Từ năm 2014, giá mủ cao su ở thị trường trong nước bắt đầu giảm mạnh và kéo dài đến nay, khiến các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và người trồng cao su tiểu điền lao đao. Để “vượt khó”, nhiều hộ nông dân tại vùng Đông Nam bộ đốn hạ nhiều diện tích cao su đang thời kỳ khai thác, chuyển sang trồng hồ tiêu, mì…Thời điểm này đang bước vào mùa thu hoạch mới, giá mủ có chiều hướng tăng cao, tạo tia hy vọng mới cho các nông hộ.
Theo dự báo mới nhất của WB, giá cao su RRS3 năm 2015 chạm đáy với mức giá bình quân là 1,5 USD/kg và dần phục hồi vào năm 2016, có mức giá bình quân là 1,54 USD/kg, đến 2025 là 2,09 USD/kg. Theo phân tích của IMF và WB, giá cao su thiên nhiên hồi phục nhờ vào các yếu tố sau:
Thứ nhất, nguồn cung cao su thế giới được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới do các quốc gia sản xuất cao su lớn trên thế giới đã có những chính sách kìm hãm sản lượng.
Trong năm 2015, Thái Lan đã vận động VN tham gia Công ty Cao su Quốc tế (IRCo) nhằm bình ổn giá cao su trên thị trường thế giới. IRCo được thành lập năm 2004 bởi Thái Lan, Indonesia và Malaysia với số vốn 225 triệu USD. Năm 2015, chỉ riêng ba nước này đã sản xuất hơn 8 triệu tấn cao su thiên nhiên, chiếm 66,5% thị phần toàn cầu. Trong khi đó, sản lượng cao su của VN năm 2015 đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn, xếp thứ 3 toàn cầu.
Cuối tháng 5-2016, những trận mưa đầu mùa xuất hiện ở Nam bộ cũng là thời điểm vào mùa thu hoạch mủ cao su. Giá mủ nước nhiều khu vực tại vùng Đông Nam bộ khá ổn định, tăng cao so với cuối năm 2015. Theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, từ giữa tháng 5-2016, tại nhiều huyện trọng điểm cây cao su của tỉnh, giá m ủ cao su dạng nước ở mức khá. Cụ thể, ở huyện Đồng Phú khoảng 8.700 đồng/kg; tại huyện Hớn Quản giá 8.400 đồng/kg. Còn tại tỉnh Bình Dương, ở khu vực huyện Dầu Tiếng giá mủ nước hiện ở mức 8.800 - 8.900 đồng/kg; khu vực huyện Bàu Bàng giá 8.600 - 8.700 đồng/kg. Mức giá này cao hơn giá thời điểm quý 4-2015 khoảng trên 40%.
Trong khi đó, giá cao su thành phẩm sơ chế tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh tăng nhưng không ổn định. Đơn cử, mủ SVR3L từ 32.300 đồng/kg (ngày 11-5) giảm còn 30.400 đồng/kg (ngày 16-5) và tăng lên 33.400 đồng/kg (ngày 18-5); cao su SVR10 từ 30.700 đồng/kg giảm còn 28.800 đồng/kg và tăng trở lại 29.300 đồng/kg.
Theo đánh giá của các hộ trồng cao su tiểu điền ở vùng Đông Nam bộ, mức giá cao su như hiện nay vẫn chưa khiến các chủ vườn yên tâm. Ông Trần Văn Đức, chủ vườn cao su tiểu điền hơn 3ha tại xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) khẳng định, mức giá mủ như vậy chỉ nhỉnh hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo ông Đức, hàng năm vào đầu mùa khai thác, mủ cao su luôn được giá nhưng cứ đến giữa mùa, cuối mùa giá mủ lại xuống thấp. Vì vậy dù thời điểm này giá có cao hơn nhiều so với đầu năm 2016 nhưng không vì thế mà người trồng cao su phấn khởi. Riêng gia đình ông quyết định tự cạo mủ để lấy công làm lãi chứ không dám thuê mướn nhân công. Nếu tốn tiền đầu tư phân bón, tiền thuê người cạo mà giá mủ thấp thì lỗ là cái chắc.
Ở thời điểm hiện tại, giá mủ tăng nhưng các công ty cao su trong vùng không còn mủ để bán và sản lượng năm 2016 đa phần cũng đã bán theo hợp đồng ký với khách hàng. Cũng vào lúc này, khi các công ty đã bắt đầu vào mùa cạo mủ thì phần lớn các vườn cao su tiểu điền, bà con nông dân vẫn chưa rộn ràng khai thác.
Sau 3 năm liên tiếp rớt giá, thông tin giá mủ cao su sẽ hồi phục mạnh mẽ chưa có gì là chắc chắn. Song với diễn biến của giá mủ cao su những ngày gần đây cũng nhen nhúm tia hy vọng về một vụ khai thác khởi sắc. Có như vậy, người trồng cao su sẽ “bớt nhọc”, bởi trót đeo đuổi giấc mộng đổi đời nhờ “vàng trắng” trong suốt những năm qua. Với tương lai khả quan của ngành cao su thế giới, xuất khẩu cao su của VN được kỳ vọng có triển vọng tốt hơn trong năm 2016, sau khi giảm sâu trong 2015. Trong năm 2015, xuất khẩu cao su của VN đạt trên 1,1 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,6 tỉ USD. Lượng xuất khẩu cao su của VN tăng chủ yếu nhờ sự phục hồi của thị trường Trung Quốc.
Hoàng Quyên
Tổng hợp
Vietnam Report