nay, FAST500 mới được công bố:

Thứ nhất, đó là sự kế thừa và phát triển. Quá trình 4 năm xếp hạng VNR500 giúp chúng tôi tập hợp được nguồn dữ liệu lớn và đầy đủ cho công việc thống kê, từ đó cho ra kết quả BXH FAST500.

Thứ hai, cũng cần một quá trình đủ dài để đo quá trình tăng trưởng của doanh nghiệp. Quãng thời gian 4 năm (2006-2009) quan sát và nghiên cứu sẽ giúp giảm thiểu biến động bất thường của doanh nghiệp, vẽ được bức tranh những doanh nghiệp năng động, tăng trưởng nhanh một cách sát thực hơn. Đây có thể xem là thời điểm chín muồi để công bố BXH FAST500.

Ông Vũ Đăng Vinh tặng hoa cho GS John Quelch tại một hội thảo do Vietnam Report tổ chức năm 2008, tại TP.HCM (ảnh VNR)

Thứ ba, BXH FAST500 được công bố thời điểm này sẽ cung cấp cái nhìn toàn cảnh về môi trường kinh doanh tại Việt Nam qua một quãng thời gian nhất định (5 năm) sau khi gia nhập WTO và công bố Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (2005), với ảnh hưởng từ môi trường kinh doanh mới và khung pháp lý mới hoàn toàn.

- Nếu chỉ dựa trên dữ liệu nghiên cứu của VNR và dữ liệu từ doanh nghiệp, liệu BXH FAST500 có bao quát hết được sức tăng trưởng và số lượng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh của cả nước trong giai đoạn qua hay không?

Chúng tôi nghiên cứu, đánh giá dữ liệu từ nhiều nguồn: nguồn do VNR phát triển và nghiên cứu (2.000.000 doanh nghiệp VNR500 được cập nhật liên tục, cùng với hơn 30.000 doanh nghiệp để xét vào BXH V1000 – 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam và nhiều nguồn dữ liệu của các cơ quan khác. Trong khi đó, doanh nghiệp có xu hướng ngày càng hợp tác tốt hơn trong quá trình nghiên cứu, chủ động hơn trong gửi dữ liệu đánh giá, tạo điều kiện cho những đánh giá chính xác.

Do đó, BXH của VNR trải qua các năm càng ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, các phương pháp đánh giá đa dạng như survey (điều tra) doanh nghiệp và các tiêu chuẩn đánh giá độc lập khác cũng cũng giúp đảm bảo tính chính xác.

Tóm lại, FAST500 được công bố lần đầu, nhưng đã được tiến hành, kế thừa và cập nhật thường xuyên trong thời gian nhất định để đảm bảo tính phổ quát.

- Chỉ tiêu tăng trưởng có ý nghĩa gì? Liệu có cho thấy sức mạnh thực sự của doanh nghiệp hay không, hay đó chỉ là sự tăng trưởng nóng và ở bề nổi, chưa bền vững?

Để lọt vào BXH FAST500, doanh nghiệp cần đáp ứng được những tiêu chí rất rõ ràng: một là tiêu chí tăng trưởng về doanh thu trong vòng 4 năm; hai là tổng tài sản trên 100 tỷ trở lên; ba là số lượng lao động – con số này thể hiện ý nghĩa xã hội của doanh nghiệp khi tạo ra nhiều công ăn việc làm; bốn là tiêu chí về lợi nhuận.

BXH FAST500 như một sự khẳng định về “ngôi sao đang lên” trong bức tranh tăng trưởng chung của các DN cả nước trong 4 năm trở lại đây (2006-2010); còn khoảng thời gian 5-10 năm nữa, doanh nghiệp đó sẽ phát triển như thế nào thì bản thân doanh nghiệp phải có chiến lược, với sự hỗ trợ chính sách từ nhà nước.

Ngoài ra, chỉ tiêu tăng trưởng của FAST500 bao gồm cả chỉ tiêu tăng trưởng bền vững, chỉ tiêu này doanh nghiệp phải tự tìm cách đáp ứng và bổ sung để giải nốt bài toán quản trị.

Rủi ro song hành tăng trưởng nóng

- Trong BXH, đáng chú ý là các doanh nghiệp khu vực miền núi phía Bắc cũng góp mặt với tỷ lệ tăng trưởng đáng khích lệ, 5% trên tổng số 500 doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu nhanh nhất của cả nước. Ông nhận xét như thế nào về các DN tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực này, đâu là lợi thế của họ?Liệu họ có tăng trưởng bền vững không?

Các doanh nghiệp khu vực miền núi phía Bắc tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có, cụ thể khai khoáng, xây dựng, nông lâm nghiệp. Cơ chế cổ phần hóa các doanh nghiệp ở khu vực này cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng trưởng.

Bên cạnh đó, trong những năm vừa qua, Nhà nước có những chính sách đầu tư cho miền núi rất lớn, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc, điển hình là Nghị định 61. Cơ sở hạ tầng và giao thông (như các tuyến quốc Cao Bằng, Lai Châu… ) được đầu tư đáng kể, kéo theo cơ hội kinh doanh và phát triển thị trường mới tại đây.

Bảng xếp hạng FAST 500.

Như vậy, các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi đã có môi trường, thị trường để tăng trưởng, nhưng chưa đạt đến tầm BXH VNR500. Vấn đề là làm sao duy trì tiếp sự tăng trưởng và tăng trưởng bền vững, tạo đà phát triển thành doanh nghiệp lớn như trong BXH VNR500.

- Trong BXH FAST500 tỉ lệ các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến rất cao, gần như đầu bảng. Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị gia tăng trong ngành chế biến rất thấp và đây chính là điểm yếu của doanh nghiệp khi xuất khấu. Làm thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến tiếp tục tăng trưởng và tăng lợi thế cạnh tranh?

Thực ra các doanh nghiệp chế biến vẫn đang chú trọng phục vụ thị trường trong nước vốn đang đông, đang có nhu cầu cao. Doanh nghiệp chưa cần marketing sản phẩm ra nước ngoài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần tư duy về “thị trường toàn cầu” và “người tiêu dùng toàn cầu”, đặc biệt khi doanh nghiệp phát triển mạnh, càng cần định vị lại thị trường, khi đó sẽ điều chỉnh để tăng lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu.

Từ góc độ thực tiễn, chúng ta cũng phải lưu ý đến việc phát triển cụm doanh nghiệp, cụm ngành nghề, như GS Michael Porter trong lần đến Việt Nam vừa qua, đề xuất. Đây là khái niệm còn khá mới mẻ với Việt Nam. Xây dựng được cụm doanh nghiệp, cụm ngành nghề sẽ giúp nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực cốt lõi cũng sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Có năng lực cốt lõi sẽ phát triển mạnh và vững, khi đó xây dựng thương hiệu là bước tạo bứt phá.

- Để duy trì tốc độ tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao, doanh nghiệp cần đề phòng những rủi ro gì?

Phải nói rõ, tăng trưởng nhanh đã là một thành tích đáng ghi nhận. Không tăng trưởng cũng có rủi ro, tăng trưởng nhanh hay tăng trưởng quá nóng cũng có những rủi ro khác.

Ở khía cạnh nhân sự, rủi ro dễ gặp phải của việc tăng trưởng nhanh là việc tìm nhân sự chất lượng bổ sung vào guồng máy doanh nghiệp, giữ chân nhân sự, nhân tài ở những giai đoạn phát triển sau.

Tài chính cũng là một rủi ro dễ gặp phải khi doanh nghiệp cần phải huy động vốn đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động, duy trì mô hình kinh doanh và điều phối dòng tiền trong hoạt động kinh doanh. Vay vốn ngân hàng hay tìm kiếm nhà đầu tư đều có những rủi ro nhất định.

Rủi ro về chiến lược lại là một vấn đề muôn thuở khác yêu cầu doanh nghiệp phải quyết đoán để duy trì hoặc bứt phá tại thời điểm đang phát triển. Doanh nghiệp sẽ phải quyết định duy trì mô hình cũ hay chuyển sang mô hình mới, tuyển dụng và phân quyền cho các lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp như thế nào cho phù hợp tình hình mới.

Duy trì tốc độ tăng trưởng sao cho hợp lý cũng là một rủi ro.

Và có một rủi ro nữa là “rủi ro không nhìn thấy các rủi ro”. Do tăng trưởng nhanh, không đủ thời gian để nhìn lại và lên kế hoạch, khiến doanh nghiệp không lường trước được rủi ro từ mọi hướng, nên dễ thất bại.

Cuối cùng, kiểm toán nội bộ không tốt lại mang tới thêm một rủi ro khác trong kiểm soát đầu tư ở các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh. Nếu làm không tốt sẽ không đưa ra được những cảnh báo bất ổn tài chính và kịp thời bảo vệ cổ đông thiểu số trước những quyết định đầu tư.

Thương hiệu: Cú hích cho tăng trưởng

- Nhược điểm của doanh nghiệp tăng trưởng nóng là quảng bá thương hiệu. Ông nhận xét như thế nào về hạn chế này, khi điều đó ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường và khách hàng cũng như nâng cao uy tín của doanh nghiệp?

Với các doanh nghiệp đang trực tiếp sản xuất ra sản phẩm thì giai đoạn này doanh nghiệp chỉ kịp lo đến phát triển sản phẩm và phát triển kinh doanh. Xây dựng và định vị thương hiệu là một bài toán ở cấp cao hơn mà giai đoạn này doanh nghiệp chưa thể giải quyết ngay được. Điều này có thể dễ nhận thấy ở các ngành cơ khí của Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất đều có cốt lõi là công nghệ sản xuất nên chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng và sẽ giải quyết được hạn chế về thị trường, bài toán vốn và thương hiệu để tăng sức cạnh tranh ở các giai đoạn tiếp theo.

- Đây có phải là lý do VNR500 mời GS John Quelch sang để giúp doanh nghiệp trong bài toán định vị thương hiệu?

GS John Quelch là chuyên gia marketing, đặc biệt là thị trường mới nổi. GS đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Lần này sang Việt Nam, giáo sư sẽ tiếp tục cập nhật các case study với chủ đề “Người tiêu dùng thế kỷ 21″, trong đó có cả những ví dụ minh họa từ doanh nghiệp Việt Nam qua những lần làm việc tại Việt Nam, nên sẽ gần gũi và bổ ích cho doanh nghiệp hơn.

Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh thực ra đã là “những ngôi sao đang lên”, những hạt giống tốt. Các doanh nghiệp này, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã nhìn thấy khe hở của thị trường đang phát triển. Nhà nước cần có thêm những hỗ trợ chính sách, tạo môi trường cạnh tranh. Các BXH chính thức cần ghi nhận thành tích, cũng như cung cấp hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, đưa những kiến thức thế giới đến với doanh nghiệp. Những hỗ trợ này hy vọng sẽ giúp doanh nghiệp kiên định trên con đường đã chọn.

Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh giúp doanh nghiệp không rẽ ngang sang những lĩnh vực kinh doanh khác kém bền vững, hạn chế lãng phí năng lực và tăng hiệu quả trong hoạt động cho doanh nghiệp là một trong những mục tiêu ra đời của BXH FAST500.

- Trong bối cảnh kinh tế hiện nay (lạm phát, thắt chặt chính sách tiền tệ…), là người có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện xếp hạng doanh nghiệp, ông dự đoán gì về biến động trong xếp hạng các doanh nghiệp, liệu có gì thay đổi về cơ cấu và thứ hạng không?

FAST500 sẽ được đánh giá và công bố thường niên, theo từng chu kỳ 4 năm tính từ 2006.

VNR thường đánh giá dựa trên các nghiên cứu độc lập và ý kiến của doanh nghiệp từ Hội nghị CEO thường niên, năm nay sẽ diễn ra khoảng tháng 7/2011. Có đầy đủ những thông tin đó chúng tôi mới có thể đưa ra những đánh giá khách quan nhất về biến động trong cơ cấu, thứ hạng trong các BXH.

- Xin cảm ơn ông!

Lễ Công bố bảng xếp hạng FAST500 và diễn đàn FAST500 (FAST500 Forum) sẽ được tổ chức vào ngày 30/3/2011 tại Khách sạn Grand Plaza Hà Nội, với chủ đề “Định vị thương hiệu cho doanh nghiệp tăng trưởng”. Buổi lễ có sự tham gia của giáo sư John Quelch, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard Hoa Kỳ.

Ban tổ chức chương trình FAST500, Báo VietNamNet và Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VietNam Report) phối hợp thực hiện.

Theo Vef.vn