Ngày 12/4, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc Alibaba Group thông báo đã đạt được thỏa thuận mua lại quyền kiểm soát nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á là Lazada khi chấp nhận bỏ ra khoản tiền 1 tỷ USD, Theo đó, các nhãn hàng trên nền tảng Alibaba hiện nay sẽ sớm có thể tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam.
Người hùng mang tên Alibaba
Kể từ khi John Rockefeller – người được coi là doanh nhân vĩ đại định hình nên sự thay đổi của cả một đất nước thì có lẽ cho tới nay chỉ có Jack Ma làm được điều này. Đế chế kinh doanh Standard Oil của Rockefeller đã nhanh chóng trở nên giàu có nhờ nắm bắt được cơ hội sự nổi lên của dầu mỏ và động cơ đốt trong – sự kết hợp sau này tạo ra năng lượng dùng cho cả nước Mỹ trong suốt cả một thế kỷ. Ông trở thành tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ và là người đàn ông giàu có nhất trong lịch sử. Mặc dù bị cho là độc tài nhưng không thể phủ nhận ông trở thành hiện thân của chủ nghĩa tư bản Mỹ.
Trong khi đó, Alibaba – tập đoàn do Jack Ma và một số đồng nghiệp của ông khởi nghiệp từ căn hộ nhỏ tồi tàn ở Hàng Châu vào năm 1999 hiện trở thành một trong những công ty Internet lớn nhất thế giới. Giao dịch bao gồm khoản đầu tư 500 triệu USD vào vốn chủ sở hữu mới phát hành của Lazada và mua lại cổ phần của một số cổ đông Lazada gồm Rocket Internet SE, Tesco Plc và Investment AB Kinnevik, với tổng trị giá đầu tư của Alibaba khoảng 1 tỷ USD.
Thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp những nhãn hàng và nhà phân phối trên toàn thế giới đang kinh doanh trên nền tảng của Alibaba, cũng như những nhà bán hàng địa phương, có thể tiếp cận được thị trường tiêu dùng Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Alibaba thỏa thuận với một số cổ đông nhất định của Lazada, cho phép Alibaba quyền được mua, và các cổ đông quyền được bán cổ phần còn lại của họ ở Lazada với mức giá thị trường trong 12 - 18 tháng sau khi giao dịch hoàn thành.
Lazada hiện có trụ sở chính tại Singapore, được sáng lập và điều hành bởi công ty Rocket Internet SE của Đức. Công ty thực hiện các hoạt động thương mại điện tử tại Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Theo Bloomberg, thương vụ này đến từ mục tiêu đề ra bởi tỉ phú kiêm chủ tịch Alibaba Jack Ma nhắm đến ít nhất phân nửa doanh thu công ty đến từ các thị trường bên ngoài Trung Quốc. Qua thương vụ với Lazada, Alibaba tạo thêm doanh thu từ mua bán quần áo và đồ điện tử ở sáu thị trường khu vực Đông Nam Á nơi Lazada đang hoạt động, trong đó có Việt Nam.
Khi Alibaba vào "nhà người ta"
Đối tượng mà Lazada hướng đến là người tiêu dùng, bán lẻ còn Alibaba hướng tới khách hàng công nghiệp, bán sỉ. Do muốn mở rộng thêm đối tượng khách hàng tiêu dùng và chợ thương mại điện tử hàng tiêu dùng nên họ mua lại. Nói cách khác, Alibaba mua lại Lazada để có thêm thị trường hàng tiêu dùng ở khu vực châu Á, đặc biệt Đông Nam Á – nơi Lazada đã khẳng định được vị trí của nó. Hoạt động cụ thể của Lazada tại Việt Nam sẽ không có gì khác so với hiện tại. Vấn đề ở đây là sở hữu tài chính chứ Lazada không núp bóng Alibaba hay sáp nhập thương hiệu. Do vậy, người tiêu dùng chỉ cần biết tới Lazada chứ không cần phải biết tới Alibaba.
Alibaba sẽ chỉ đứng đằng sau với các chiến lược phát triển chứ người tiêu dùng vẫn mua hàng trên Lazada. Chỉ có các nhà xuất nhập khẩu, mua bán lớn mới vào Alibaba. Như vậy, khách hàng sẽ có 2 chợ, một chợ bán sỉ - Alibaba và một chợ bán lẻ - Lazada. Điều này sẽ giúp tăng sức mạnh cho ông chủ của 2 chợ điện tử trên. Việc mua bán nhiều khi do ý đồ khác nhau nên mức giá được đưa ra sẽ khác nhau chứ không phải cứ nhìn vào định giá mà nói là đắt hay rẻ. Nếu biết sử dụng có chiến lược, thì sẽ thấy nó phát huy hiệu quả và ngược lại thì sẽ không thấy hiệu quả của việc mua lại nó. Nhìn con số sẽ thấy Lazada được đánh giá tiềm năng trong việc phục vụ ý đồ chiến lược của Alibaba.
Tùng Sơn
Tổng hợp
Vietnam Report Tổng hợp