GS Michael Dukakis: Phải đầu tư vào giáo...

29/07/2015

Chuyên mục:

Tại Lễ công bố Bảng xếp hạng Fast500-500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2012, Giáo sư Michael Dukakis – cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, cựu Thống đốc bang Massachusetts, và hiện là Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston, chia sẻ nhiều kinh nghiệm về giải pháp điều hành của nhà lãnh đạo để phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Phải chú trọng đầu tư vào giáo dục và hạ tầng

Dựa trên những kinh nghiệm lãnh đạo thành công của mình, GS Michael Dukakis chia sẻ rằng, là một nhà lãnh đạo cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng và cẩn trọng để đưa ra những chiến lược hợp lý cho đất nước. Trong quá trình thực hiện chiến lược đó, các nhà lãnh đạo cần kêu gọi sự hỗ trợ đắc lực từ khối doanh nghiệp và người lao động.

GS Michael Dukakis

Đặc biệt, GS Michael Dukakis lưu ý, mỗi quyết định mà người lãnh đạo đưa ra cần được xem xét để phục vụ cho sự phục hồi của nền kinh tế. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, không chỉ là hạ tầng “cứng” mà còn là đầu tư vào hệ thống giáo dục. Đây là hai trụ cột quan trọng quyết định sự thành công của nền kinh tế.

Lấy ví dụ thực tế từ kinh nghiệm làm lãnh đạo của bản thân tại bang Massachusetts, Mỹ, GS Michael Dukakis kể: Khi tôi lên làm Thống đốc, bang Massachusetts đang rất khó khăn. Bang chỉ như một cơ sở công nghiệp, trong khi bản thân những thành phố công nghiệp thời đó cũng không còn hoành tráng nữa, kể cả Boston. Thời điểm đó, Massachusetts là bang có tỷ lệ thất nghiệp lớn thứ 2 trên toàn nước Mỹ. Đi kèm với nó là tỷ lệ thâm hụt ngân sách rất cao.

“Xét về mặt chính trị, tôi đã phải đưa ra một số quyết định rất khó khăn. Nhưng một trong những điểm sáng quan trọng nhất để có thể vực dậy nền kinh tế của bang Massachusetts, cũng như việc “biến” Massachusetts thành trung tâm công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học của Mỹ, đó chính là nhờ vào hệ thống các trường đại học, cao đẳng”- GS  Michael Dukakis nhấn mạnh.

Bởi vì, theo GS Michael Dukakis, chính các trường đại học (như Harvard, Đại học MIT và hàng chục trường ĐH khác..) là một nguồn lực rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

GS Michael Dukakis phân tích: Khi có hệ thống giáo dục đào tạo có thể cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người học, đặc biệt là những công dân trẻ tuổi, thì những kiến thức đó sẽ được họ phát huy rất tốt trong thực tiễn.

Đơn cử, nhờ chú trọng đầu tư phát triển 4 trường đại học về y khoa rất mạnh tại Massachusetts nên công nghệ sinh học tại đây rất phát triển, là một trong những trung tâm công nghệ sinh học lớn thế giới.

Bên cạnh chú trọng giáo dục, GS Michael Dukakis cho biết, còn yếu tố về hạ tầng cơ sở, giao thông vận tải cũng phải đặc biệt coi trọng. Với kinh nghiệm bản thân khi lên làm Thống đốc bang Massachusetts, GS Michael Dukakis chia sẻ: Khi tiếp nhận vị trí Thống đốc, việc đầu tiên tôi làm là loại bỏ hết những kế hoạch xây dựng đường cao tốc tại Masachusetts, dành tiền đó đầu tư vào các tuyến đường ngầm, xe lửa.

“Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là xóa bỏ hết các đường cao tốc, những tuyến đường nào mà là quan trọng, huyết mạch thì vẫn phải giữ. Và có thể khẳng định, phần nhiều nhờ các quyết định đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã được thực hiện mà tạo cơ sở quan trọng cho thành phố đã phát triển mạnh như hiện nay. Nhưng nếu muốn có thành phố giao thông thuận tiện, đừng đầu tư thêm nữa cho các tuyến đường cao tốc. Đó là chính sách mà chúng tôi đã làm”- GS Michael Dukakis khẳng định.

Vì vậy, theo GS Michael Dukakis, có 2 trụ cột quan trọng tạo nên sự thành công của bang Masachusetts, đó là đầu tư cho hạ tầng và đầu tư cho giáo dục.

Luôn ý thức bảo tồn văn hóa, lịch sử, môi trường

GS Michael Dukakis còn chia sẻ thêm rằng, “làm lãnh đạo, tôi luôn có ý thức phải tìm cách bảo tồn văn hóa, lịch sử và môi trường. Vì chúng tôi ý thức được rằng, muốn lôi kéo và giữ chân được những người tài giỏi đến sống và làm việc tại Massachusetts, phải đảm bảo cho họ có cuộc sống tốt, không chỉ về vật chất mà cả văn hóa, tinh thần, môi trường….

Chính vì thế, tại Massachusetts, cứ 100 người có bằng tiến sĩ thì khoảng 50 người ở lại làm việc tại đây, kể cả quê quán của họ ở bất kỳ đâu trên thế giới. Họ ở lại vì điều kiện sống và làm việc tốt.

Theo GS Michael Dukakis, môi trường sống rất quan trọng đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Cho nên, đối với Việt Nam, đơn cử là tại TP Hà Nội và TP HCM, GS Michael Dukakis đề nghị rằng: Ngoài việc khuyến khích đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng và giáo dục, hãy bắt đầu từ những việc hằng ngày, đơn cử như “cần làm thế nào để thuyết phục những người lái xe ở Việt Nam biết dừng lại khi có người đi bộ sang đường. Việc này cần phải được nỗ lực thực hiện dù rằng sẽ phải mất một khoảng thời gian nhất định”.

Hay như muốn giải quyết vấn nạn về giao thông, rồi tắc đường tại Hà Nội và TP HCM, theo GS Michael Dukakis, “giải pháp không thể và không bao giờ có thể là xây thêm các nhà cao tầng chọc trời. Phương pháp này không bao giờ phát huy được hiệu quả. Thay vào đó, cái hai thành phố này cần hơn phải là những tuyến đường ngầm”.

Hay như vấn đề để các bạn trẻ đi du học nước ngoài, GS Michael Dukakis cho rằng, khuyến khích đi du học là tốt, nhưng phải đặt ra vấn đề là sau khi đi du học họ có về nước làm việc không. Nếu các sinh viên đi du học mà không về nước làm việc thì cũng cần nghiên cứu tìm cơ chế để kết nối những người Việt đang học tập và làm việc ở nước ngoài lại với nhau và kết nối họ với quê hương đất nước để huy động tài năng của họ góp phần phát triển kinh tế – xã hội đất nước./.

Theo VOV