Khi doanh nghiệp bị kiểm toán “chiếu...

29/07/2015

Chuyên mục:

Sau 6 tháng đầu năm 2013, hiện có không ít doanh nghiệp bị kiểm toán đặt dấu chấm hỏi về khả năng hoạt động.

Kiểm toán sẽ lên tiếng khi thấy có dấu hiệu gian lận hoặc sai sót trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp được kiểm toán. Vì thế, khi doanh nghiệp bị kiểm toán “chiếu tướng”, đa phần đều có vấn đề.

Câu chuyện sẽ trở nên trầm trọng hơn một khi doanh nghiệp bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động. Biểu hiện làm cho giả định hoạt động liên tục có thể bị vi phạm:

Dấu hiệu về tài chính, nợ phải trả lớn hơn tài sản hoặc nợ phải trả ngắn hạn lớn hơn tài sản lưu hoặc đơn vị có các khoản nợ dài hạn sắp đến hạn trả mà không có khả năng trả được nợ….

Dấu hiệu về hoạt động, đơn vị bị thiếu thành phần lãnh đạo chủ chốt mà không thay thế được, đơn vị bị mất một thị trường lớn, mất giấy phép bản quyền hoặc mất một nhà cung cấp quan trọng.

Dấu hiệu khác, doanh nghiệp đang bị kiện; không đủ vốn pháp định hoặc không thực hiện được các yêu cầu có liên quan theo luật định.

Sau 6 tháng đầu năm 2013, hiện có không ít doanh nghiệp bị kiểm toán đặt dấu chấm hỏi về khả năng hoạt động. Trong đó chủ yếu kiểm toán nhìn thấy nguy cơ của doanh nghiệp về các các vấn đề tài chính.

Nghi ngờ do lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu

PXM, BHV, NVC, PSG đang cùng nhau đối diện khả năng hủy niêm yết bắt buộc .Những cổ phiếu này đều đang rơi vào vòng xoáy thua lỗ suốt nhiều quý liên tiếp, vốn chủ sở hữu đang dần bị bào mòn và đang có nguy cơ hủy niêm yết nếu 6 tháng còn lại của năm 2013 kết quả không được cải thiện.

PXM là cổ phiếu đầu tiên mới đây đã bị HoSE đưa ra cảnh báo khả năng hủy niêm yết bắt buộc trong kỳ kinh doanh 6 tháng năm 2013. Công ty này đã kinh doanh thua lỗ trong 5 quý liên tiếp, tại BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2013 PXM chịu khoản lỗ lên tới 141,40 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2013, PXM có lợi nhuận chưa phân phối là -249 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ thực góp là 150 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán cho rằng 6 tháng đầu năm công ty gặp khó khăn về quản lý dòng tiền và thanh toán các khoản nợ vay đến hạn, điều này làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty.

Một cổ phiếu khác cũng trong tình trạng bi đát là BHV. Doanh nghiệp này đã thua lỗ trong suốt 6 quý liên tiếp, tại báo cáo đã được soát xét 6 tháng đầu năm 2013 công ty lỗ gần 9,3 tỷ đồng.

Như vậy khoản lỗ lũy kế đến thời điểm 30/06/2013 của Công ty là 18,5 tỷ đồng vượt quá vốn chủ sở hữu là 8,5 tỷ đồng; Nợ ngắn hạn của Công ty vượt quá tài sản ngắn hạn là 25,6 tỷ đồng. Ngoài ra, nếu ghi nhận đủ các khoản chi phí nêu trên vào kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ thì lợi nhuận trước thuế sẽ giảm đi tương đương là 3,7 tỷ đồng. Việc lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu, thiếu hụt vốn lưu động, kiểm toán đã đưa ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

 

Được biết, tại ĐHĐCĐ năm 2013 cổ đông công ty đã thông qua việc tự nguyện hủy niêm yết trên HNX và tiếp tục đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Suốt 6 quý không biết đến lãi, NVC lỗ thêm gần 36 tỷ đồng so với trước soát xét, nâng mức lỗ sau soát xét lên 78,8 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2013. Kiểm toán lưu ý về số lỗ lũy kế là hơn 232,8 tỷ đồng vượt quá vốn điều lệ của công ty (vốn điều lệ của công ty hiện tại chỉ 160 tỷ đồng). Tình hình này ảnh hưởng lớn đến khả năng hoạt động kinh doanh của công ty trong các năm tiếp theo.

 

Với việc lỗ tiếp gần 40 tỷ đồng trong quý 2/2013, PSG đã ghi nhận quý báo lỗ thứ 7 liên tiếp kể từ quý 4/2011. Tính đến 30/06/2013, vốn chủ sở hữu bị âm 50 tỷ đồng trong khi con số đầu kỳ là 16,44 tỷ đồng.

Theo quy định hiện tại, các doanh nghiệp niêm yết sẽ bị buộc hủy niêm yết nếu vốn chủ sở hữu hạch toán trong BCTC kiểm toán năm là con số âm. Với tình trạng thua lỗ như trên khả năng PXM, BHV, NVC, PSG bị hủy niêm yết là rất lớn.

Nghi ngờ do nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn

Tại BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2013 của VCR, kiểm toán lưu ý: Kinh doanh bất động sản là hoạt động chính với tỷ trọng tài sản và nợ phải trả lần lượt 94% và 99% trên tổng tài sản và nợ phải trả của công ty trong các năm qua. Tại ngày 30/06/2013, VCR đang trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động để có thể thanh toán cho các khoản công nợ đến hạn trả. Các yếu tố nêu trên gây nên sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty. VCR đã kinh doanh thua lỗ trong suốt 6 quý liên tiếp.

TNG cũng bị kiểm toán lưu ý vấn đề vốn lưu động của Công ty bị thiếu hụt có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của Công ty. Tại ngày 30/6/2013, nợ ngắn hạn của Công ty vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền 135 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 146,875 tỷ đồng do TNG sử dụng vốn lưu động để đầu tư tài sản cố định.

Tại BCTC riêng soát xét 6 tháng đầu năm 2013 của PXI, đơn vị kiểm toán lưu ý về việc nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn và dòng tiền kinh doanh âm cho thấy khả năng gặp khó trong việc thanh toán. Tại  ngày 30/06, công nợ ngắn hạn phải trả của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền khoảng 106 tỷ đồng. Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ âm 133 tỷ đồng.

VOS cũng bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục do 2 nguyên nhân là bị lỗ và nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn. VOS có 1.161 tỷ đồng nợ ngắn hạn thời điểm cuối quý II/2013, nhưng tài sản ngắn hạn chỉ hơn 615 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2013, công ty lỗ 197 tỷ đồng.

Đối với BHC, tính đến 30/06/2013, nợ ngắn hạn của công ty là 107 tỷ đồng, cao gấp đôi so với tài sản ngắn hạn 55 tỷ đồng. Đồng thời, công ty lỗ lũy kế hơn 40 tỷ đồng, nếu BHC trích lập đủ dự phòng công nợ phải thu, hàng tồn kho và khấu hao tài sản cố định thì số lỗ lũy kế này lớn hơn vốn đầu tư của chủ sở hữu. Theo ý kiến của kiểm toán, các nội dung này gây ra nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

SHN nổi tiếng với “quả lừa” mang tên BETA- BQP khiến công ty chịu mức lỗ khủng 127 tỷ đồng trong năm 2012. Trong 6 tháng đầu năm 2013, kết quả kinh doanh của công ty tiếp tục khó khăn với khoản lỗ ròng lên đến 56 tỷ đồng. Hiện SHN đang nằm trong top các doanh nghiệp có lỗ lũy kế lớn nhất trên sàn niêm yết với khoản lỗ lũy kế ở mức 313,7 tỷ đồng, chỉ còn thấp hơn vốn điều lệ 11 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán cho rằng khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc phần lớn vào khả năng thu hồi các khoản công nợ liên quan đến CTCP Beta BQP và ông Nguyễn Anh Quân cũng như khả năng thu xếp thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của công ty.

Với lý do hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, mới đây SHN đã thông qua phương án giải thể 4 chi nhánh là đơn vị hạch toán phụ thuộc của công ty. Việc giải thể 4 chi nhánh không nằm ngoài kế hoạch tiết kiệm chi phí, thu gọn bộ máy hoạt động của công ty, cho dù như vậy thì kế hoạch năm 2013 lãi 90 triệu đồng trong tình cảnh hiện tại là khó đạt được.

Ngoài ra hiện trên hai sàn còn một số doanh nghiệp khác cũng bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục như GGG, HHL, VNI.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013 đang là căn cứ cơ bản để nhà đầu tư đưa ra quyết định giao dịch chứng khoán. Chất lượng báo cáo tài chính do doanh nghiệp tự lập hiện vẫn còn nhiều vấn đề do đó nhà đầu tư vẫn cần dựa vào các báo cáo được kiểm toán soát xét. Tuy nhiên hiện đã bước sang tháng 9 nhưng theo thống kê trên sàn HoSE vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện công bố BCTC soát xét 6 tháng đầu năm 2013.

Thanh Tú

Theo Trí Thức Trẻ/HNX&HSX