Làm ăn với châu Phi: cơ hội và thách thức
Ngọc Hùng
Vận chuyển gạo lên tàu ở cảng TPHCM. Ảnh: HỒNG CƯỜNG |
(TBKTSG) – Châu Phi là một thị trường hấp dẫn với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro…
Ông Hùng Lâm, Giám đốc Công ty cổ phần Hưng Lâm ở An Giang, đang phải đi lại như con thoi giữa An Giang và TPHCM vì Hưng Lâm vừa đâm đơn kiện hãng vận tải Hanjin Shipping Co., Ltd do bị thiệt hại nặng từ một thương vụ xuất khẩu gạo sang Ghana. Tòa án kinh tế TPHCM vừa nhận hồ sơ.
Chuyện là vào cuối tháng 2-2013, một nhân viên của Hanjin cùng với bên mua là Công ty Yuletech (Ghana) đã làm giấy tờ giả, chiếm đoạt 80 container gạo của Hưng Lâm, tương đương 2.000 tấn. Tuy nhiên, khi họ mới vận chuyển được 11 container thì bị hải quan Ghana bắt giữ.
Cảnh sát Ghana cho rằng cả bên mua lẫn bên bán đều có dấu hiệu phạm tội hình sự, buộc ông Lâm phải bay sang Ghana để giải quyết vấn đề. Ban đầu ông nghĩ chỉ cần đưa ra những giấy tờ liên quan là có thể lấy lại 69 container gạo, tương đương 1 triệu đô la Mỹ, còn nằm ở cảng Tema của Ghana. Nhưng thực tế là ông đã phải ở lại đất nước này ròng rã sáu tháng, cầu cứu cả Bộ Công Thương thì số gạo nói trên mới không bị Ghana tịch thu.
Cuối cùng, gạo thì lấy lại được nhưng Hưng Lâm phải bỏ ra gần 700.000 đô la Mỹ trả phí lưu cảng, thuế quan… mà theo hợp đồng, khoản này bên mua phải chịu. Thấy mình bị “chơi xấu”, ông Lâm đã quyết định kiện hãng tàu Hanjin đòi bồi thường 1,3 triệu đô la Mỹ và chưa biết quá trình kiện tụng sẽ kéo dài bao lâu.
Không riêng trường hợp của Công ty Hưng Lâm, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu điều thô của Việt Nam cũng ở trong tình huống khó xử khi bị các đối tác ở châu Phi “xù” hàng.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nguyên nhân xù hàng thường là do giá cả thị trường tháng sau cao hơn tháng trước, tức là khi hợp đồng chốt giá xong, giá điều thô tăng lên, bên bán rơi vào tình huống mua cao bán thấp, và “lựa chọn tối ưu” của họ là không giao hàng hoặc giao hàng chất lượng kém. Cách này có lợi cho bên bán nhưng bên mua bị thua thiệt.
Ông K.T, chủ một doanh nghiệp từng bị đối tác ở Bờ Biển Ngà “xù hàng”, cho biết sau khi ký hợp đồng, chốt giá mua 10.000 tấn điều thô thì giá điều thô ở Bờ Biển Ngà tăng lên. Vì không chấp nhận lỗ nên cuối cùng bên bán thà mất uy tín, đã chọn cách phá vỡ hợp đồng, không giao hàng.
Trên thực tế, trong những năm qua, quan hệ làm ăn với thị trường châu Phi luôn có những vụ việc tương tự. Bộ Công Thương đã hơn một lần cảnh báo với doanh nghiệp trong nước về sự mập mờ của các doanh nghiệp châu Phi.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào những điểm thuận lợi, châu Phi là một thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam vì không đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa và có nhu cầu lớn. Theo số liệu của Bộ Công Thương, những mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu nhiều sang các nước châu Phi là các loại nông sản như gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản; hàng may mặc; phân bón… Còn hàng nhập về thì chủ yếu là các sản phẩm ở dạng thô như điều thô và bông.
Do đó, không vì vụ kiện với hãng tàu Hanjin mà ông Lâm đoạn tuyệt với thị trường này. Ông cho biết sau khi giải quyết xong những vấn đề liên quan đến kiện tụng, ông sẽ quay lại Ghana và một số nước châu Phi để mở rộng thị trường. “Sáu tháng ở Ghana, trực tiếp bán hàng cho các doanh nghiệp ở đây, tôi nhận thấy Ghana và một số nước châu Phi là những thị trường tiềm năng vì dường như cái gì đem từ Việt Nam sang đây cũng có thể bán được. Nhưng để an toàn thì doanh nghiệp Việt Nam nên bán theo cách thức lấy tiền trước, giao hàng sau”, ông Lâm chia sẻ.
Quay trở lại câu chuyện của ông K.T với doanh nghiệp ở Bờ Biển Ngà, vì thấy hai bên cũng đã từng làm ăn “thuận buồm” với nhau trước đó, ông K.T đã đồng ý tăng giá mua để nhận hết số hàng đã ký trên hợp đồng. “Công ty chúng tôi bị thiệt hại một phần nhưng coi như chia sẻ khó khăn với đối tác. Qua vụ việc đáng tiếc này, hai bên đã thống nhất trong những hợp đồng sắp tới sẽ có một điều khoản mở, theo đó, hai bên sẽ chốt giá mua bán vào thời điểm hai tuần trước khi hàng từ cảng được vận chuyển về Việt Nam”, ông K.T cho biết.
Có một điều không ngờ là sau đó, ông K.T được công ty này giới thiệu ký hợp đồng mới với một doanh nghiệp khác nhưng từ chối nhận hoa hồng môi giới vì xem đó như một cách cảm ơn. “Đôi khi trong cái rủi cũng có cái may. Trong làm ăn, đôi khi phải đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu và chia sẻ khó khăn, biết đâu bạn lại có thêm những đối tác làm ăn mới”, ông K.T chia sẻ.
Nguồn: Saigontime – Kinh Doanh