Lãi - lỗ bảo hiểm: Nhìn sâu vào cách tính phí

22/05/2019

Chuyên mục:

Thống kê sơ bộ từ 18 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ đang hoạt động cho thấy, có 10 DNBH ghi nhận lỗ năm 2018. Lãi (lỗ) của hoạt động bảo hiểm nhân thọ (BHNT) phát sinh từ sự khác biệt giữa việc hoạt động kinh doanh thực tế so với các giả định tính phí khi thiết kế sản phẩm. Vậy các công ty BHNT đang dựa vào yếu tố nào để tính phí?

Các công ty BHNT chủ yếu dựa vào 3 yếu tố để tính phí bảo hiểm khi thiết kế sản phẩm. Thứ nhất, dựa vào Bảng tỷ lệ tử vong 1980 theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm làm cơ sở để ước tính thời gian và số lượng các quyền lợi về tử vong hay thương tật sẽ cần chi trả trong tương lai. Đây là yếu tố chính xác định mức phí BHNT.

Thứ hai, tỷ lệ chi phí bình quân trên một hợp đồng. Để hoạt động kinh doanh, công ty BHNT có nhiều khoản chi khác nhau (đầu tư cơ sở vật chất, duy trì bộ máy, quản lý các hợp đồng…), do đó, DNBH sẽ ước tính thời gian phục vụ bình quân của sản phẩm và tính tỷ lệ chi phí. Để sản phẩm có mức phí cạnh tranh, tất cả các công ty đều ước tính tỷ lệ chi phí bình quân trên một hợp đồng tại mức thấp hợp lý. Tuy nhiên, trong thực tế, việc có đạt được mức này hay không còn phụ thuộc vào bài toán quản lý hoạt động.

Thứ ba là lãi suất đầu tư kỹ thuật. Để có thể đưa ra các quyền lợi hấp dẫn trong tương lai cho khách hàng vượt quá số phí bảo hiểm đã đóng, các công ty BHNT cần phải đầu tư số tiền phí bảo hiểm khách hàng đóng để phát sinh lãi. Tương tự tỷ lệ chi phí bình quân, công ty BHNT sẽ ước tính lãi suất đầu tư bình quân trong dài hạn để đưa vào tính phí bảo hiểm, hay còn gọi là lãi suất đầu tư kỹ thuật.

Mục tiêu của việc đầu tư là sinh lời, tuy nhiên, công ty BHNT vẫn ưu tiên yếu tố an toàn của khoản đầu tư nhằm đảm bảo có thể chi trả quyền lợi cho khách hàng trong tương lai. Do đó, DNBH thường đầu tư vào các tài sản có lãi suất ổn định và an toàn như trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và chỉ đầu tư rất ít hoặc không đầu tư vào cổ phiếu. Với tính chất đầu tư an toàn và hoạt động đầu tư trong cùng một quốc gia nên mức lãi suất đầu tư kỹ thuật sẽ không có sự chênh lệch lớn giữa các công ty.

Theo một chuyên gia trong ngành, lãi suất kỹ thuật là một trong những yếu tố cơ sở hình thành nên mức phí bảo hiểm chuẩn của sản phẩm bảo hiểm. Đây là mức lãi suất ước tính đạt được bình quân trong dài hạn phù hợp với thời hạn bình quân của sản phẩm bảo hiểm tương ứng. Nếu vì để đưa ra mức phí bảo hiểm cạnh tranh hơn đối thủ và nhằm thu hút khách hàng mà công ty BHNT ước tính mức lãi suất kỹ thuật quá cao, chủ yếu dựa vào ngắn hạn, thì sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn đối với công ty BHNT.

Cụ thể, sau khi phát hành hợp đồng bảo hiểm, những năm tiếp theo, lãi suất thị trường xuống quá nhanh và thấp hơn mức lãi suất kỹ thuật trong khi DNBH đã đưa ra các chính sách chi tiêu dựa trên mức lãi suất cao hơn thì công ty buộc phải thắt chặt chi phí, đồng thời bổ sung thêm vốn để trích lập dự phòng bồi thường bổ sung cho khách hàng. Đây chính là lý do các công ty BHNT sẽ phát sinh lỗ hoạt động kinh doanh cho dù những năm trước có lãi. Trong 2 năm vừa qua, nhiều công ty BHNT tại Việt Nam rơi vào trường hợp này.

Ngoài ra, theo một chuyên gia trong ngành, một số DNBH đầu tư ngắn hạn để có lãi suất cao nhằm hấp dẫn khách hàng. Khi các khoản đầu tư này đáo hạn đúng thời điểm lãi suất thị trường xuống quá thấp, các công ty sẽ phải tái đầu tư với mức lãi suất thấp, từ đó dẫn tới phải bổ sung vốn để tăng dự phòng. Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong năm 2018, nhằm tăng cường năng lực tài chính cũng như đáp ứng yêu cầu mở rộng kinh doanh, đã có 13 doanh nghiệp BHNT thực hiện tăng vốn điều lệ với số tiền hơn 19.700 tỷ đồng.   

Ngọc Lan

Tổng hợp

Vietnam Report