Hiệp định EVFTA và IPA: Mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn

01/07/2019

Chuyên mục:

Sau gần 10 năm đàm phán, chiều 30/6, tại Hà Nội, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã được ký kết. Việc hoàn tất đàm phán và ký kết 2 Hiệp định này sẽ làm tăng cường hơn nữa quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, trong đó cũng đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Hiện nay EU là một trong những đối tác thương mại chủ yếu của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 41,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,9 tỷ USD).

Với Hiệp định được ký kết, trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, gần như toàn bộ 100% biểu thuế và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (tối đa là 7 năm). Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết.

Bên cạnh đó, những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.  

Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

MỞ RA CHÂN TRỜI MỚI HỢP TÁC RỘNG LỚN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: Quang Phúc.

"Chúng ta vừa chính thức ký 2 Hiệp định quan trọng là Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA, mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp hai bên.

Liên minh châu Âu với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nằm cách xa nửa vòng trái đất để làm Đối tác. Là quốc gia giàu tiềm năng phát triển năng động hàng đầu tại Đông Nam Á, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ, với tầm nhìn mạnh mẽ về hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam rất vui mừng hợp tác với Liên minh Châu Âu ở phía Tây Bán cầu, một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại, hùng mạnh hàng đầu thế giới, cũng như mở rộng hợp tác song phương với 28 nước thành viên EU.

Năm 2012, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện PCA là khung hợp tác quan trọng về chính trị, đối ngoại và nay là ký 2 Hiệp định về thương mại EVFTA và đầu tư EVIPA, là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích.

Sự liên kết, tổng hòa các Hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược. Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, sự hợp tác hai bên mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược của cả Việt Nam và EU- là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau- cùng hợp tác, cùng có lợi và cùng phát triển hướng về tương lai tươi sáng, đóng góp cho sự phát triển bền vững và cho hòa bình, ổn định và phát triển.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU, ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU - Ảnh: VGP.

Để 2 Hiệp định EVFTA và EVIPA có hiệu lực, mang lại lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp hai bên, tôi rất tin tưởng Nghị viện Châu Âu, Nghị viện các nước thành viên EU và Quốc hội Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn các Hiệp định EVFTA và EVIPA, để khi có hiệu lực, 2 Hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam và từ đây người dân hai bên dễ dàng hợp tác, giao lưu, các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau.

Đặc biệt doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lớn khác ở khu vực Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông- Tây mang đến sự phát triển thịnh vượng của 2 khu vực Á- Âu và toàn cầu.

Tuy nhiên, việc ký các Hiệp định EVFTA, EVIPA hôm nay mới là bước khởi đầu, hai bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai hợp tác thành công. Việt Nam sẽ ban hành "Chương trình hành động quốc gia" thực hiện 2 Hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết, triển khai sâu rộng đến các Bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, gắn với phát huy sự năng động, sáng tạo trong quá trình thực hiện hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phát triển giàu mạnh hùng cường".

VIỆT NAM - EU TIẾN TỚI NẤC THANG MỚI

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh - Ảnh: Quang Phúc.

"15 năm trước đây, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5) tại Hà Nội, lãnh đạo Việt Nam và các nước Châu Âu đã thảo luận và đi đến thống nhất một lộ trình để hướng tới tăng cường hợp tác giữa hai bên thông qua các bước hội nhập với nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Bước đầu tiên chính là việc EU hỗ trợ Việt nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sau đó là đi đến một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa hai bên.

Khi đó, Châu Âu là một trong những người bạn đầu tiên chia sẻ và tin tưởng ở ý chí, quyết tâm hội nhập của dân tộc Việt Nam. Rất ít người nghĩ rằng hai bên có thể đạt được các mục tiêu đầy tham vọng đó.

Không lâu sau đó, Việt Nam đã gia nhập WTO và có những bước tiến vững chắc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tháng 10 năm ngoái, cũng bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu tại Brussels, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cùng Lãnh đạo EU đã thống nhất những nguyên tắc cuối cùng để hai bên có thể tiến tới nấc thang mới, nấc thang cao nhất trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nền kinh tế không thuộc một khu vực địa lý: một Hiệp định thương mại tự do với tiêu chuẩn cao.

Có thể khẳng định rằng việc hoàn tất đàm phán và ký kết 2 Hiệp định này sẽ làm tăng cường hơn nữa quan hệ song phương đang ngày càng phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, làm sâu sắc hơn mối quan hệ về kinh tế và thương mại nhằm tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để mang lại lợi ích cho cả hai bên.

15 năm trước, Việt Nam chỉ là nước đang chập chững bước vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ ở mức 26 tỉ USD. Việt Nam khi đó vẫn là một đối tác thương mại nhỏ cần sự hỗ trợ của EU để hội nhập với nền kinh tế thế giới. Nay, với kim ngạch xuất khẩu gấp gần 10 lần so với 15 năm trước, Việt Nam cùng EU chính thức bắt tay chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong hợp tác kinh tế: giai đoạn của quan hệ lâu dài, toàn diện, bình đẳng và cùng có lợi xây dựng trên cơ sở các quy tắc minh bạch và thông thoáng của một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy nhiên, bước ký kết mới chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới. Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là phê chuẩn cả 2 Hiệp định này và chuẩn bị ngay các bước để có thể triển khai hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai bên. Chặng đường tới đây đòi hỏi rất nhiều vào nỗ lực của cả Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Tôi mong rằng với tinh thần và nỗ lực như đã thể hiện trong quá trình đàm phán, các cơ quan liên quan của Việt Nam và Liên minh Châu Âu sẽ hoàn tất quy trình phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để các Hiệp định này sớm đi vào hiệu lực".

KỲ VỌNG THU HÚT ĐẦU TƯ VỚI CHẤT LƯỢNG CAO TỪ EU

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU, ký Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU - Ảnh: Zing.

"EVFTA và IPA là 2 Hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên. Việc ký kết các Hiệp định này sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại truyền thống mà cả trong lĩnh vực thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, lao động, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế Việt Nam theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, thông lệ tốt của quốc tế, đặc biệt là của Liên minh Châu Âu.

Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò, tiềm năng của các nhà đầu tư EU về vốn, công nghệ, trình độ quản lý... Do vậy, Chính phủ Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng, việc ký kết Hiệp định IPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thời gian tới.

Theo đó, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đồng thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Một số thách thức là thể chế, chính sách, cơ chế quản lý; hệ thống kết cấu hạ tầng, trình độ công nghệ và nguồn nhân lực; năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam...

Do vậy, để hiện thực hóa những cơ hội và lợi ích từ việc thực thi các hiệp định này, cùng với những những giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam và toàn nền kinh tế, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh.

Theo đó Chính phủ sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Luật lao động và một số Luật về thuế... nhằm tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp".

SỰ KHỞI ĐẦU MANG ĐẾN LỢI ÍCH CHO CẢ HAI BÊN

"Đây là thời điểm mang tính lịch sử sau quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm. Có thể nói, hiệp định được ký kết là biểu tượng quan trọng trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay.

Chúng tôi sẽ thúc đẩy quá trình phê chuẩn của 2 hiệp định nhằm mang lại thuận lợi cho cả 2 bên, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động, người tiêu dùng. Chúng tôi cũng mong muốn Quốc hội Việt Nam thông qua các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng như tiếp tục quá trình sửa đổi Luật Lao động.

Với hiệp định được ký kết, thuế và cả các hàng rào phi thuế quan đều được giảm, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường, mở cửa mua sắm khu vực công… Cùng với đó, EU đầu tư vào Việt Nam sẽ có sự gia tăng, doanh nghiệp EU đến Việt Nam nhiều hơn, coi Việt Nam là trung tâm quan trọng. Đây là sự khởi đầu, hợp tác mang đến lợi ích chung".

TÍN HIỆU GỬI ĐI CHO THẾ GIỚI KHI XU HƯỚNG BẢO HỘ GIA TĂNG

"Người Việt Nam có câu "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", tức là luôn hướng về người tạo ra ban đầu. Qua đây, tôi cũng xin cảm ơn mọi đối tác Việt Nam đã tham gia đàm phán từ những ngày đầu để giúp EVFTA đi đến hoàn thiện.

Sự kiện ngày hôm nay chính là cột mốc quan trọng, thể hiện sự hợp tác lâu bền giữa hai bên. Tôi tin tưởng rằng, hiệp định được thực thi sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp của cả Việt Nam và EU với 99% dòng thuế được xoá bỏ. Cùng với nhiều mặt hàng được hưởng lợi, hiệp định cũng sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư giữa hai bên.

Việc phê chuẩn càng sớm thì càng mang lại lợi ích cho người dân, người lao động, người tiêu dùng càng lớn. Đây là tín hiệu gửi đi cho thế giới khi xu hướng bảo hộ đang gia tăng ở nhiều nơi.

EU hướng tới người bạn châu Á, mong muốn đây là nền tảng cho sự hợp tác giữa các bên, hội nhập khu vực tăng lên. Với thế mạnh và sự đa dạng của các bên, hiệp định sẽ mang lại lợi ích cao nhất, thu được lợi ích cao nhất, tăng trưởng nhiều nhất cho hai bên".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Romania Stefan-Radu Oprea đến dự lễ ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) (EVFTA và IPA) - Ảnh: VGP.

Theo VnEconomy

 

 

Vietnam Report