Mô hình của dự án mà NSC với sự trợ vốn của VBCF đưa ra là: Người dân tham gia vào dự án sẽ được tham gia từ khâu nhân giống đến sản xuất và tổ chức thu mua qua đó tăng thu nhập 30-60%.
Cửa thoát hiểm cho nông nghiệp?
Thời gian qua, câu chuyện nông dân bỏ ruộng, trả ruộng bởi thu nhập từ trồng lúa quá thấp đã xảy ra trên diện rộng. Tình trạng đó khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc. Ngày 29/7, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra, thống kê tình hình nông dân bỏ ruộng, trả ruộng tại địa phương. Văn bản cũng yêu cầu các địa phương đề xuất các kiến nghị, chính sách, giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Tạm gác lại câu chuyện nông dân “chê” nghề nông. Dự án của NSC giới thiệu hôm nay khẳng định: Người dân tham gia vào dự án sẽ được tham gia từ khâu nhân giống đến sản xuất và tổ chức thu mua lúa gạo hàng hoá, qua đó tăng thu nhập từ 30-60%.
Dự án, theo giới thiệu của NSC, sẽ tạo nên chuỗi giá trị bền vững, khép kín từ sản xuất giống đến kinh doanh lúa gạo thương phẩm trên quy mô lớn, hoàn toàn kiểm soát được chất lượng sản phẩm và nguồn cung hàng ổn định phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Với mô hình hợp tác liên kết giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, giữa nghiên cứu và thị trường. hình thành nên một mối liên kết thông suốt trong quá trình sản xuất, xây dựng nên vùng sản xuất lúa gạo quy mô lớn theo hướng chuyên môn hoá.
Dự án thành công sẽ phát triển được ngành hàng kinh doanh lúa gạo Japonica theo chuỗi giá trị doanh nghiệp. Tạo nên thu nhập cao, ổn định cho nông dân, nâng cao vị thế và thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
Quang cảnh lễ ký kết
Quỹ VBCF vào cuộc
Dự án của NSC lần này được Quỹ thách thức Doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) vào cuộc. Dự án có vốn đầu tư 35 tỷ đồng trong đó VBCF hỗ trợ gần 12 tỷ đồng tương đương 34%.
Phương pháp tiếp cận người có thu nhập thấp trong mô hình của quỹ là: Người có thu nhập thấp được tham gia vào chuỗi kinh doanh của công ty với vai trò nhà cung cấp, người làm công, người tiêu dùng, nhà phân phối trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Trong đoạn trao đổi ngắn với chúng tôi sau buổi hội nghị, đại diện quỹ VCBF cho biết quỹ tiếp tục lựa chọn những doanh nghiệp để tài trợ với quy mô 100.000-800.000 USD cho mỗi dự án được chọn. Việc hỗ trợ có thể lên tới 49% tổng mức đầu tư của dự án. Tại Việt Nam, quỹ đã giải ngân được khoảng 2,3 triệu USD và vẫn còn cơ hội cho các doanh nghiệp khác.
Theo Trí Thức Trẻ