Kinh tế toàn cầu đang ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ. Tại nhóm các nền kinh tế phát triển, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản vẫn là động lực dẫn dắt tăng trưởng của cả khối. Khu vực EU phục hồi vững chắc nhờ cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục mở rộng, trong khi các hoạt động sản xuất, thương mại đều giữ đà tăng trưởng ổn định.
Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản đang ghi nhận giai đoạn tăng trưởng tốt nhất trong vòng một thập kỷ qua với diễn biến tích cực được ghi nhận trên mọi mặt sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu của nền kinh tế. Điểm đáng chú ý là lạm phát của Nhật Bản trong quý III vẫn tiếp tục nối dài chuỗi tăng kể từ tháng 10 năm ngoái, đẩy lùi những quan ngại về căn bệnh giảm phát kinh niên tại quốc gia này.
Kinh tế Mỹ cũng ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng tốt hơn sau nửa đầu năm có phần chững lại. Khu vực sản xuất tiếp tục duy trì đà mở rộng với tháng 8 vừa qua chỉ số PMI đã đạt mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, hoạt động tiêu dùng cũng có nhiều cải thiện; doanh số bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng trưởng 3,3% so với quý trước, mức tăng cao nhất trong vòng 1 năm qua.
Tuy nhiên, sự phục hồi này diễn ra không đồng đều trong nhóm các nền kinh tế phát triển. Nhiều quốc gia đang nằm trong chu kỳ thoái trào với tăng trưởng kinh tế có chiều hướng đi xuống trong thời gian gần đây như Canada, Australia…
Nền kinh tế Anh tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ Brexit khiến hoạt động sản xuất và thương mại giảm sút, trong khi lạm phát có chiều hướng tăng cao cũng gây trở ngại đến chi tiêu dùng nội địa tại quốc gia này. Lạm phát qua các tháng trong quý III tại Anh dao động ở mức 2,6-2,9%, cao hơn nhiều mục tiêu lạm phát 2%; chỉ số PMI trong 3 tháng qua chỉ ở ngưỡng 54 điểm, thấp hơn mức trung bình 55 điểm của 2 quý trước; chi tiêu dùng tại Anh tính cho đến thời điểm hiện tại chỉ đạt tăng trưởng bình quân 0,2%/tháng, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Tương tự như nhóm các nền kinh tế phát triển, các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng khác nhau giữa các nhóm nước. Kinh tế Trung Quốc tiến bước vững chắc nhờ đà tăng trưởng của hoạt động tiêu dùng, sự khởi sắc của xuất khẩu và hoạt động sản xuất vẫn tiếp tục mở rộng.
Một loạt các nền kinh tế có sự phụ thuộc mạnh mẽ vào xuất khẩu dầu như Brazil, Nga cũng đang cho thấy những tín hiệu tăng trưởng tốt trước xu hướng đi lên của giá dầu trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Hàn Quốc lại đang gặp khó khăn, xuất phát từ những vấn đề bất ổn chính trị trong nước.
Sự phục hồi của tăng trưởng kinh tế toàn cầu được thể hiện rõ nhất qua hoạt động thương mại vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt từ đầu năm đến nay. Diễn biến tốt của hoạt động thương mại vừa thể hiện ở sự gia tăng giá trị thương mại giao dịch trên toàn cầu, vừa thể hiện ở sự gia tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tại các quốc gia.
Cụ thể, theo thống kê của Markit, hiện có gần 90% các quốc gia tham gia khảo sát báo cáo về sự gia tăng lượng đơn hàng xuất khẩu mới trong quý vừa qua. Còn theo thống kê của WTO, giá trị giao dịch thương mại toàn cầu hiện đang tăng trưởng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ nửa cuối năm 2011 đến nay.
Với diễn biến như vậy, các tổ chức quốc tế cùng chung nhận định cho rằng, những yếu tố tích cực về mặt thương mại sẽ tiếp tục diễn ra, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới trong ngắn hạn. Theo nhận định của MarketIntello, điểm sáng lớn nhất cho thương mại toàn cầu đến từ hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi.
Bên cạnh đó, những rủi ro về chủ nghĩa bảo hộ dần lắng xuống khi các ứng viên chính trị cực hữu ở EU đã đón nhận thất bại trong các cuộc bầu cử Tổng thống cũng sẽ là triển vọng tích cực cho thương mại quốc tế những tháng cuối năm 2017.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn đe dọa tăng trưởng kinh tế thế giới như chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch có chiều hướng gia tăng; bất ổn chính trị vẫn tiếp tục xảy ra đe dọa sự hồi phục của các nền kinh tế chủ chốt.
Theo Thời báo Ngân hàng
Vietnam Report