Nhiệm kỳ 2016 - 2020: Quy mô thu ngân sách vượt mục tiêu đề ra

23/12/2020

Chuyên mục:

Nhìn lại nhiệm kỳ 2016 - 2020, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai quỵết liệt các giải pháp về thu ngân sách, nhờ đó, quy mô thu ngân sách được cải thiện, bình quân đạt khoảng 24,5%GDP, vượt các mục tiêu đề ra, gấp hơn 3 lần giai đoạn 2006 - 2010.

617203345
Làm thế nào để vừa thu ngân sách một cách căn cơ, bền vững, vừa tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là bài toán đã được Bộ Tài chính thực hiện khá tốt thời gian qua. Ảnh: TBTCVN

Quy mô thu ngân sách có bước đột phá, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ qua.

Địa phương bứt phá tăng thu, tăng tự chủ

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), các luật thuế mới ban hành và nhiệm vụ thu NSNN theo nghị quyết của Quốc hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh các giải pháp chống chuyển giá, hạn chế nợ đọng thuế, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, kê khai không trung thực về các khoản phải nộp NSNN.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng thu ngân sách, quy mô thu NSNN được cải thiện, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 24,5%GDP, vượt mục tiêu đề ra. Tỷ trọng thu nội địa tăng dần, đến năm 2020, dự kiến thu nội địa đạt trên 84% tổng thu NSNN, đạt kế hoạch là 84 - 85% theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội.

Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, thu nội địa chiếm tỷ trọng 81,6% tổng thu NSNN (giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015 tương ứng là 59,5% và 68,7%), đã góp phần bù đắp xu hướng giảm thu từ dầu thô và thu từ thuế xuất, nhập khẩu. Mức độ phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài và vào nguồn tài nguyên, khoáng sản giảm đáng kể (tỷ trọng thu dầu thô và thu cân đối xuất, nhập khẩu giảm từ khoảng 30% xuống khoảng 17,8% giai đoạn 2016 - 2020).

Đáng chú ý, theo phân cấp, thu ngân sách địa phương có xu hướng tăng dần theo các giai đoạn cả về quy mô và tỷ trọng đã góp phần tăng cường tính tự chủ cho ngân sách địa phương.

Tỷ trọng thu ngân sách địa phương trong tổng thu NSNN đã tăng từ 37,4% giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 45% giai đoạn 2016 - 2020; quy mô thu ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 gấp khoảng 1,87 lần giai đoạn 2011 - 2015, cao hơn mức tăng quy mô thu NSNN nói chung (khoảng 1,58 lần).

Cơ cấu thu ngân sách bền vững hơn

Kinh tế tăng trưởng ổn định, nhưng tỷ lệ huy động thuế, phí/GDP lại có xu hướng giảm. Tốc độ tăng thu ngân sách (trước thời điểm dịch Covid-19) đều gần gấp đôi mức tăng trưởng kinh tế. Làm thế nào để vừa thu ngân sách một cách căn cơ, bền vững, vừa phải tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là “bài toán” không dễ giải, nhưng đã được Bộ Tài chính thực hiện khá tốt trong thời gian vừa qua.

Thành công đó là ngành Tài chính đã nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất dự toán NSNN được giao. Trong 4 năm (2016 - 2019) thu NSNN luôn vượt dự toán Quốc hội quyết định, thu ngân sách trung ương 2 năm liên tiếp vượt dự toán. Điểm sáng đó là cơ cấu thu NSNN đã bền vững hơn, chuyển dịch tích cực hơn.

Trong điều hành, từ nhiều năm qua, Bộ Tài chính luôn đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong nỗ lực thu ngân sách đạt mục tiêu đề ra. Để hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 5 năm là nhiệm vụ không hề đơn giản. Bộ Tài chính và các địa phương đã phối hợp chặt chẽ, theo sát số thu từng ngày, thậm chí có thời điểm là từng giờ, mới có thể đạt cao nhất mục tiêu đề ra. Bộ Tài chính đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương trong công tác quản lý thuế, tăng cường thanh kiểm tra, chống chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ đọng thuế. Có thể nói, đây là kinh nghiệm nhiều năm qua được Bộ Tài chính áp dụng và đã thành công, góp phần thu đúng, thu đủ vào ngân sách.

Ghi nhận và đánh giá cao các kết quả trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính, đặc biệt là công tác thu ngân sách trong năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành Tài chính đã thực hiện thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ tài chính – NSNN với rất nhiều lĩnh vực đạt xuất sắc, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo Thủ tướng Chính phủ, trong thành công của đất nước, không thể không nhắc tới những kết quả của ngành Tài chính, đặc biệt là về thu NSNN. Như trong năm 2019, lần đầu tiên trong nhiều năm, 100% các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán. Đặc biệt các lĩnh vực thu lớn, kết quả đều đạt tốt, nhất là ngân sách trung ương.

Để tiếp tục cơ cấu, đảm bảo tính bền vững của thu NSNN, thời gian tới ngành Tài chính tiếp tục tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ thực hiện tốt chiến lược cải cách thuế. Theo đó tập trung điều chỉnh chính sách thu “phải đảm bảo cho được tính trung lập của chính thuế”, vừa mở rộng cơ sở thu, vừa đảm bảo bình đẳng các thành phần kinh tế trong chính sách thuế, phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo huy động hợp lý cho NSNN; tăng thu từ sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh các chính sách thu, các quy định về phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Đồng thời, tăng cường các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ thu NSNN của Kế hoạch Tài chính quốc gia 5 năm 2021 - 2025 ở mức cao nhất.

Quy mô thu ngân sách gấp gần 1,6 lần giai đoạn trước đó

Bình quân giai đoạn 2016 - 2020 thu ngân sách đạt khoảng 24,5%GDP (giai đoạn 2011 - 2015 là 23,6%GDP), vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội (23,5%GDP) và Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (20 - 21%GDP); gấp 1,58 lần so với giai đoạn 2011 - 2015 và gấp hơn 3 lần giai đoạn 2006 - 2010.

 

Minh Anh

Theo Thời Báo Tài Chính