Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm chuyển biến tích cực

01/07/2016

Chuyên mục:

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016, Chính phủ cho rằng mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, đặc biệt trong nước kinh tế gặp nhiều khó khăn, thiên tai liên tiếp xảy ra đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta nhưng các chỉ số của 6 tháng đã cho thấy hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực.

Trong 2 ngày 30-6 và 1-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2016 công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016, Chính phủ cho rằng mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, đặc biệt trong nước kinh tế gặp nhiều khó khăn, thiên tai liên tiếp xảy ra đã tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta nhưng dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. 

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,35% so với tháng 12-2015. Bình quân 6 tháng tăng 1,72%. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Về tiền tệ, tín dụng: Tính đến ngày 20-6-2016, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 8,07% so với tháng 12-2015; tổng số dư tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 8,23%; tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 6,2% tương đương với cùng kỳ năm trước.

Tỷ giá ngoại tệ dao động trong biên độ cho phép. Tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại tăng nhẹ trong mấy ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý từ việc người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu, nhưng vẫn trong biên độ cho phép. Lãi suất huy động và cho vay bằng VND và bằng USD tương đối ổn định. Trong thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam.

Về thu- chi ngân sách Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 476,8 nghìn tỷ đồng; bằng 47% dự toán. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 562,5 nghìn tỷ đồng; bằng 44,2% dự toán năm.

Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đầu năm đạt khoảng 618,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó: vốn khu vực nhà nước đạt 229,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 37,1% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước); vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 7,25 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 11,28 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài giải ngân trong 6 tháng đầu năm đạt 1.850 triệu USD.

Báo cáo cũng cho biết, tốc độ tăng GDP quý 2 ước đạt 5,55% (cao hơn mức tăng 5,48% của quý 1). Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,52%. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước giảm 0,18%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ước tăng 6,35%.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 82,24 tỷ USD (tăng 5,9 % so với cùng kỳ năm trước). Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 80,7 tỷ USD (giảm 0,5%), xuất siêu gần 1,54 tỷ USD (bằng 1,9% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Trong 6 tháng đầu năm, có 54.501 doanh nghiệp thành lập với số vốn đăn ký 427.762 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng (tăng 26,2% so với cùng kỳ). Ngoài ra, có 14.902 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động nay đã trở lại hoạt động (tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước).

Theo đánh giá của Chính phủ, trong 6 tháng qua, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Lãi suất tương đối ổn định lãi suất cho vay có xu hướng giảm; tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định. Thu hút vốn FDI tăng cao hơn nhiều so với năm trước; phát triển doanh nghiệp có bước chuyển biến mạnh mẽ nhờ sự tác động của việc thực thi  Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư (sửa đổi) và các Nghi quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong 6 tháng đầu năm, phát triển của khu vực dịch vụ, tăng trưởng ngành xây dựng (đạt tốc độ tăng trưởng 8,8%, mức cao nhất trong 6 năm qua), công nghiệp chế biến, chế tạo quý 2 đã có cải thiện so với quý 1, tính chung 6 tháng đầu năm đạt 10,1% (cao hơn cùng kỳ năm trước, tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội và khu vực FDI là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.



Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt những kết quả nhất định. An ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm vảo. Công tác đối ngoại đạt được nhiều tích cực.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế phục hồi chậm; tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng trưởng âm và để lạ hậu quả nặng nề cho mùa vụ sau. Công nghiệp khai khoáng cũng tăng trưởng âm do giá dầu giảm xuống ở mức thấp. 

Đáng chú ý, lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp hơn mực tiêu đề ra và thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ với năm trước.

Đặc biệt, tình trạng xả thải tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Nhiều vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt xảy ra khá phổ biến trong thời gian qua. Đời sống của nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Thùy Linh

Theo Hải Quan Online

Vietnam Report