Kịch bản thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc

19/02/2021

Chuyên mục:

Mỹ ước tính sẽ mất tới 500 tỷ USD trong kịch bản tách biệt hoàn toàn khỏi nền kinh tế Trung Quốc.

Phòng Thương mại Mỹ (USCC) cho biết các công ty nước này sẽ mất hàng trăm tỷ USD nếu họ cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc, nhấn mạnh chi phí đắt đỏ của việc tách rời hoàn toàn cũng như các hậu quả nghiêm trọng hơn.

Kich ban ly hon Trung Quoc: My kinh hai dem thiet hai
Các công ty Mỹ và nền kinh tế nói chung có thể mất hàng trăm tỷ USD nếu tiếp tục cuộc chiến thương mại.

Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ bị sụt giảm tới 500 tỷ USD nếu các công ty Mỹ giảm đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc xuống một nửa.

Bên cạnh đó, việc áp dụng mức thuế 25% đối với thương mại hai chiều sẽ khiến GDP của Mỹ giảm 190 tỷ USD mỗi năm tới năm 2025.

Ngoài xuất khẩu hàng hóa giảm, USCC ước tính rằng nếu chi tiêu cho du lịch và giáo dục của Trung Quốc trong tương lai giảm một nửa so với mức trước đại dịch, Mỹ sẽ mất từ ​​15 đến 30 tỷ USD mỗi năm cho xuất khẩu thương mại dịch vụ. Cơ quan này cho biết, việc tách biệt sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển ở Mỹ nhằm hỗ trợ các hoạt động tại Trung Quốc, mặc dù tác động này khó định lượng hơn.

Báo cáo của USCC cũng nghiên cứu tác động phân tách tiềm năng đối với bốn ngành công nghiệp. Họ phát hiện ra rằng việc mất quyền tiếp cận thị trường bán dẫn của Trung Quốc sẽ khiến sản lượng bị mất từ ​​54 tỷ đến 124 tỷ USD và khiến 100.000 việc làm của Mỹ gặp rủi ro. Việc áp đặt thuế quan cũng có thể dẫn đến tổn thất sản lượng lên tới 38 tỷ USD và gần 100.000 việc làm trong ngành công nghiệp hóa chất.

Việc mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với máy bay và các dịch vụ hàng không thương mại của Mỹ có thể gây thiệt hại 51 tỷ USD sản lượng hàng năm, tương đương 875 tỷ USD lũy kế vào năm 2038. Bên cạnh đó, việc mất thị phần trong lĩnh vực thiết bị y tế sẽ dẫn đến tổn thất doanh thu hàng năm đạt 23,6 tỷ USD.

USCC cho biết "cách tiếp cận cân bằng và hợp lý" đối với quan hệ thương mại với Trung Quốc là vì lợi ích của cả Mỹ và cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Đồng thời, cơ quan này cũng nói rằng họ ủng hộ một trật tự kinh tế "dựa trên các quy tắc" và kịch liệt phản đối các hành vi không công bằng của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ.

Báo cáo của USCC cũng chỉ ra rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden nên cân nhắc các chiến lược tốt nhất để đối mặt với những thách thức do Trung Quốc đặt ra. Ngoài ra, Mỹ cũng cần làm việc với các đồng minh để đối đầu với Trung Quốc dựa trên mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo hơn là hành động đơn phương và không làm suy yếu năng suất và sự đổi mới của nước này.

Theo báo cáo của Mỹ, với việc tăng cường kiểm soát nhà nước, ngăn chặn doanh nghiệp tư nhân và theo đuổi sự tự chủ về công nghệ cao, Trung Quốc đã tách mình ra khỏi các chuẩn mực kinh tế thị trường tự do.

"Lợi ích của chúng ta nằm ở việc phân ly có mục đích chứ không phải vô cớ. Nghiên cứu này nhằm điều chỉnh mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc một cách hợp lý" - ông Daniel Rosen, tác giả chính của báo cáo, khẳng định.

Thực tế là chính quyền của ông Biden cũng đã nhận ra sự cần thiết của việc bắt tay cùng các đồng minh châu Âu của mình để tấn công Trung Quốc song khả năng đó ngày càng bị hạn chế trong bối cảnh Mỹ cũng khởi động cuộc chiến thuế quan với châu Âu và Liên minh EU đang xúc tiến ngày càng nhiều các hiệp định thương mại với Trung Quốc nhằm tiếp cận thị trường tỷ dân ở châu Á.

Hải Lâm

Theo Đất Việt