Nhà thầu nội phải bứt phá để tăng sức cạnh tranh

05/04/2019

Chuyên mục:

Được xem là một ngành biết vận dụng đường lối chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế nhiều thành phần, các doanh nghiệp xây dựng đã có sự thay đổi vươn lên để khẳng định chính mình.

Đặc biệt, nhà thầu Việt Nam đến nay có thể tự hào vì đủ năng lực thi công nhiều công trình đòi hỏi trình độ quản lý và áp dụng khoa học công nghệ cao, sánh tầm quốc tế. Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) xung quanh những nỗ lực bứt phá của nhà thầu nội. 

PV: Hiện các nhà thầu Việt Nam đã có đủ năng lực thi công nhiều công trình đòi hỏi trình độ quản lý và áp dụng khoa học công nghệ cao, sánh tầm quốc tế. Ông có thể chia sẻ về những bứt phá của các nhà thầu nội? 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Cách đây 20 năm, thường trực trong quan niệm của ngay cả những người làm nghề, các nhà thầu xây dựng Việt Nam chủ yếu là cung cấp nhân công. Nhưng những năm gần đây, các doanh nghiệp ngành xây dựng đã có bước trưởng thành vượt bậc. 

Dễ dàng nhận thấy bộ mặt các đô thị cũng như nền kinh tế có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp xây dựng; đặc biệt là xây dựng dân dụng đã đạt được trình độ khu vực. Chúng ta không chỉ phát triển về tốc độ và doanh thu mà có sự thay da đổi thịt từ trong lòng công trình.

Cùng đó, các lĩnh vực xây dựng công nghiệp, thủy lợi, giao thông, doanh nghiệp nội vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, khẳng định vị thế trong công cuộc phát triển hạ tầng, thủy lợi cùng với hạ tầng của đất nước. 

Sắp tới, Việt Nam có nhiều công trình hạ tầng mang tầm cỡ quốc tế. Điển hình như việc tỉnh Quảng Ninh dự kiến làm đường hầm qua biển, dưới cầu bãi cháy để thông hai bờ. Hiện VACC cũng đang muốn chắp nối để nhà thầu Việt Nam sát cánh cùng nhà thầu quốc tế thực hiện dự án. 

Mặc dù vậy, những công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam cũng vẫn còn “non” so với các Tập đoàn mạnh của nước ngoài. Thế nhưng họ đã có sự thay đổi căn bản khi vận dụng được đúng đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ là phát triển kinh tế nhiều thành phần. Có thể nói, tư tưởng thị trường hóa đã tạo ra sức cạnh tranh rất mãnh liệt để các doanh nghiệp vươn lên khẳng định mình. 

Chính vì thế mới hình thành một lực lượng doanh nghiệp tư nhân, cổ phần trong lĩnh vực xây dựng và ngày càng phát triển lớn mạnh, nhanh chóng nhờ bám vào nguyên tắc cạnh tranh của thị trường. Họ tự hiểu, nếu bản thân không vươn lên, không tạo được sức mạnh nhất định từ khâu tổ chức, kỹ thuật, quản lý… thì sẽ không tồn tại được.

Điều này góp phần khẳng định, phần lớn các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hiện nay đều bật lên nhờ cơ chế thị trường. 

Cùng với việc thị trường hóa ngành xây dựng là việc thị trường có sự cơ cấu lại. Các công ty cổ phần đã dần chiếm lĩnh và trở thành đơn vị chủ công trên thị trường. Có một thực tế là các doanh nghiệp nhà nước độc chiếm thị trường trước kia thì giờ đang gặp không ít khó khăn do phải vật lộn với việc cổ phần hóa, tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng; trong khi đó, các công ty tư nhân lại đang lớn nhanh vùn vụt. 

Trước kia, nói đến doanh nghiệp xây dựng có doanh thu khoảng 10 nghìn tỷ đồng đã thấy là rất lớn. Số này thường rơi vào các doanh nghiệp nhà nước lớn như Sông Đà, Vinaconex… Còn đến thời điểm này, công ty tư nhân như Coteccons, doanh thu thực đã đạt khoảng 27 nghìn tỷ đồng – tương đương hơn 1 tỷ USD.

Đây là doanh số có thể so sánh với các công ty mạnh của Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này chứng tỏ nhà thầu Việt đã bước chân vào nhóm đạt cấp tỷ đô chứ không dừng ở con số triệu đô. 

Cơ chế thị trường đã tạo sức bật cho các nhà thầu nội và đó là thử thách mà các nhà thầu Việt đã chinh phục thành công. Vậy, theo ông, còn những yếu tố then chốt nào cần phải lưu tâm để đưa doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tiến xa hơn nữa? 

Một trong những yếu tố phát triển ngành xây dựng không thể bỏ qua chính là khâu đào tạo. Trong khi ngành xây dựng phát triển với doanh thu, tầm vóc công trình, kỹ thuật… vượt lên tầm cao mới nhưng đối lập lại là công việc đào tạo lực lượng bao gồm cả công nhân kỹ thuật lẫn cán bộ lại đang gặp khó khăn. Điều này thể hiện từ định hướng đến cách làm và cần phải giải quyết sớm. 

Trước kia là cơ chế bao cấp nên các trường đào tạo đều do nhà nước đứng ra xây dựng và cung cấp nhân công cho lĩnh vực này. Hiện nay chuyển sang cơ chế thị trường hóa, các doanh nghiệp cổ phần hóa nhiều nên các trường đào tạo mô hình cũ không còn tồn tại. 

Trong khi đó, doanh nghiệp càng phát triển mạnh thì càng cần lao động có tay nghề mà nguồn cung cấp thì không có. Họ phải tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đứng trước vấn đề này, VACC mong muốn các đơn vị kết hợp với nhau, điều phối nhân lực hợp lý để kết hợp và phát huy hiệu quả. 

Thêm nữa, theo phản ánh của các doanh nghiệp, Luật Xây dựng hiện đang tồn tại bất cập cần tháo gỡ mà nổi lên là vấn đề bảo lãnh. Nội dung đưa vào Luật chỉ yêu cầu phía nhà thầu phải có bảo lãnh đối với chủ đầu tư từ bảo lãnh đấu thầu, tạm ứng, thực hiện hợp đồng cho đến bảo hành.

Cả 4 loại bảo lãnh này đều do nhà thầu phải thực hiện với chủ đầu tư chứ chưa có các khoản bảo lãnh nào ngược lại, rằng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư với nhà thầu. 

Có thể xuất phát từ xa xưa, hầu hết các chủ đầu tư đều là nhà nước, sử dụng vốn công. Mà đã là nhà nước thì không bao giờ cần phải bảo lãnh cho ai cả mà chỉ có doanh nghiệp - tức là các nhà thầu phải bảo lãnh ngược lại. Thực tế này đã không còn phù hợp bởi cùng với sự phát triển của đất nước, giờ nhiều công trình tư nhân là chủ đầu tư. 

Khi đó xảy ra câu chuyện, nhà thầu cần được thanh toán và thanh toán đúng tiến độ thì lại không được ai bảo lãnh. Vì vậy, VACC cũng đã đề xuất với Bộ Xây dựng, kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cần thực hiện việc bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư đối với nhà thầu.

Xin cảm ơn ông !

Phương Anh

Tổng hợp

Vietnam Report