Thời gian gần đây, Việt Nam đang có bước chuyển mình lớn về kinh tế với rất nhiều đổi mới về chính sách. Bên cạnh đó, chúng ta còn đẩy mạnh thương mại quốc tế thông qua việc tham gia vào các hiệp định tự do hoá thương mại.
Việt Nam trong bản đồ tự do hóa thương mại
Giai đoạn 5 năm tới đây sẽ chứng kiến những tác động của các hiệp định thương mại tự do (FTA) hậu WTO đối với nền kinh tế nước nhà khi mà các quy định của các FTA đi vào thực thi. Chính vì vậy, đây có thể được xem là thời điểm quyết định để Nhà nước và doanh nghiệp đưa ra những quyết sách đúng đắn để có thể lợi dụng được đòn bẩy FTA trong khi giảm thiểu những cái giá có thể phải trả cho tiến trình tự do hóa thương mại. Thực tế này dẫn đến các nước có quan hệ thương mại đáng kể có xu thế tạo lập với nhau một thị trường tự do hơn thông qua các FTA, với các cam kết mở cửa thị trường cho các nước tham gia cao hơn đáng kể so với mức cam kết MFN. Bên cạnh lợi ích thương mại, những toan tính về chính trị cũng được các quốc gia cân nhắc khi đưa ra quyết định có hay không tham gia vào một FTA cụ thể nào đó.
Với các FTA được ký kết trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã và sẽ là một phần của khối thị trường tự do rộng lớn bao gồm 10 quốc gia ASEAN, Trung Quốc (Trung Quốc không có FTA với Việt Nam mà thông qua FTA với ASEAN. Trong số các FTA mà ASEAN tham gia, FTA với Trung Quốc được đánh giá là có mức độ mở cửa thị trường đáng kể nhất), Hàn Quốc, EU, châu Úc với New Zealand và Úc, Nam Mỹ với Chile, Peru và Mexico, các nước khối Nga - Kazakhstan - Belarus, Nhật Bản, Canada và Mỹ. Như vậy, cánh cửa vào các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam về nguyên tắc là đã được mở.
Thách thức của các FTA thế hệ mới
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn các mối quan hệ trên đây, chúng ta phải khẩn trương tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị. Tập trung mọi nỗ lực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân và thượng tôn pháp luật. Công dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Cán bộ công chức chỉ được làm và phải làm những việc theo quy định của pháp luật.
Phải nhìn nhận thực tế hiện nay là, doanh nghiệp Việt Nam nhận thức về các FTA và năng lực hội nhập quốc tế còn rất hạn chế; năng lực hội nhập và mở rộng thị trường nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, thụ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa chủ động điều chỉnh theo yêu cầu đòi hỏi của hội nhập kinh tế. Đây chính là bất lợi rất lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Để doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao vị thế của mình trong quá trình hội nhập quốc tế, tận dụng được các lợi thế do hội nhập kinh tế mang lại, chúng ta cần điều chỉnh chiến lược hội nhập thời gian tới. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam chỉ có 33%, thấp hơn đáng kể mức 43% tại Indonesia và 55% tại Thái Lan. Do đó, doanh nghiệp có thể chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận các doanh nghiệp lắp ráp FDI để tìm hiểu về nhu cầu và khả năng cung ứng của mình. Các cơ quan nhà nước cũng có thể có các hỗ trợ cần thiết cho việc tiếp cận này của doanh nghiệp.
Việc nghiên cứu các cam kết của FTA có thể giúp doanh nghiệp xác định được các nhu cầu mới tạo ra từ các FTA này. Việc nắm vững được các cam kết FTA sẽ giúp doanh nghiệp vận dụng trong việc tìm hiểu thị trường, đánh giá được các nhu cầu và tạo ra thị trường ngách (niche markets) cho hàng hóa của mình. FTA với EU và TPP được xem là các FTA thế hệ mới khi phạm vi quy định vượt ra ngoài việc cắt giảm thuế quan truyền thống. Đáng chú ý là các FTA thế hệ mới này còn quy định về các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững như quy định về lao động và môi trường. Các quy định về phát triển bền vững cũng như các quy định về hàng rào kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ chặt chẽ hơn trong các FTA thế hệ mới được đưa vào với những mục đích cao đẹp. Tuy nhiên, việc thực thi trong ngắn hạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Đáng quan ngại hơn là việc các nước có xu hướng tìm cách tận dụng các vấn đề này như là những biện pháp bảo hộ cuối cùng sau khi hàng rào thuế quan gần như được hoàn toàn xóa bỏ.
Phương Anh
Tổng hợp
Vietnam Report