Làn sóng cải cách lần 2 và món quà của Thủ tướng với Doanh nghiệp

17/05/2017

Chuyên mục:

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc chúc mừng Chính phủ đã khởi động thành công "làn sóng cải cách lần thứ 2", nhắc lại món quà của Thủ tướng với DN ngay trước thềm hội nghị.

Tại hội nghị Thủ tướng với DN năm 2017 chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI trình bày báo cáo kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN.

Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng DN

Ông Vũ Tiến Lộc cho hay, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã rất sát sao, đôn đốc và giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết với tinh thần trong Chính phủ mới "không có chỗ để bàn lùi".

Thủ tướng với các đại biểu trước giờ khai mạc hội nghị. Ảnh: Quang Phúc

“Thủ tướng đã làm được những việc ấm lòng thực sự tiếp sức cho DN", ông nói khi nhắc đến các chuyến đi thị sát tại các địa phương, lắng nghe ý kiến của các địa phương và DN, chỉ đạo trực tiếp cải cách cơ sở của Thủ tướng và những nỗ lực mở thị trường của Thủ tướng và Chính phủ rất dồn dập.

Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu 2017 cho thấy có 75% DN đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết 35 là tích cực.

"Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa thể thỏa mãn với những gì đã đạt được", ông Lộc cho biết.

Cụ thể, VCCI cho biết, các DN vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các DN trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,2% năm 2015.

Trong các tháng đầu năm 2017, số lượng DN thành lập mới tuy có tăng nhưng số lượng DN ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng một nửa số lượng DN thành lập mới.

"Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh vẫn còn vô vàn khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ. Những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu và còn quá nhỏ so với những bất cập đang còn tồn tại, đã tích tụ từ nhiều năm", ông Lộc nói.

Chủ tịch VCCI cho biết, về chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 DN được hỏi xác nhận họ phải trả loại phí này.

"Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN vẫn phổ biến ở nhiều nơi", ông cho biết.

Giảm chi phí cho DN đang là yêu cầu cấp thiết. Nhưng giảm chi phí không phải là tất cả. Theo Chủ tịch VCCI, khi nói đến Chính phủ kiến tạo, chúng ta hay nói nhiều đến hỗ trợ, đến ưu đãi… nhưng cái cần nhất với DN không phải là hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về tài chính, nếu có thì hỗ trợ nên theo hướng giúp DN nâng cao năng lực về quản trị.

Các cuộc khảo sát của VCCI cho thấy, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng yêu cầu thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm như Nghị quyết 35 đề ra.

Việc DN một năm phải tiếp 6-7 đoàn từ thanh tra, rồi tới kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức, trong đó có rất nhiều đoàn thanh tra liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm: thanh tra quản lý thị trường, y tế, đo lường là một thực tế phổ biến.

Trên nóng, dưới lạnh

Nhưng nguyên nhân chính, theo VCCI, là do các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng chưa được thực hiện nghiêm túc.

Với cơ chế phân định quyền hạn và trách nhiệm thiếu rõ ràng, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo, dưới không nghe” vẫn còn phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi.

VCCI đề nghị, sau hội nghị, Thủ tướng sẽ ban hành một chỉ thị thúc đẩy Nghị quyết 35, trong đó làm rõ các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cần đạt được trong năm nay, đồng thời nêu rõ thời hạn chót cần thực hiện, quy định rõ trách nhiệm của các ngành các cấp trong khâu thực hiện và có chế tài để bảo đảm thực thi vì mỗi năm nên có một chỉ thị như vậy.

Món quà của Thủ tướng

Cũng trong bài phát biểu, ông Lộc chúc mừng Chính phủ đã khởi động thành công "làn sóng cải cách lần thứ 2", nhắc lại món quà của Thủ tướng với DN ngay trước thềm hội nghị, đại diện DN Việt Nam cảm ơn Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra để tạo môi trường thuận lợi cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh.

Ông Vũ Tiến Lộc kể lại liên quan trường hợp Thông tư 37, một quy định của Bộ Công thương, bắt buộc việc xét nghiệm và kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm với sản phẩm dệt may nhập khẩu. 

Quy định này khiến một DN cỡ trung bình tốn kém 45.000 USD/ năm cho chi phí xét nghiệm và thủ tục hải quan sẽ chậm trễ từ 3-7 ngày cho mỗi lô hàng. 

Tổng cộng, với khoảng 6.000 công ty dệt may ở Việt Nam, ngành dệt may chi trả khoảng 135 triệu USD/năm cho quy trình kiểm tra chuyên ngành này.

Vấn đề này đã được Chủ tịch Hiệp hội Dệt may nêu ra tại hội nghị Thủ tướng gặp DN  lần thứ nhất.

Từ kiến nghị của cộng đồng DN, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Nghị quyết 35, Bộ Công thương đã chủ động bãi bỏ Thông tư 37, loại bỏ các yêu cầu kiểm tra. Quyết định này được công bố ngày 12/10/2016 nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ thay đổi này. Bà Phạm Kiều Oanh, Phó TGĐ Tổng công ty cổ phần May Nhà Bè (NBC), nói bà “mừng rơi nước mắt” khi nghe tin Thông tư 37 được bãi bỏ. 

Tiếp tục tinh thần này, Bộ Công thương cũng đã lên kế hoạch để bãi bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hoá 108 thủ tục khác.

Thu Hằng- Linh Thư

Theo Vietnamnet

Vietnam Report