M&A ngân hàng: Có sôi động trở lại?

05/09/2018

Chuyên mục:

Thông điệp “Không cấp phép cho ngân hàng ngoại 100% vốn mới vào Việt Nam” mới đây của Chính phủ, cùng những kết quả kinh doanh khởi sắc của các ngân hàng Việt khiến giới quan sát cho rằng tới đây M&A (mua bán - sáp nhập) ngân hàng sẽ có những chuyển biến sôi động.

Vốn ngoại trực chờ
Thay vì không cấp phép cho ngân hàng ngoại 100% vốn mới, Việt Nam sẽ mở rộng cửa cho các nhà đầu tư (NĐT) qua con đường gián tiếp, tức là mua bán cổ phần của các ngân hàng đang hoạt động. Nửa đầu năm nay thị trường cũng đón nhận khá nhiều thông tin về các đợt mua bán cổ phần lớn từ các ngân hàng với các NĐT ngoại. Chẳng hạn, Techcombank (mã CK: TCB) trước thời điểm chào sàn HOSE đã chào bán cho NĐT nước ngoài 164 triệu cổ phiếu, tương đương 14% vốn điều lệ, thông qua mối lái của 3 tổ chức tài chính gồm: Morgan Stanley, Viet Capital Securities JSC và Deutsche Bank AG. Trước đó hồi tháng 3, Warburg Pincus đã đồng ý đầu tư hơn 370 triệu USD vào TCB. Tuy nhiên, giới tài chính lại bán tín bán nghi và cho rằng những đợt phát hành được bảo mật thông tin này lại là một hình thức huy động vốn có cấu trúc khá phức tạp chứ không phải phát hành mua cổ phần như thông thường.
Thương vụ được đón chờ và mang màu sắc đầu tư chiến lược vào ngành lõi thời gian tới là KEB Hana Bank, đơn vị trực thuộc Tập đoàn Tài chính Hana của Hàn Quốc, có kế hoạch mua 15% cổ phần của BIDV nhằm mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Trước đó, BIDV đã công bố kế hoạch bán 15% cổ phần cho một đối tác chiến lược nước ngoài và 10% cho một NĐT tài chính ở nước ngoài. Nhiều khả năng, đi cùng với KEB Hana Bank sẽ là một tổ chức đầu tư tài chính Hàn Quốc để hai bên có thể phối hợp có tiếng nói trọng lượng tại ngân hàng Việt. Mô hình này đã tương đối phổ biến trong một số thương vụ đầu tư vào DN của các NĐT Hàn Quốc vào Việt Nam thời gian qua, chẳng hạn như tại Traphaco, thông qua tổ chức tài chính trung gian, NĐT Hàn Quốc trong lĩnh vực dược phẩm đã bỏ lượng vốn lớn vào DN này, lên tới xấp xỉ 49%.


Nhà đầu tư ngoại muốn tỷ lệ sở hữu cao hơn 30%
Chuyển động của các ngân hàng trong hiệu quả kinh doanh gần đây đã kích thích các NĐT nước ngoài quan tâm đến việc mua cổ phần. Cụ thể, số liệu 6 tháng đầu năm được nhóm ngân hàng niêm yết và cả chưa niêm yết công bố cho thấy lợi nhuận của ngành này tiếp tục đà tăng trưởng kỷ lục. Trong khi đó, Việt Nam vẫn có nhiều dư địa cho ngân hàng tăng trưởng trong các lĩnh vực dịch vụ như thẻ tín dụng, cho vay tiêu dùng…
Tuy nhiên, liệu các thương vụ M&A có đến hồi kết hay không lại không hề đơn giản. Hiện tỷ lệ sở hữu mà các NĐT nước ngoài được tham gia ở các ngân hàng mới chỉ dừng lại ở mức tối đa 30%, đó là dành cho 2 tổ chức, còn một thì chỉ vỏn vẹn tối đa 20%. Mức sở hữu cổ phần lơ lửng này (chưa đến tỷ lệ có quyền phủ quyết trong công ty đại chúng) không tạo ra tiếng nói quan trọng cho các NĐT ngoại trong các nhà băng, để từ đó có thể tham gia thay đổi quản trị hoạt động ngân hàng.
Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty kiểm toán KPMG Lê Công Ái, mục tiêu lớn nhất của các NĐT nước ngoài khi bỏ vốn lớn vào DN Việt là nắm quyền kiểm soát. Tiếp đến, giá cổ phiếu ngân hàng hiện cũng tăng mạnh so với trước đây 2 - 3 năm, mức trung bình theo tính toán của các công ty chứng khoán là 30 - 50%, có nhiều trường hợp là 100%. Mức giá này đặt trong bối cảnh có sự biến động rất lớn trên thị trường vốn, đặt trong triển vọng kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước có nhiều yếu tố khó nắm bắt và NĐT nước ngoài có nhiều cơ hội hơn trên thị trường thế giới thì sẽ không dễ để các bên đàm phán gặp nhau.
Xu hướng khu vực và thế giới cũng cho thấy các thương vụ mua bán cổ phần đang ngày một khó khăn hơn trong việc chốt lại giao dịch. Số liệu của Viện nghiên cứu M&A châu Á (IMAA) cho thấy, năm 2017 khu vực Đông Nam có ghi nhận 2.488 thương vụ mua bán cổ phần với giá trị 118 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2016. Xu hướng giảm có thể tiếp diễn trong năm nay. IMAA dự báo, năm 2018, khu vực Đông Nam Á có 2.000 thương vụ với giá trị chỉ bằng hơn nửa so với năm 2017.

Thảo Nguyên

Theo Kinh tế Đô thị 

Vietnam Report