Khu vực kinh tế hợp tác tạo ra 2,5 triệu việc làm cho xã hội

14/10/2019

Chuyên mục:

Việt Nam đã có tổng số 23.905 hợp tác xã và tạo ra việc làm thường xuyên cho khoảng 2,5 triệu lao động với mức thu nhập bình quân của 45 triệu đồng/năm.

“Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế, hiện đang đóng góp 10% GDP của cả nước và có vai trò quan trọng trong mục tiêu kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019, ngày 14/10.

Sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị

Theo báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong chín tháng của năm nay, cả nước có 1.598 hợp tác xã thành lập mới, song cũng có đến 341 hợp tác xã yếu kém và phải giải thể.

Như vậy, tính đến tháng 9/2019, Việt Nam đã có tổng số 23.905 hợp tác xã và tăng 6,5% so với năm 2018, trong đó 22.649 hợp tác xã đang hoạt động và 1.256 hợp tác xã ngừng hoạt động. Đáng chú ý, các hợp tác xã đã tạo ra việc làm thường xuyên cho khoảng 2,5 triệu lao động với mức thu nhập bình quân của 45 triệu đồng/năm.

Trước bối cảnh kinh tế hội nhập, khu vực kinh tế tập thể đã trở nên năng động hơn. Hiện cả nước đã có khoảng 1.500 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp.

Qua kết nối, các hợp tác xã đã tạo nên các liên minh để từ đó giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, thông tin và tiêu thụ sản phẩm…, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo cho người dân địa phương.

Tăng cường liên minh, liên kết 

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết khu vực hợp tác xã đóng góp vào nền kinh tế thông qua cả hai kênh trực tiếp và gián tiếp. Trong thời gian qua, một số hợp tác xã quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, đạt doanh thu cao đã xuất hiện.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành kế hoạch cũng thừa nhận bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực kinh tế tập thể phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, do tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định. Thêm vào đó vẫn có tình trạng một số hợp tác xãhoạt động chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, năng lực nội tại yếu, liên kết còn hạn chế và đặc biệt là vai trò của liên minh hợp tác xã chưa được phát huy…

“Để kinh tế tập thể thoát khỏi những tồn tại, hạn chế, phát triển tốc độ cao và đóng góp tỷ trọng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế thì việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ cũng như sự ưu đãi của Nhà nước đối với khu vực này là rất quan trọng,” ông nói.

Trên thực tế, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã quy định sáu chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã như đào tạo, thương mại, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới, vốn, tạo điều kiện để thực hiện các chỉ tiêu, chương trình phát triển.

Tuy nhiên, Bộ trưởng chỉ ra rằng công tác triển khai đến này còn rất nhiều hạn chế, thậm chí nhiều chính sách đến nay còn chưa được thực hiện, như chính sách giao đất, xây dựng kết cấu hạ tầng… Bên cạnh đó, một số chính sách đã được thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, như chính sách hỗ trợ sản phẩm.

Do đó, Diễn đàn này là dịp để các hợp tác xã và các cơ quan quản lý, các đoàn thể, hiệp hội nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức trong bối cảnh mới. Mặt khác, đây cũng là cơ hội cho hợp tác xã, các doanh nghiệp tăng cường giao thương và hợp tác kết nối thị trường, công nghệ... góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các liên minh trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Hạnh Nguyễn

Theo TTXVN

 

Vietnam Report