Kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng khích lệ

16/08/2021

Chuyên mục:

Nhiều doanh nghiệp vẫn trụ vững và có tăng trưởng trong dịch Covid 19. Cái khó hiện nay chính là những chính sách, biện pháp chống dịch còn nhiều nơi, nhiều lúc bất cập gây khó khăn, vướng mắc cho khâu sản xuất, lưu thông.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước và nhiều tỉnh thành khác tại khu vực phía Nam, hoạt động kinh tế, thương mại, xuất nhập khẩu trong tháng 7 và 8 đang có phần chững lại.

Chúng ta cũng thừa nhận thực tế, kinh tế đất nước đang rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) không thể trụ vững phải giải thể, phá sản; số lượng người thất nghiệp, mất việc tăng cao... Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, một tinh thần Việt Nam được khơi dậy trên tất cả các mặt trận từ tuyến đầu chống dịch đến hậu phương sản xuất và trong cuộc sống thường ngày. 

Về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, mặc dù nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong tháng 7 do tác động của dịch bệnh với diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ kéo dài, nhưng nhờ sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống chính trị và xã hội, nhìn chung tình hình 7 tháng vẫn duy trì được một số mặt tích cực. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã huy động được khoảng 18 triệu liều vaccine để tiêm phòng miễn phí cho toàn dân. Đến nay, đã thực hiện hỗ trợ 12,1 triệu lao động và gần 376 nghìn người sử dụng lao động với tổng kinh phí hơn 5,7 nghìn tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ người dân thông qua chính sách giảm giá điện, giá nước, dịch vụ viễn thông cho người dân, doanh nghiệp với quy mô khoảng hơn 10 nghìn tỷ đồng...

Tính chung 7 tháng năm 2021, xuất nhập khẩu vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 55,7 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%. 

Đặc biệt, trong các đợt giãn cách thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng, chống dịch, các địa phương trong cả nước không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Sở dĩ có được sự ổn định này là do có sự đồng lòng, chia sẻ của các lực lượng kinh tế, doanh nghiệp.

Mới đây, Anh hùng lao động Ba Huân (Giám đốc Công ty Ba Huân) chia sẻ, trong đợt 1 TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, trứng gia cầm khan hiếm tăng tới 6.000 đồng/quả mà nhiều nơi vẫn không có hàng bán. Lãnh đạo TP.HCM đồng ý việc DN Ba Huân có thể tăng thêm 2.000 đồng/chục trứng để đảm bảo có lãi, nhưng DN này đã từ chối và muốn giữ nguyên giá để chung tay với thành phố, ủng hộ người nghèo. Đến nay, nhiều DN kêu khó khăn vì thực hiện “3 tại chỗ” nhưng bà Ba Huân cho biết, DN của bà không có khó khăn gì vì đã thực hiện một qui trình sản xuất khép kín từ lâu. Hiện tại, DN này đã đưa giá trứng về mức bình thường và hàng luôn có trên kệ các siêu thị, các điểm bán hàng bình ổn giá của TP.HCM.

Thực tế, có nhiều DN vẫn trụ vững và có tăng trưởng trong dịch Covid 19. Cái khó hiện nay ở nhiều DN chính là những chính sách, biện pháp chống dịch còn nhiều nơi, nhiều lúc bất cập, dập khuôn, máy móc, cứng nhắc gây khó khăn, vướng mắc cho khâu sản xuất, lưu thông. Nghị quyết 86 của Chính phủ đặt ra các mục tiêu rất cụ thể, phải phấn đấu quyết liệt mới có thể đạt được. Cụ thể, TP HCM phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9/2021; các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 1/9/2021. Các tỉnh, thành phố còn lại phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 25/8/2021…. Chỉ khi dịch bệnh được kiểm soát thì mới mong kinh tế phát triển, xã hội vận hành trở lại nhịp sống mới.

Các tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ và DN xác định khó khăn sẽ còn lớn hơn trước. Bởi, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, dễ dẫn đến một cuộc khủng hoảng thiếu về thực phẩm, hàng tiêu dùng; giá cả nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao…. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, dù xuất hiện nhiều khó khăn nhưng các bộ, ngành, địa phương đều tìm giải pháp phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá, vật tư phục vụ sản xuất kinh doanh. Người dân thấy được quyết tâm trong những hành động của Thủ tướng Chính phủ, của từng thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương, những người luôn có mặt ở những điểm nóng dịch bệnh để kịp thời chỉ đạo, động viên tinh thần các lực lượng chống dịch, người dân, doanh nghiệp.

Hoạt động kinh tế thế giới không “đóng băng” mà vẫn diễn ra dù không thể sôi động như trước dịch nhưng thể hiện một sự quyết tâm rất lớn của các DN, của Chính phủ các quốc gia. Nhu cầu lương thực, thực phẩm và sản xuất kinh doanh là có thực và đang bị dồn nén bởi dịch Covid 19. Các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều chứa đựng nhiều tiềm năng mà các DN mong muốn khai thác, đầu tư.  Các nước phát triển cũng đều đã tính đến phương án “sống chung với dịch”, bởi không thể để cỗ máy kinh tế ngủ sâu hơn nữa, sức chịu đựng của tài chính quốc gia có hạn. Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng đó, cũng sẽ dần phải thích ứng để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội./.