Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang bị đe dọa

29/03/2016

Chuyên mục:

Chính phủ đã đặt ra một mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2016 rất lạc quan cho Việt Nam lên đến 6,7%. Nhưng mức tăng GDP Quý 1 hiện chỉ ở mức 5,46% và đang có dấu hiệu chững lại. mức tăng GDP của quý I/2016 chỉ cao hơn so với mức tăng GDP của các năm 2012 – 2014 – là giai đoạn nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Nông nghiệp tăng trưởng âm

Cuối năm 2015, GDP tăng vọt lên 7,01% khiến không ít người kỳ vọng rằng với tốc độ này, sang năm 2016 nền kinh tế nước nhà sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa. Nhưng niềm vui lại không được bao lâu , quý I/2016  GDP đạt mức 5,46%, nền kinh tế có dấu hiệu chững lại là cảnh báo được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra trong buổi họp báo công bố GDP quý I. Như vậy, so với mức tăng 6,12% của quý I/2015 thì GDP quý I ở trên đà giảm tốc.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2016 như Chính phủ đã đặt ra là khoảng 6,68%, kinh tế nước nhà đòi hỏi sự nỗ lực, dốc sức của tất cả mọi ngành. Mức giảm GDP của quý I năm 2016 xảy ra ở ba lĩnh vực đó là nông nghiệp, khai khoáng và công nghiệp chế biến chế tạo. Đặc biệt là nông nghiệp, lĩnh vực đóng góp gần 20% toàn bộ nền kinh tế, là bệ đỡ cho nền kinh té Việt Nam. Đây là lần đầu tiên mức tăng trưởng của nông nghiệp trong quý I âm 1,23%. Hạn hán, xâm nhập mặn trên toàn bộ Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là lý do làm giảm giá trị sản xuất nông- lâm – thủy sản. Lĩnh vực “ kìm hãm” tăng trưởng đó trồng trọt. Chỉ riêng sản lượng lúa giảm 700.000 tấn, năng suất lúa trên ĐBSCL giảm 4 tạ/ ha. Sự sụt giảm này được dự báo sẽ còn ảnh hưởng đến quý II. Tác động trong vấn đề tăng trưởng âm của nông nghiệp đã đồng thời đẩy lùi quá trình xóa đói giảm nghèo ở nước ta xuống thêm 1 nấc thấp hơn. Ngoài ra,  nông nghiệp cung cấp rất nhiều sản phẩm để đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu, góp phần vào thặng dư, tạo việc làm cho rất nhiều người liên quan đến sản phẩm nông nghiệp, những nhìn chung quý I đầu năm 2016, nông nghiệp đang bị chững lại và rất đáng lo ngại nếu không nhìn thấy tín hiệu tăng trưởng trong các quý tiếp theo.

Bức tranh tăng trưởng kinh tế ảm đạm

Không chỉ lĩnh vực nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, xâm nhập mặn khiến mức tăng trưởng giảm, mà nhiều chỉ số cho thấy, bức tranh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nếu như ngành nông nghiệp làm giảm 0,16% tốc độ tăng trưởng GDP của quý I thì ngành công nghiệp cũng bị chững lại khi tốc độ tăng trưởng  chỉ bằng 2/3 so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ của năm 2015. Trong đó công nghiệp khai khoáng đã giảm hơn 4%, công nghiệp chế biến chế tạo được coi là mũi nhọn và trụ cột cũng có mức tẳng trưởng chậm và chững lại. Xét về phía cầu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chỉ vẻn vẹn 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chính là do tăng trưởng giảm từ các ngành dệt may, da giày, sản xuất ô tô… Đây chủ yếu là các ngành gia công, vốn phụ thuộc nhiều vào đơn đặt hàng và nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Một yếu tố nữa cũng là thành phần đóng góp cho  tăng trưởng kinh tế thông qua thu ngân sách là dầu thô, cũng đang gặp khó, kéo theo ngành khai khoáng tăng trưởng âm. Có thể thấy rõ, tăng trưởng GDP của cả năm đang bị “đe dọa” bởi hàng loạt các yếu tố bất lợi cả trong và ngoài nước. Vấn đề này càng có ý nghĩa quan trọng khi đây là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Đâu là tiền đề thúc đẩy tăng trưởng ?

Các chuyên gia dự báo rằng dù môi trường kinh tế vĩ mô của chúng ta rất ổn định nhưng để đạt tăng trưởng cả năm là 6,7% thì nông nghiệp phải tăng 2,5%, song điều này là vô cùng khó khăn vì quý I đã bị âm, ngoài ra chúng ta phải xuất khẩu được 2 triệu tấn dầu với giá ổn định thì mới có thể có lực đẩy cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp cũng phải có bước chuyển mình đáng kể thì mới có thể đạt được mức tăng trưởng như dự kiến. Ngoài ra, nhiều yếu tố thuận lợi của nền kinh tế được phát huy, dư địa cho phát triển kinh tế vẫn còn, nên đây sẽ là tiền đề thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các quý còn lại của năm.

Phương Thảo

Tổng hợp

 

Vietnam Report Tổng hợp