VN-Index đã để lại phía sau năm 2017 với mức tăng trưởng 48%, cao nhất trong vòng thập kỷ qua, là năm tăng trưởng cao thứ hai kể từ khi sàn Hose đi vào hoạt động. Thị giá của tất cả các cổ phiếu chủ chốt có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường đều tăng trưởng cao hơn chỉ số chung.
Căn cứ vào tình hình kinh tế vĩ mô và vi mô của doanh nghiệp niêm yết trên cả ba sàn, năm 2018 chứng khoán chờ đợi một sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Nên nhớ năm 2006, VN-Index đã từng tăng trưởng 146%, thuộc hàng cao nhất thế giới lúc bấy giờ.
Quí 1 hàng năm, theo chu kỳ, thường là mùa tăng trưởng tốt nhất của chứng khoán. Thị trường phỏng đoán kết quả kinh doanh quí 4 và cả năm của các công ty. Các công ty niêm yết, theo quy định, phải công bố báo cáo tài chính năm chậm nhất là 100 ngày sau khi năm tài chính kết thúc. Tuy nhiên, thông tin về doanh thu, lợi nhuận thường rò rỉ sớm hơn ngay trong tháng 1-2 của năm. Những công ty dự kiến có kết quả kinh doanh thuận lợi sẽ công bố báo cáo tài chính năm sớm.
Các doanh nghiệp vốn hóa lớn như VNM, SAB, VCB, MWG, FPT, DHG, PLX... sẽ có tăng trưởng lợi nhuận dựa vào kết quả của ba quí đầu năm và thông tin cập nhật từ chính họ gần đây. Vấn đề là ở chỗ liệu họ có tăng trưởng cao hơn kỳ vọng của thị trường. Nếu không, diễn biến giá của các blue-chips thượng hạng rất có thể sẽ tuần tự mà tiến, tức không có đột biến. Để tăng trưởng và tạo đà hưng phấn cho các đợt IPO quan trọng sắp tới của doanh nghiệp cổ phần hóa, VN-Index vẫn phải dựa vào sự biến động của nhóm này. Do đó, nhiều khả năng dòng tiền sẽ vẫn tập trung vào đây, đặc biệt với khối ngoại khi mà danh mục đầu tư của họ chủ yếu là blue-chips.
Năm 2017 ghi nhận sự lên sàn của những ngân hàng cổ phần như VIB, LPB, VPB, KLB và vài ngày nữa là HDB, nâng tổng số cổ phiếu ngân hàng niêm yết lên con số 12. Một số ngân hàng sẽ tiếp tục đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trong năm nay và như vậy khối ngân hàng sẽ là nhóm cổ phiếu đông đảo nhất, giá trị vốn hóa lớn và có sự chi phối không nhỏ đến chỉ số. Thanh khoản của cổ phiếu ngân hàng hiện rất tốt. Các ngân hàng cũng trả cổ tức hoặc bằng cổ phiếu hoặc bằng tiền (trừ NVB). Sự bất lợi, nếu có, là khối lượng cổ phiếu lưu hành của ngân hàng quá lớn và nhiều cổ đông lớn đang ở trong tình trạng bắt buộc phải thoái vốn để giải quyết dứt điểm sở hữu chéo. Nhu cầu “thoát ra” của các ông chủ ngân hàng, nhìn chung, vẫn cao hơn nhu cầu mua vào. Một số ngân hàng có chiến lược phát hành cổ phiếu cho nước ngoài, coi nước ngoài như một “cái kho” nắm giữ cổ phiếu trong một thời gian nhất định, theo đó có thể hạn chế bớt lượng cổ phiếu có thể giao dịch và chốt giữ giá cổ phiếu ở vùng “an toàn” cần thiết. Cổ phiếu sẽ được phân phối dần dần ở vùng giá “ấn định” cho nhà đầu tư trong nước thông qua giao dịch hàng ngày.
Thực ra phương thức giao dịch này còn tránh được tiếng vay vốn nước ngoài, vốn là điểm đang được Nhà nước không khuyến khích nhằm kiểm soát nợ công và vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Năm ngoái cổ phiếu ngân hàng tăng trưởng không tồi. ACB và SHB trên sàn Hà Nội tăng trưởng trên dưới 100%; tại Hose cổ phiếu CTG tăng 74%, BID 83%, MBB 98%, VCB 57%. Riêng hai cổ phiếu EIB và STB tăng trưởng thấp. EIB đã tụt hậu xa về chất lượng hoạt động so với các tổ chức tín dụng cổ phần. STB tiếp tục tái cơ cấu. VCB là cổ phiếu ngân hàng có thị giá cao nhất trong nhóm, nhưng chỉ tăng trưởng vừa phải. Đây có thể là lý do hỗ trợ để VCB tăng trưởng bằng vai phải lứa với các đồng nghiệp trong năm nay.
Nhóm cổ phiếu bất động sản đã lên giá mạnh so với thị trường chung. Tương tự là nhóm hàng hóa, nguyên vật liệu, xây dựng. Dầu thế, so với mặt bằng giá nói chung, các cổ phiếu sắt thép, vật liệu xây dựng vẫn tương đối “rẻ” so với các blue-chips.
Dấu hỏi biến động giá đang thuộc về nhóm hàng tiêu dùng và bảo hiểm. Nhóm cổ phiếu bảo hiểm chưa “chạy” được bao nhiêu, vai trò dẫn dắt của chúng đối với thị trường đang yếu và kết quả kinh doanh cũng không có gì nổi trội. Cổ phiếu hàng tiêu dùng đã tăng khỏe như VNM và SAB. VN-Index tăng trưởng được bao nhiêu và tăng trưởng thế nào năm nay phụ thuộc một phần không nhỏ vào hai mã này. Đây là hai thương hiệu hàng đầu và được nhận diện nhiều nhất của Việt Nam. Xét về mọi phương diện, khách quan và chủ quan, cả hai cổ phiếu có nền tảng để chinh phục vùng giá cao hơn. Có thế mới thúc đẩy việc thoái vốn còn lại của Nhà nước tại VNM và SAB và tại nhiều tổng công ty, tập đoàn khác.
Tất nhiên VN-Index sẽ không thẳng tiến một lèo, sẽ có những đợt điều chỉnh phụ thuộc vào dòng chảy tin tức, kể cả việc xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm của năm. Sự nông sâu của các đợt điều chỉnh là điều nhà đầu tư cần phải tính đến thận trọng và kỹ càng.
Thành Nam
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Vietnam Report