Tiềm năng ngân hàng số Việt Nam là rất lớn. Với tỷ lệ sử dụng smatphone đang gia tăng, dân số trẻ phát triển đến 2030 cao hơn các nền kinh tế trong khu vực, và giới trẻ hiện nay đã rất nhanh nhạy với công nghệ.
Lợi thế trong chuyển đổi số sẽ giúp ngân hàng cắt giảm chi phí, tăng doanh thu, giúp ngành ngân hàng phát triển sản phẩm nhanh hơn, dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ngân hàng cũng chịu nhiều thách thức, thiếu nguồn lao động chất lượng cao, rủi ro an ninh mạng sẽ phát sinh từ các hành vi gian lận, lừa đảo… ngân hàng cũng sẽ thiếu nguồn vốn để đầu tư chuyển đổi, cạnh tranh ngày càng cao giữa các ngân hàng…
Hợp tác cùng "win-win"
Nhận định chung về thực trạng số hóa ngân hàng Việt hiện nay, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết, hiện các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số hóa, thông qua chuyển đổi về quy trình, dịch vụ, sản phẩm mới. Tuy nhiên so với xu hướng phát triển số hóa trên thế giới thì các ngân hàng Việt Nam vẫn đi sau nên cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
Tuy nhiên, với chi phí đầu tư không hề nhỏ, trong khi lợi nhuận thấp khiến nhiều ngân hàng và fintech tiến tới việc hợp tác, bởi không một ai có đủ tiềm lực để tự tin một mình có thể "làm chủ" trong thị trường lớn như hiện nay.
Đồng tình, ông Reet Chaudhuri, chuyên gia cao cấp mảng thanh toán và giao dịch Mc Kinsey&Company, cũng cho rằng ngành ngân hàng nên liên kết với các công ty fintech để cùng phát triển.
Chia sẻ về xu thế tất yếu phải giữa ngân hàng và Fintech, ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), cho biết: "Câu chuyện của các Fintech bây giờ giống như các ngân hàng nhiều năm trước trong việc mở rộng mạng lưới. Khi đó, các ngân hàng cạnh tranh bằng cách bỏ tiền của, công sức để giữ khách hàng. Sau khi có "lột xác" về sự chia sẻ trong hoạt động của các ngân hàng, thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng 30-40%, có mảng tăng trưởng 100%. Do đó, xu thế tất yếu hiện nay là hợp tác và chia sẻ".
Theo ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Di động Trực tuyến M-Service, trong tổng số gần 30 ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động thì chỉ có 5-6 ví điện tử hoạt động tích cực, trong đó chỉ có 3-4 ví điện tử là có nhiều người dùng thực sự. Đây là một ngành rất khốc liệt và kén người.
"Trong suốt 5 năm qua M-Services kiên trì hợp với các ngân hàng. Trong quá trình hợp tác, có nhiều ngân hàng có sự e dè với fintech. Chúng tôi rất trân trọng sự am hiểu và lăn xả của các ngân hàng trong quá trình số hóa và ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số. Thậm chí, các ngân hàng còn đi trước các Fintech", ông Thành Đức nói.
Đề cập việc ngân hàng nên hợp tác với fintech hay nên thủ thế, ông Thành Đức cho rằng rất cần sợ hợp tác để hai bên cùng "win - win". "Hiện chúng tôi đã có hợp tác trực tiếp với gần 20 ngân hàng nội địa cũng như nước ngoài. Fintech và Ngân hàng nên tận dụng các thế mạnh của nhau để phát triển", ông Đức nhấn mạnh.
Bức tranh ngân hàng sẽ thay đổi trong 10 năm tới?
Với việc số hóa ngân hàng, hợp tác giữa fintech và ngân hàng, câu chuyện 10 năm nữa của ngành ngân hàng sẽ thế nào?
Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Anh Dũng chia sẻ: "Ngân hàng có thể mất đi vị trí trong thế giới số nhưng ngành ngân hàng sẽ vẫn tồn tại và phát triển, tiến hóa theo cách khác. Theo đó, các ngân hàng sẽ muốn trở thành các công ty fintech với giấy phép ngân hàng, đáp ứng cả xu hướng công nghệ cũng như phục vụ khách hàng với đầy đủ dịch vụ tài chính".
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc Napas cho rằng, trong vòng 10 năm tới thì ngân hàng khó có thể bị lấn sân ở những mảng chủ chốt, chẳng hạn như cho vay, nhưng có sự thay đổi ở mảng thanh toán. Ngoài ra còn có sự phát triển của các nền tảng chia sẻ trực tiếp, là làn sóng thay đổi hành vi của người tiêu dùng, theo đó thay đổi hẳn bức tranh của ngân hàng trong 10 năm tới.
Nêu quan điểm của mình, đại diện Công ty Di động Trực tuyến M-Service, cho rằng 3 -5 năm tới, câu chuyện này không có thay đổi đáng kể. "Các ngân hàng có thể tận dụng nguồn lực của mình để mua các công nghệ tiên tiến, các công ty fintech khó mà vượt được các ngân hàng. Lĩnh vực thanh toán 3-5 nữa không hết việc, chúng tôi sẽ vẫn tập trung xây dựng nền tảng thanh toán, hỗ trợ cho các ngân hàng".
Tú Uyên
Theo VnEconomy
Vietnam Report