Hết cửa cạnh tranh, nhiều cửa hàng điện thoại nhỏ liên tiếp khai tử

09/06/2016

Chuyên mục:

Sự bành trướng của Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn thông A, Viettel Store… cùng các hệ thống siêu thị điện máy có kinh doanh điện thoại đang tấn công vào mọi ngõ ngách các tỉnh thành, khiến hàng loạt cửa hàng điện thoại nhỏ phải đóng cửa hoặc sống lay lắt.

Hai ngày mở 3 điểm bán

Trong vài năm trở lại đây, các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Viễn thông A, Viettel Store… liên tục gia tăng số lượng điểm bán. Trong đó, Thế Giới Di Động và FPT Shop đang là hai cái tên sừng sỏ nhất.

Thế Giới Di Động hiện sở hữu 803 siêu thị trên toàn quốc, diện tích trung bình từ 700 - 1000m2, đồng thời đang hướng đến mục tiêu cán mốc tới 1.000 điểm bán ngay trong năm 2016.

Theo ông Nguyễn Đức Tài, CEO của Thế Giới Di Động, hệ thống này vẫn tiếp tục tăng tốc với trung bình cứ 2 ngày có 3 điểm bán được mở. Thậm chí mục tiêu trong năm 2016 là cứ 100 chiếc điện thoại tại Việt Nam bán ra thì 40 chiếc được mua tại Thế giới Di động. 

Trong khi đó, thông tin từ FPT cho thấy, tính đến tháng 6/2016, FPT Shop đã có 316 cửa hàng. Chỉ tính riêng trong quý I/2016, FPT Shop đã mở mới 48 cửa hàng, tốc độ mở điểm bán của FPT Shop trung bình cứ 2 ngày có thêm 1 điểm (hệ thống này hoàn thành trước kế hoạch mở shop trong năm 2016 chỉ sau 3 tháng đầu năm).

Ngoài ra, tính đến đầu tháng 6/2016, các tên tuổi khác như Viettel Store cũng có tới 290 điểm bán mở tại các địa phương, Viễn thông A hiện sở hữu 213 cửa hàng… có mặt tại hầu hết các tỉnh thành.

Các cửa hàng dày đặc trên các tuyến phố Hà Nội của Thế Giới Di Động.

Sơ đồ các cửa hàng của FPT Shop tại Hà Nội.

Tuy mới gia nhập thị trường bán lẻ điện thoại vào quý IV/2015 nhưng MobiFone cũng bắt đầu tăng tốc mở điểm bán để cạnh tranh với tham vọng trong năm đầu tiên sẽ phát triển chuỗi với hơn 100 cửa hàng tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước.

Ngoài ra, thị trường bán lẻ điện thoại còn chứng kiến sự bành trướng của loạt hệ thống siêu thị điện máy có kinh doanh điện thoại như Nguyễn Kim, Trần Anh, Media Mart… với hàng trăm cửa hàng được mở tại nhiều địa phương, trở thành những thế lực mới đe dọa trực tiếp đến sự sống còn của các cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ.

Không sống nổi vì Thế Giới Di Động "bủa vây"

Trao đổi với ICTnews, anh Tuấn, chủ một cửa hàng điện thoại nhỏ trên đường Minh Khai (Hà Nội) than thở cửa hàng của anh đang lâm cảnh điêu đứng, gần như không sống nổi kể từ khi bị Thế Giới Di Động "bủa vây".

“Ở con phố này, chỉ trên quãng đường dài chưa đầy 700 mét nhưng Thế Giới Di Động đã mở tới 3 điểm bán trong hơn 1 năm nay, hút sạch khách của những cửa hàng điện thoại nhỏ lẻ như chúng tôi”, anh Tuấn nói.

Khảo sát của ICTnews cho thấy, thực tế đúng như than phiền của chủ cửa hàng điện thoại nói trên, trên đường Minh Khai, chỉ trên một đoạn đường dài hơn 600 mét thì đã có đến 3 điểm bán của Thế Giới Di Động mở ra tại số 463, 466 và số 252T.

3 điểm bán gần nhau của Thế Giới Di Động trên phố Minh Khai.

Chưa kể tới loạt siêu thị khác cũng của Thế Giới Di Động và FPT Shop được mở tại các con phố Kim Ngưu, Đại La, Tam Trinh nằm ngay kề phố Minh Khai.

Chung quan điểm với anh Tuấn, trao đổi với ICTnews, anh Huy, chủ một cửa hàng điện thoại trên phố Trương Định (Hà Nội) cho hay, từ cuối năm 2015 tới nay, cửa hàng của anh kinh doanh rất khó khăn, nhiều hôm khách vắng tanh, có tháng trừ chi phí thuê cửa hàng, tiền điện, trả cho 1 nhân viên thì còn lại cũng không được bao nhiêu.

“Nếu tình hình này tiếp diễn thì chỉ vài tháng nữa là cửa hàng của tôi phải đóng cửa. Không như 2 - 3 năm trở về trước, việc bán một chiếc điện thoại hiện nay rất khó khăn, nhất là loại sản phẩm lãi không nhiều như điện thoại chính hãng. Những cửa hàng nhỏ như chúng tôi cũng không có nhân viên niềm nở tiếp đón, không điều hòa máy lạnh giữa thời tiết 37 – 39 độ như thế này, lại không nhiều sản phẩm để khách hàng tham khảo...", anh Huy nói.

Còn ở phương diện giá bán, khuyến mãi thì các cửa hàng nhỏ càng thất thế, khó cạnh tranh nổi trước sự tấn công ồ ạt của các hệ thống lớn do những doanh nghiệp có tiềm lực lớn được nhiều hãng hỗ trợ chạy khuyến mãi, tặng phụ kiện, phiếu mua hàng giảm giá…

Chính vì thế, nhiều cửa hàng nhỏ sống lay lắt nhờ bán điện thoại cũ, điện thoại xách tay, bán phụ kiện. Nếu có nhân lực thì làm thêm sửa chữa và thay thế linh phụ kiện.

Theo con số khảo sát của Hãng Nghiên cứu thị trường GfK, trước sự bành trướng của các chuỗi bán lẻ lớn, năm 2015 Việt Nam có khoảng 3.000 cửa hàng bán điện thoại di động phải đóng cửa.

Thống kê từ GfK cho thấy, kết thúc quý I/2016, cả hai chuỗi Thegioididong.com và Điện máy Xanh (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động) chiếm tới 37% thị phần điện thoại cả smartphone và feature phone. Các chuỗi bán lẻ điện thoại còn lại chiếm 33,4%, các cửa hàng nhỏ lẻ và Local King (vị trí đắc địa) chiếm 20,2%; 6,4% thuộc về các chuỗi cửa hàng điện máy có bán điện thoại và 2,9% là bán hàng online.

Thị phần của các cửa hàng điện thoại nhỏ đang bị thu hẹp trước các hệ thống bán lẻ lớn. Đánh giá của giới kinh doanh cho thấy, số lượng cửa hàng phải đóng cửa sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh trong năm 2016. Trong đó, không chỉ là những cửa hàng điện thoại nhỏ mà những hệ thống có vài ba điểm bán cũng không dễ gì sống nổi.

 Theo ICTnews 

 

Vienam Report