Nhanh chóng ban hành và nhất quán thực thi Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới để kiểm soát dòng tiền và quản lý tiền tệ tốt hơn là một trong những khuyến nghị nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp”, từ nửa cuối 2018 đến nay, 3 rủi ro chính có nguy cơ làm giảm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và tác động đến kinh tế Việt Nam gồm: Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn (Mỹ-Trung, Mỹ-EU...); sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, các nước lớn và rủi ro địa chính trị (Brexit, cấm vận, khủng bố...) cộng với tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường.
Trong khi đó, với doanh nghiệp (DN), mức tăng trưởng bắt đầu có xu hướng chững lại từ giữa năm 2018 (năm 2018 chỉ tăng 3,48% về số doanh nghiệp và 13,77% về số vốn đăng ký; 4 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 4,87% về số doanh nghiệp và 31,66% về vốn đăng ký), trong khi số DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể có những giai đoạn tăng mạnh trên 30-40% so cùng kỳ (một phần là do Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sàng lọc danh sách doanh nghiệp).
Đối với khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), điểm tích cực là số tiền thu về từ cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn gần đây có xu hướng tăng mạnh, song lũy kế 3 năm 2016-2018, cả nước chỉ CPH và sắp xếp được 156 doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập (chưa bằng 1/3 số lượng DNNN đã sắp xếp và CPH giai đoạn 2011-2015). So với kế hoạch năm 2018, còn 53 DNNN chưa được cổ phần hóa và 118 DN chưa được thoái vốn (trong đó, riêng TPHCM và Hà Nội có 50 DN). Ngoài ra, hết năm 2018, cả nước vẫn còn 595 DN CPH nhưng chưa đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đặc biệt, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) dù đã đạt được các kết quả khá tích cực, vẫn còn nhiều thách thức, nhất là áp lực tăng vốn chủ sở hữu cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Tỉ lệ an toàn vốn của các NHTM hiện nay theo chuẩn của NHNN vẫn đạt yêu cầu là trên 9%, nhưng nếu áp theo chuẩn Basel 2 thì tỉ lệ này chưa đạt yêu cầu (dưới 8%); nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao (tỉ lệ 6,5%, tính đến cuối năm 2018 và đến hết quý I/2019 còn khoảng 5,8% - theo NHNN). Tiến trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém nếu không quyết liệt sẽ chậm tiến độ, có thể gây điểm nghẽn về thanh khoản và tăng trưởng kinh tế như đã từng xảy ra trong giai đoạn 2008-2009 và 2011-2013.
Do đó, để tăng khả năng chống chịu cho DN Việt, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng: DN phải chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các hiệp định FTA đã ký kết. Đồng thời tập trung đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển những ngành, mặt hàng có lợi thế. Chủ động nắm bắt thông tin và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế để chủ động đưa ra chiến lược phù hợp. Và phải nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị tài chính, cấu trúc vốn và đòn bẩy tài chính.
TS. Cấn Văn Lực cũng kiến nghị, trong thời gian tới Nhà nước, Chính phủ và các bộ, ngành cần theo dõi sát sao, đánh giá tác động của diễn biến thương mại thế giới và xây dựng các kịch bản ứng phó chủ động, kịp thời… Cùng với đó, phải chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thương mại và giá cả. Đồng thời sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 và Chiến lược kinh tế số đến năm 2030. Đặc biệt, nhanh chóng ban hành và nhất quán thực thi Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới để kiểm soát dòng tiền và quản lý tiền tệ tốt hơn.
Theo TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hiện nay nói về khả năng cạnh tranh của DN Việt thì có không nhiều DN lớn, đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài tại Việt Nam và cạnh tranh trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, dù Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song và đa phương thế hệ mới (FTAs) nhưng DN ngoại 100% vốn FDI vào và chủ yếu họ hưởng lợi.
Trong khi đó, ông Thiên đánh giá, nếu nói đến DN Việt, chúng ta phải đặt lại câu hỏi Việt Nam thực sự có một lực lượng DN Việt không hay chỉ có tập hợp các DN khác chuỗi sản xuất, khác chuỗi giá trị nhưng cùng đặc điểm, nhỏ bé, sống tách biệt và không phụ thuộc nhau? Hiện hơn 65% doanh nghiệp là siêu nhỏ - không thể định nghĩa được, chớp mắt một cái họ đã biến thể khác không nhìn thấy được. Tại sao DN siêu nhỏ chiếm tỉ lệ lớn như vậy? Để giải quyết được tình trạng này, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân và thay đổi quy mô DN Việt.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, đã đến lúc các nhà điều hành của Việt Nam cần nhấn mạnh đến khái niệm "Make in Vietnam" và "Make by Vietnam" bởi nó đồng nghĩa với việc làm ra bởi người Việt Nam, bởi giá trị gia tăng từ công nghệ Việt, kể cả công nghệ đi mua nhưng là ý chí của người Việt. Bởi trong thời buổi công nghệ đi đầu, Cách mạng 4.0 đang phá vỡ mọi cấu trúc thặng dư và giá trị, vượt qua khuôn khổ luật pháp. Muốn đổi mới, không đi thụt lùi thì phải có luật và dám vượt qua rủi ro, mạo hiểm.
Đông Nghi
Tổng hợp
Vietnam Report