Năm 2020, Chính phủ dự kiến mục tiêu GDP tăng khoảng 6,8%, lạm phát dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP... Những mục tiêu này được đánh giá là có thể đạt được khi đã có một năm “tạo đà” 2019 rất thành công.
Đà tăng trưởng mạnh mẽ
Không khó để nhìn thấy trước rằng, năm 2019, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội hoàn toàn có thể hoàn thành, thậm chí là hoàn thành vượt 12 chỉ tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Hơn thế, Việt Nam còn đạt được nhiều kết quả khá bất ngờ như năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá cải thiện vượt bậc trên cả 3 trụ cột thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.
Báo cáo về tính hình kinh tế - xã hội năm 2019 trước Quốc hội vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, kinh tế tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được củng cố, mở rộng.
Đánh giá về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước đều ghi nhận nỗ lực vượt bậc của Việt Nam. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, Việt Nam cùng 4 nền kinh tế khác trong khu vực Đông Nam Á nằm trong top 20 nền kinh tế đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP toàn cầu năm nay. Ngoài ra, Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu vĩ mô của hãng dịch vụ tài chính Fitch Group - cho hay tín hiệu tăng trưởng tốt trong quý III/2019 là cơ sở quan trọng để Fitch Solutions nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 lên 6,9%, năm 2020 tăng 6,8%. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 đạt 6,8%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng 6,9% năm 2019 và duy trì đến năm 2021.
Đặc biệt, nếu nhìn vào từng chỉ tiêu thành phần của nền kinh tế, ta sẽ thấy được sự cải thiện rất rõ rệt. Tiêu biểu như tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%), giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%/năm). Việc tăng trưởng đã giảm dần phụ thuộc vào các ngành khai thác khoảng sản, tín dụng, từng bước dựa vào chế biến chế tạo, công nghệ, đổi mới sáng tạo… Không những vậy, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) luôn duy trì ở mức thấp 2,7-3%). Quy mô kinh tế mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD).
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), dù các nền kinh tế thế giới suy giảm, nhưng Việt Nam lại có nhiều kết quả lạc quan do liên tục nhận được lợi thế từ quá trình dịch chuyển nguồn vốn và đầu tư cùng những cải cách mạnh mẽ của Chính phủ. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mức cao vì kế thừa nhịp tăng trưởng của những năm trước cùng nhiều động lực mới, nhất là có sự dịch chuyển trong lĩnh vực khai khoáng, tạo thành đóng góp đáng kể vào nền kinh tế. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, đã giúp Việt Nam được hưởng lợi, tạo thành những bước nhảy cao cho sự phát triển từ cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực…
“Xé rào” vượt khó
Dù đạt được những thành quả cao, song lãnh đạo Chính phủ vẫn nhìn nhận đất nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những yếu tố ngắn hạn và cũng có những vấn đề trung và dài hạn cần tập trung xử lý hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm, khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm, xử lý nợ xấu ngân hàng còn khó khăn…
Nói về vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, Việt Nam không thể chủ quan với tăng trưởng, bởi những ngành sản xuất chủ lực như công nghiệp, chế biến chế tạo có mức tăng trưởng giảm hơn so với năm trước, nên có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng của năm sau. Vì thế, các cơ quan quản lý phải theo dõi sát sao về tình hình thị trường, nguồn lực, động lực cùng sự tăng trưởng của các ngành khác để có quyết sách đúng đắn cho kinh tế phát triển.
Ngoài ra, nếu xét theo giai đoạn phát triển, thì kinh tế Việt Nam cũng còn nhiều điểm đáng để bàn. Theo GS.TS. Ngô Thắng Lợi, Đại học Kinh tế Quốc dân, biên độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm. Ngoài ra, kết quả tăng trưởng của Việt Nam đạt được thấp, thấp hơn nhiều so với các nước trong giai đoạn tăng trưởng nhanh như Việt Nam đã đạt được. Nếu xét trong 30 năm (từ 1991 đến 2020), tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 7,14%, thì Hàn Quốc, trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, xấp xỉ 4 thập niên từ 1961-2000, tăng trưởng trung bình năm đạt khoảng 8%, và ở Nhật Bản, giai đoạn từ 1955-1973 con số này là 9,4%/năm.
Vì thế, để phát triển đột phá vào năm 2020, kinh tế Việt Nam phải giải quyết được những “điểm nghẽn” như giải ngân vốn đầu tư công, năng suất, chất lượng cũng như phải "xé" những rào cản trong môi trường kinh doanh để tiếp tục tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế… Theo ý kiến của các chuyên gia, Chính phủ trước hết cần quan tâm tiếp tục thực hiện các giải pháp để thực hiện tốt kế hoạch năm 2019, từ đó tạo thành “bệ phóng” vững chắc cho kinh tế 2020, phải xác định rõ những mục tiêu cụ thể, từ đó nêu lên quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt những mục tiêu này. Sau đó, Việt Nam cần xác định những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế là: Khu vực tư nhân, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và thiết lập được vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Hương Dịu
Tổng hợp
Vietnam Report