(BĐT) - Dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn là một dấu hỏi sau khi Mỹ tuyên bố rút lui, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang tìm cách nâng cấp sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để tìm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu.
Mới đây, Vinamilk, công ty sữa lớn nhất Việt Nam, vừa khánh thành Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt - trang trại bò sữa hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam với tiêu chuẩn châu Âu do Control Union (Hà Lan) cấp. Trang trại Vinamilk Organic Đà Lạt hoàn toàn không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu tổng hợp, phân tổng hợp, phụ gia thực phẩm, những chất hỗ trợ, kích thích khác, và các chất biến đổi gen. Trước đó, một số sản phẩm của Vinamilk cũng đã được Cục Quản lý thực phẩm & dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công nhận chất lượng và cấp giấy phép nhập khẩu. Điều đó giúp Vinamilk xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước khác để đạt được tham vọng 3,5 tỷ USD doanh thu năm 2021.
Nguồn: Internet
Một doanh nghiệp ngành sữa khác là Tập đoàn TH gần đây cũng bắt đầu dự án nông nghiệp công nghệ cao có quy mô 3.000 ha với vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng tại Thái Bình. Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình sẽ là điểm mẫu, là nơi nghiên cứu hoàn thiện mô hình, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, trang trại và cho hộ nông dân sản xuất nông sản mang thương hiệu Việt Nam đủ điều kiện sánh vai với các thương hiệu thế giới. TH cũng đang lên kế hoạch xây dựng nông trại hữu cơ ở Nga.
"Nếu đạt được TPP thì các doanh nghiệp trong nước cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của các nước. Cho dù TPP không đạt được thì nó cũng mở ra tương lai cho các hiệp định thương mại tự do khác, nên việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm của mình càng sớm sẽ giúp doanh nghiệp trong nước chớp được cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài."
Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát cũng vừa mới trang bị dây chuyền chiết Aseptic ABF tại Nhà máy Number One Chu Lai ở tỉnh Quảng Nam. Công nghệ này đã được FDA chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vô trùng cho các sản phẩm có độ acid thấp.
Những động thái nêu trên cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển biến về tư duy, chủ động thích ứng, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; là minh chứng cho những nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm theo thị hiếu và tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để tăng cường xuất khẩu, việc các doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế là điều hiển nhiên. Nếu đạt được TPP thì các doanh nghiệp trong nước cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của các nước. Cho dù TPP không đạt được thì nó cũng mở ra tương lai cho các hiệp định thương mại tự do khác, nên việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm của mình càng sớm sẽ giúp doanh nghiệp trong nước chớp được cơ hội xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Quan trọng nhất, đây cũng là giải pháp để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo Hoàng Việt
Báo Đấu thầu
Vietnam Report