"Lặng lẽ trong đám đông" - cơ hội ngành Dược

16/08/2016

Chuyên mục:

Mối quan tâm và câu hỏi chung nhất thời điểm này của các nhà đầu tư là “VNM sẽ lên đến bao nhiêu” khi ETFs mua vào mà không còn mối quan tâm VNM đã quá giá trị định giá chưa?

“ Buy on fear, Sell on greed” – VNM (Bán- Giá mục tiêu 177.000)

Do có nhiều cơ hội làm việc với nhiều thành phần tham gia thị trường, mối quan tâm và câu hỏi chung nhất thời điểm này là “VNM sẽ lên đến bao nhiêu” khi ETFs mua vào mà không còn mối quan tâm VNM đã quá giá trị định giá chưa? Điều này khác hẳn với giai đoạn thị trường đi ngang hay giá xuống người mua thường “cảm thấy” giá cổ phiếu luôn đắt.

VNM hiện đang giao dịch tại P/E 2016 24,5 lần, thấp hơn khoảng 14% so với trung bình các công ty Sữa trong khu vực Châu Á (28,6) và gấp 1,7 lần P/E trung bình cả thị trường Việt Nam. Người mua VNM tại thời điểm này kỳ vọng sự kiện ETF mua tổng cộng khoảng 80 triệu USD (Van Eck mua 30 triệu USD, FTSE DB mua 50 triệu USD) tương đương thanh khoản trung bình 9 phiên giao dịch của VNM sẽ thúc đẩy giá lên nhờ lượng cầu tăng.

Như vậy, nếu là nhà đầu tư ngắn hạn, đây rõ ràng là một cơ hội tốt để kiếm tiền từ sự biến động giá lên của cổ phiếu này nhưng nếu là nhà đầu tư theo giá trị cơ bản, hãy tận dụng thời điểm nhộn nhịp của thị trường khi ETFs hoạt động để chốt lời.

ETFs: sẽ chốt dữ liệu ngày 31/8 nhưng dự báo sớm cho thấy họ sẽ:

Mua: VNM, HSG, DRC

Bán: MSN, VCB, STB, GTN, PGD, DPM, KDC.

Định giá đang tiến đến gần trung bình khu vực

Thị trường Việt Nam đang trong xu hướng tăng giá trở lại vùng 680 điểm với sự tham gia của các quỹ đến từ Hàn Quốc và đặc biệt trong kỳ cơ cấu sôi động lớn nhất từ trước đến nay của ETF khi họ phải mua vào đến gần 1.600 tỷ vào một cổ phiếu VNM. VNIndex đang giao dịch tại P/E 15,1 lần với P/B 1,9 lần cho thấy sự tăng giá rất nhanh của chỉ số trong thời gian qua.

Ngành Dược – Đứng trước cơ hội tăng 100% tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài

Thời điểm DMC được phép tăng tỷ lệ sở hữu 100% cho nhà đầu tư nước ngoài đã gần đến và đây sẽ là “Study case” cho các công ty Dược như DHG (Mua- Giá mục tiêu 121.000) và IMP thực hiện. Trong buổi gặp gỡ giới phân tích cách đây 10 ngày, Ban Lãnh Đạo DHG cho biết họ sẽ quan sát trường hợp thành công của DMC để thực thi việc tăng tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài cho DHG nhưng chưa rõ thời gian thực hiện.

Ngành Dược đang có tốc độ tăng trưởng dự báo hai chữ số đến năm 2025, với giá trị thị trường từ 4,2 tỷ USD năm 2015 lên 7,2 tỷ USD đến 2020, theo báo cáo của BMI. Ngành Dược Việt Nam đang rất rời rạc với tính chất quản trị yếu và đây là cơ hội cho nhà đầu tư chiến lược tham gia vào những công ty dược này để xây dựng lại hệ thống quản trị, mạng lưới bán hàng phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như trường hợp Taisho tham gia vào DHG.

DHG (Mua – Giá mục tiêu 121.000): theo định giá riêng của DHG cho năm tài chính 2016, EPS 2016 đạt 7,419đ/cp, DHGxứng đáng giao dịch tại P/E 13 lần tức là 105.600đ/cp nhưng nếu so sánh với P/E thị trường và vị thế dẫn đầu ngành Dược thì người mua sẵn sàng trả mức giá ít nhất tương đương P/E thị trường hoặc P/E tham chiếu của cổ đông lớn Taisho vừa thực hiện trong tháng 7 tương ứng với giá mục tiêu trong năm nay là 121.000đ/cp tương đương tăng trưởng 27%.

Nguyễn Ngọc Thạch

Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI

Theo Stockbiz 

Vietnam Report