Đó là nhận định của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tại buổi làm việc với Sở Du lịch TPHCM vào chiều 10-1. Đồng chí cho rằng, các văn bản, chính sách, giải pháp, đề án… để phát triển ngành du lịch đều có đủ, nhưng ngành du lịch vẫn còn thiếu 2 thứ: là thiếu “lửa” và thiếu “mùi” kinh tế thị trường!
Phải có “tư lệnh”
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm 10% GDP của TP. Phát triển du lịch đòi hỏi phải có sự liên kết nhiều ngành như hạ tầng, an ninh trật tự, y tế, văn hóa… do vậy, phải có một “tư lệnh” để tập hợp các ngành cùng tham gia phát triển du lịch. Trước tiên là phải xác định du lịch TP đang đứng ở đâu so với thế giới và các quốc gia lân cận.
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Du lịch TP Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, TPHCM hiện có khoảng 1.150 doanh nghiệp lữ hành (trong đó có 150 doanh nghiệp lữ hành quốc tế), chiếm 20% so với cả nước. Năm qua, TP đón 5,19 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với năm trước; đón 21 triệu lượt khách nội địa (cả nước có 60 triệu lượt). Tổng doanh thu ngành du lịch chiếm 10% GDP của TP.
Hiện ngành du lịch TP đã mở thêm nhiều sản phẩm du lịch đường thủy đi Cần Giờ, du lịch sinh thái ở vùng nông thôn mới “1 ngày làm nông dân”… Phấn đấu năm 2017, du lịch TP đạt 5,8 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Du lịch TP cũng thừa nhận điểm yếu hiện nay là chưa có quy hoạch cho ngành du lịch.
Tuy TP là trung tâm của khu vực nhưng chưa kết nối với các tỉnh, thành; công tác cải cách hành chính trong ngành du lịch yếu, riêng việc thẩm định sao cho khách sạn cũng mất nhiều tháng, mà nguyên nhân là do sự phối hợp với các cơ quan trung ương quá phiền hà; nguồn nhân lực còn thiếu, yếu; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin, cơ sở thưởng lãm nghệ thuật, thể thao… chưa đồng bộ.
“Chỉ cần chúng ta làm bớt yếu kém thì sẽ thu hút du khách. Chúng ta không chấp nhận sự trình tự phát triển, thiếu “lửa”, không thấy được hừng hực của ngành kinh tế mũi nhọn của TP như thế. Tại sao văn bản, chính sách đã có đủ mà không tổ chức thực hiện được để khai thác tiềm năng độc đáo, riêng có của TPHCM? Phải thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển du lịch. Toàn xã hội phải chung tay để ngành du lịch đóng góp to lớn vào kinh tế TP, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP”, đồng chí Đinh La Thăng nói, đồng thời cũng gợi mở, nếu mức độ ưu tiên cho ngành du lịch không cao thì không thể đòi phát triển nhanh được.
Do vậy, đề nghị ngành du lịch phải đề xuất cần sự ưu tiên gì trong 2017 để kịp thời cho sự phát triển. Đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, cái có thể làm ngay đó chính là du lịch đường thủy. Thế nhưng, cái khó chính là môi trường nước chưa đảm bảo, một số tuyến kênh khi nước ròng là có mùi. An ninh trật tự có đảm bảo khi dân câu cá bên đường quăng dây câu có thể trúng du khách. Và một vấn đề bức xúc chính là chưa có quy hoạch cầu cảng, nên không kêu gọi được nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch “trên bộ, dưới thuyền”.
Khi bị chất vấn về quy hoạch cầu cảng khi nào xong, lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết “đang lấy ý kiến sở ngành” khiến đồng chí Đinh La Thăng phản ứng mạnh: “Nhiều tháng qua sở cứ trả lời đang làm, là khi nào, nếu làm chậm thế thì làm sao có hạ tầng để phát triển du lịch đường thủy?!”. Đồng chí Đinh La Thăng đề nghị Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến phải giữ vai trò “tư lệnh”, đôn đốc các ngành cùng tham gia thực hiện.
Hãy bắt tay vào những việc không cần tiền
Chuyện cái toilet cho du khách là câu chuyện “nóng” lâu nay, dù có nhiều giải pháp đưa ra như vận động các khách sạn cho du khách dùng nhà vệ sinh, xây dựng thêm nhà vệ sinh… nhưng chưa khả thi. “Trước đây, quận 1 tổ chức hội thi vẽ đề án xây dựng toilet công cộng cho du khách nhưng đến nay chỉ là hình vẽ, chưa xây dựng được”, Giám đốc Sở Công thương TP Phạm Thành Kiên nói.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang đưa ra sáng kiến: “Tại sao trụ sở cơ quan hành chính không dành ra vị trí làm toilet phục vụ du khách. Hay yêu cầu ngân hàng đặt trụ ATM có trách nhiệm đầu tư luôn toilet là đã xã hội hóa được vấn đề nóng này”.
Một vấn đề mà nhiều đại biểu cho rằng đang khiến ngành du lịch TP chậm phát triển, chính là thiếu sự liên kết, phối hợp trong phục vụ du lịch và chưa xây dựng được sản phẩm độc đáo cho du lịch TP. Đồng chí Tất Thành Cang cho rằng, sở dĩ du lịch Thái Lan có giá rẻ vì có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà hàng, khách sạn, hàng không, điểm du lịch; còn ở Việt Nam, các công ty du lịch không kết hợp được với nhau.
Đồng chí Đinh La Thăng nhìn nhận, hiện nay mỗi đơn vị chỉ tạo ra sản phẩm phục vụ nội bộ du khách của mình, không kết nối, bắt tay nhau. Ngay trong cùng một công ty cũng không hợp tác, kết nối nhau nên không tạo được sức mạnh. Đồng chí cho rằng, du lịch TP đang cần một nhạc trưởng, một tư lệnh thực sự cho ngành dịch vụ tổng hợp này. Vì du lịch là kinh tế - dịch vụ tổng hợp nên cần phải liên kết, liên vùng, liên ngành.
Đồng chí Tất Thành Cang cũng đề nghị phải mở rộng nhiều loại hình du lịch như du lịch khám chữa bệnh, mua sắm, học tập… Phải kết nối giữa sở du lịch với hệ thống khách sạn, xe, hàng không, điểm đến… Làm sao du khách đến một nơi là được phục vụ tất cả.
Để giải quyết yêu cầu đó, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, năm 2017, TP sẽ xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút du khách như: đưa du khách đến Cần Giờ để ăn cá sạch, hưởng hệ sinh thái bằng đường thủy và có thể xây dựng cả xe buýt miễn phí; tổ chức marathon quốc tế; liên hoan nghệ thuật đường phố, biểu diễn mỗi cuối tuần như lân sư rồng; lễ hội ánh sáng nghệ thuật; bắn pháo hoa nghệ thuật… Ngoài ra còn tổ chức du lịch gắn với nông nghiệp, gắn với nông thôn mới để giải quyết việc làm cho nông thôn mới, như cung cấp sản phẩm đặc sản ẩm thực, văn hóa địa phương…
Đồng chí Tất Thành Cang cũng chỉ đạo việc cần làm ngay là xây dựng công viên Safari ở Củ Chi, đầu tư địa đạo Bến Dược có đủ các công trình dịch vụ phụ, gắn với ăn, ngủ, nghỉ của du khách; mở tuyến đưa du khách đến đảo khỉ Cần Giờ, gắn với tham quan rừng Sác... Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, đồng chí Tất Thành Cang đề nghị UBND TP phải báo cáo tiến độ hàng quý bằng văn bản cho Thường trực Thành ủy.
Đồng chí Bí thư yêu cầu các ngành phải phân tích đánh giá thế mạnh, thế yếu của du lịch TP so với thế giới, so với khu vực. Phải thay đổi tư duy, nhận thức về phát triển du lịch. Phải xác định ngành du lịch là ngành công nghiệp không khói, đóng góp lớn cho nền kinh tế TP, do vậy đây là việc không chỉ của ngành du lịch mà là của các ngành các cấp, toàn xã hội, toàn dân, thông qua liên kết, liên vùng…
Theo Sài Gòn Đầu tư Tái chính
Vietnam Report