Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan hơn các nước khác trong khu vực Đông Nam Á với 55% cho rằng, kinh tế sẽ tốt hơn trong 6 tháng tới (so với 45% của các nước trong khu vực).
2020 là một năm đầy thách thức với toàn thế giới và Việt Nam, khi tất cả phải tiếp tục phòng và chống đại dịch COVID-19.
Nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ cùng sự chung tay của cộng đồng, đại dịch tại Việt Nam tiếp tục được kiểm soát.
Đến nay, qua 50 ngày, Việt Nam chưa có ca mắc mới trong cộng đồng.
Chính điều này làm cho người dân Việt Nam lạc quan hơn về tương lai, khi 55% cho rằng nền kinh tế sẽ tốt lên tron 6 tháng tới (so với 45% mặt bằng chung của 6 nước trong khu vực Đông Nam Á), theo một nghiên cứu trong tháng 09 tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam do Ipsos vừa công bố.
Bên cạnh đó, trên 60% người Việt tham gia khảo sát này cho rằng, thu nhập hộ gia đình sẽ được tăng lên, trong đó mức phục hồi tốt hơn thuộc nhóm có thu nhập cao (66%).
Khi Ipsos thực hiện khảo sát vào tháng 07, có đến 90% người dân nói rằng thu nhập hộ gia đình bị giảm nhưng kết quả khảo sát trong tháng 09/2020 cho thấy, con số này đã giảm xuống dưới 80%.
Mặc dù thu nhập bị ảnh hưởng và người tiêu dùng cân nhắc kỹ lưỡng khi mua sắm nhưng có đến 80% vẫn tiếp tục lựa chọn thương hiệu họ thường mua.
Đây là cơ hội để thương hiệu đẩy mạnh việc kết nối với người tiêu dùng và giới thiệu sản phẩm phù hợp với thói quen mới của họ.
Người dân tại Hà Nội lựa chọn rau củ trong siêu thị (Ảnh minh hoạ: Đức Thanh). |
Ngoài ra, người Việt cũng sẵn sàng quay trở lại các hoạt động bên ngoài như đi ăn nhà hàng, tham gia sự kiện hay thăm bạn bè trong quý cuối năm 2020.
Dù vậy, 73% người tiêu dùng dự định sẽ giảm tần suất các hoạt động mua sắm và giải trí.
Điều này có nghĩa là người tiêu dùng sẽ lựa chọn kỹ hơn về nơi họ đến và các doanh nghiệp vẫn cần phải tiếp tục cố gắng để nằm trong sự lựa chọn của người tiêu dùng.
Cùng với đó, tuy lạc quan nhưng người Việt vẫn lo lắng liệu công việc có ổn định hay không.
Có tới ½ người tham gia khảo sát nói là họ chưa tự tin để thực hiện các mua sắm lớn. Các hoạt động đầu tư cũng đưa vào hạng mục cắt giảm.
Cũng theo Ipsos, dù bị ảnh hưởng từ COVID-19, người Việt vẫn “chịu chi” vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đây là tín hiệu góp phần kích thích sự tăng trưởng vào nền kinh tế nói chung.
Cụ thể, nhóm có thu nhập trung bình (7,5 triệu- 23,5 triệu đồng/tháng) dù cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng sẵn sàng chi lượng ngân sách cho Tết tương đương năm ngoái.
Ngoài ra, thói quen mua quà tặng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp vẫn được duy trì.