Giảm thuế TNDN: Không thể muộn hơn...

30/07/2015

Chuyên mục:

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa công bố cho thấy, tỉ lệ thuế – phí trên GDP ở VN cao gấp 1,4 – 3 lần so với các nước trong khu vực. Trong đó, thuế thu nhập DN hiện được thu ở mức 25% đối với mọi DN, trong khi tại các nước, thuế suất dao động 2 – 30%. Đó là chưa kể đến các khoản thuế cao đánh vào tiêu dùng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như các khoản chi phí không chính thức khác.
 

 

Do thuế phí cao, khả năng tích lũy, đầu tư phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh
của khu vực tư nhân đã bị hạn chế đáng kể.

Trên thực tế, mặc dù ở mức cao, nhưng xu hướng “lấy thu bù chi” có vẻ vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

“Trăm dâu đổ đầu… DN”

Lấy ví dụ, xăng dầu được coi là “huyết mạch” đối với nhiều DN nhưng theo công thức được Bộ Tài chính công bố, giá dầu phải cõng trên lưng 2 loại thuế là nhập khẩu 12%, giá trị gia tăng (VAT) 10% và phí (1.000 đồng mỗi lít). Với giá xăng còn có thêm thuế tiêu thụ đặc biệt 10%. Chưa tính đến các khoản phải trích khác như chi phí – lợi nhuận định mức của DN, trích quỹ bình ổn giá… (hiện khoảng 1.200 đồng), mỗi lít xăng dầu hiện phải gánh trên lưng không dưới 6.500 đồng thuế, phí.

Một lĩnh vực khác là giao thông vận tải. Hiện có gần 10 loại thuế và phí đối với người dùng ôtô và sắp tới sẽ có thêm phí bảo trì đường bộ vào năm 2013. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy chi phí đầu vào của DN tăng cao.

Chưa có số nghiên cứu đánh giá cụ thể về tác động của thuế- phí đến việc hàng vạn DN phải dừng hoạt động hoặc phá sản trong thời gian vừa qua nhưng chắc chắn đây cũng là một trong những tác nhân quan trọng.

Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011, có tới hơn 52% số DN được hỏi trả lời rằng họ phải chi trả dưới dạng tiền lót tay cho các cán bộ hành chính địa phương, 7% số DN phải chi trả tới hơn 10% tổng thu nhập của họ cho các khoản chi phí không chính thức.

Còn theo báo cáo của UB Kinh tế Quốc hội, do thuế phí cao, khả năng tích lũy, đầu tư phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân đã bị hạn chế đáng kể. Nó cũng khuyến khích các hành vi gian lận về thuế như chuyển giá tại các DN FDI. Theo đó, khu vực này chiếm khoảng 20% GDP nhưng chỉ đóng góp trên dưới 10% thu ngân sách.

Giảm thuế – “vun gốc hái ngọn”

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi chiếc “bánh” GDP chưa to ra được thì việc ưu tiên thông thường là dành cho người sản xuất, cho DN, bởi đây là nơi trực tiếp sản xuất ra GDP, để khoan thư sức dân, bồi dưỡng nguồn thu trong đó có việc giảm thuế, phí cho DN.

Chỉ tính từ năm 1997 đến nay, đã có 3 lần sửa đổi thuế TNDN. Nếu như năm 1997, thuế TNDN áp dụng mức 32% thì đến năm 2003, Luật sửa đổi, giảm thuế xuất xuống còn 28%. Từ 1/1/2009, Luật thuế mới cho phép áp dụng mức thuế ưu đãi còn 25%.

Tuy nhiên, rất nhiều DN cho rằng nên tiếp tục giảm xuống mức dưới 20%, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Bởi Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường cũng chỉ mới là những giải pháp mang tính tình thế.

Các đây không lâu, tại một cuộc hội thảo về thuế do Bộ Tài chính phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tổ chức, ông Ved P. Gandhi – Chuyên gia thuế quốc tế cho biết, hiện nay các nước ASEAN có mức thuế suất bình quân thuế TNDN là 24,9% và thuế suất thuế GTGT là 15,6%. Xu hướng cải cách 2 sắc thuế này đang có 2 luồng tư tưởng, trong đó, các nước phương Tây thường hạn chế chính sách ưu đãi thuế TNDN vì cho rằng, ưu đãi thuế dễ dẫn đến lợi dụng. Thay vào đó, các nước thường áp dụng thuế suất thấp nhất có thể để khuyến khích đầu tư vào các hoạt động kinh tế. Trong khi đó, với các nước đang phát triển, gồm hầu hết các nước châu Á và ASEAN tin rằng, áp dụng các biện pháp ưu đãi thuế TNDN sẽ khuyến khích các ngành, nghề đặc biệt phát triển.

Một trong những trở ngại có thể làm trì hoãn việc giảm thuế TNDN bởi đây vẫn là nguồn thu đóng góp tỉ trọng lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước. Bình quân giai đoạn 2003 – 2010 tỉ trọng số thu thuế TNDN chiếm 29,7% tổng thu ngân sách.  Nếu VN giảm ngay thuế suất thuế TNDN từ 25% xuống 20% cho năm 2012, ngân sách năm 2012 sẽ giảm 20.442 tỉ đồng, bằng 14,6% dự toán bội chi NSNN và bằng 4% tổng thu NSTƯ. Nếu chỉ giảm 6 tháng của năm 2012, ngân sách sẽ giảm mất 10.221 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Nguyễn Thị Nguyệt Hường, khi giảm xuống mức mới, số lượng của DN ra đời là rất là lớn, DN ra đời nhiều hơn đã tạo điều kiện để tăng thu NSNN và điều này thực sự có ý nghĩa. Trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc giảm thuế TNDN từ 25% xuống 20% sẽ có tác dụng gỡ bỏ rào cản gia nhập thị trường của DN. Ví dụ trước đây, thuế TNDN là 32% thì tổng thu NS không cao hơn khi hạ mức thuế xuống 25%.

Trên thực tế, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập DN đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2013 của Quốc hội. Bộ Tài chính dự kiến sẽ trình với Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét giảm thuế suất xuống còn 22-23% từ mức 25% hiện nay và đến năm 2020, thuế suất sẽ giảm về 20%. Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, giảm thuế TNDN xuống 20% là việc nên làm ngay, chứ không nên để muộn hơn.
 

Bà Vũ Thị Thuận – Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Traphaco:
Thuế chưa… thực với TNDN

Trong bối cảnh hiện tại, để tạo điều kiện cho DN phát triển nên để thuế TNDN ở mức 20%. Hiện nay, chúng ta khống chế tỉ lệ chi phí quảng cáo tiếp thị không quá 10% tổng chi phí, DN nào chi quá mức này sẽ bị xuất toán. Để cạnh tranh được DN buộc phải chi đến mức hơn 10% và chấp nhận bị quyết toán, số lãi thực do vậy thấp hơn số lãi quyết toán với cơ quan thuế và số thuế phải nộp trên lãi thực của DN chắc chắn là cao hơn 25%.

Ông Mai Hữu Tín – Chủ tịch Hội DNT VN:
Nhiều chi phí của DN không được thừa nhận
Trên thực tế một số chi phí của DN tại VN đang không được thừa nhận. Một ví dụ là thù lao trả cho các thành viên của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, chúng ta khuyến khích các DN hoạt động minh bạch hơn, quản trị hiệu quả hơn. Một trong những cách mà DN nên áp dụng để tăng hiệu quả là mời chuyên gia giỏi, mời các nhà quản lý giỏi tham gia làm hội đồng thành viên hoặc thành viên Hội đồng quản trị độc lập. Đây là chi tiết hoàn toàn hợp lý và cần được thừa nhận, nhưng chúng ta không chấp nhận. Một chi tiết thật của DN không được thừa nhận thì đương nhiên nghĩa vụ thuế TNDN của DN cao hơn so với con số danh nghĩa 25%. Ngoài ra, phí công đoàn 2% áp dụng từ 01/01/2013 sắp tới đối với DN cũng là một dạng thuế đánh trên bảng lương. Trong khi tuyệt đại đa số các nước, phí công đoàn do công đoàn viên đóng chứ không phải là trách nhiệm của DN. Do nhiều chi phí không được thừa nhận như vậy cùng với việc phải chịu những chi phí cao hơn so với DN các nước khác và nhiều chi tiết khác nữa không chính thức mà mức thuế TNDN thực phải đóng hiện cao hơn 30% thu nhập thực của DN. Ngay cả khi mức thuế TNDN được giảm xuống chính thức là 20% thì con số thực vẫn cao hơn 25% thu nhập thực có của DN hiện nay.

 

Nguồn dddn.com.vn