Những nhóm cổ phiếu hấp dẫn nhất năm 2023

18/07/2023

Chuyên mục:

Theo kết quả khảo sát Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả (VIX50) năm 2023 của Vietnam Report, nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngành điện… đang có tiềm năng tăng trưởng tốt nhất trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều thách thức như hiện nay.

 Năm 2023, nền kinh tế toàn cầu được dự báo vẫn bấp bênh trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga và Ukraina và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn để kiềm chế lạm phát.

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 6/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định các động lực giúp phục hồi kinh tế toàn cầu những tháng đầu năm 2023 dự kiến sẽ suy giảm trong các tháng cuối năm. Điều này cho thấy hoạt động kinh tế toàn cầu cả năm 2023 sẽ chậm lại, phản ánh sự giảm tốc rõ rệt ở các nền kinh tế phát triển.

Tăng trưởng toàn cầu được dự báo đạt 2,1% trong năm 2023, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2023. Tuy nhiên, lực cản từ chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn đang ngày càng rõ ràng, đặc biệt trong các hoạt động có yếu tố lãi suất nhạy cảm hơn như đầu tư kinh doanh và nhà ở, bao gồm cả xây dựng. Tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển được dự báo đạt 0,7% do chính sách tiền tệ thắt chặt, điều kiện tín dụng ít thuận lợi hơn, thị trường lao động yếu đi và giá năng lượng vẫn còn cao. Tốc độ tăng trưởng chung năm 2023 của các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự báo đạt 4% nhờ sự phục hồi ở Trung Quốc sau khi dỡ bỏ các hạn chế di chuyển nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch. Nếu không tính Trung Quốc, tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi dự báo chỉ đạt 2,9% trong năm 2023.

Nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của nước ta đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam là 6,5%, tăng 0,2 điểm phần trăm.

Tình trạng tăng trưởng chậm trên toàn bộ các ngành đã được phản ánh qua kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 của các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, ngành nghề. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023. Theo Tổng cục Thống kê, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II cho thấy: Có 27,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I; 36,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định; và 35,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Trong bối cảnh khó khăn chung, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, top 6 ngành được các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tiềm tăng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất bao gồm: Ngân hàng, Sản xuất và Phân phối điện, Sản xuất thực phẩm, Du lịch và Giải trí, Xây dựng và Vật liệu, Sản xuất dầu khí.

VIX50 2023_TCBC_Hinh 7

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2022 và tháng 4-5/2023

Nhóm ngành Ngân hàng

Tính đến thời điểm 20/6/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,53% so với cuối năm 2022 (cùng thời điểm năm trước tăng 3,30%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 3,26% (cùng thời điểm năm trước tăng 3,97%); tăng trưởng tín dụng đạt 3,13% (cùng thời điểm năm trước tăng 8,51%).

Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng thấp cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định ngành Ngân hàng vẫn đối mặt một số thách thức trong năm 2023 do biên lãi thuần có thể suy giảm, áp lực trái phiếu đáo hạn ngày càng tăng, lợi suất danh mục cho vay bị điều chỉnh giảm nhanh hơn theo lãi suất huy động mới… Đặc biệt, điều quan ngại đối với các ngân hàng trong năm nay là rủi ro chất lượng tín dụng suy giảm do doanh nghiệp ở nhiều ngành đang gặp khó khăn tạo áp lực nợ xấu gia tăng trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực hơn của thị trường được kỳ vọng sẽ giảm sức ép lên hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong nửa cuối năm 2023. Lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ các nút thắt trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ triển khai sẽ giúp cầu tín dụng tăng trở lại trong thời gian tới, từ đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ dần cải thiện. Khi lãi suất điều hành giảm, áp lực chi phí huy động của các ngân hàng bớt đi. Mặt khác, lãi suất giảm xuống, người dân, doanh nghiệp cũng mạnh dạn vay vốn hơn. Từ đó, tăng trưởng tín dụng khởi sắc hơn so với giai đoạn đầu năm. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đang linh hoạt, chủ động tìm kiếm các hướng đi mới để vượt qua khó khăn, chẳng hạn như câu chuyện bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài của một số ngân hàng.

Theo khảo sát của Vietnam Report trong nghiên cứu công bố Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín, top 5 cơ hội cho sự tăng trưởng của ngành Ngân hàng trong năm 2023 bao gồm: Các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ số (100%); Những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước (85,7%); Kỳ vọng từ các gói kích thích kinh tế (71,4%); Các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động (71,4%); Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam (57,1%).

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát ngân hàng, tháng 6/2023

Mặc dù tất cả các ngân hàng đều điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận so với năm 2022 nhưng đây vẫn là ngành có mức điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận ít nhất. Trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, ngành có vốn hóa lớn nhất thị trường là ngân hàng có tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết kỳ vọng sẽ có nhiều cổ phiếu tăng trưởng nhất trong năm 2023 cao nhất – đạt 75,7%, tăng so với mức 46,2% của năm 2022. Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Nhóm ngành Điện

Năm nay, ngành phòng thủ như ngành Điện cũng vươn lên lọt top với 50,0% số chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá có nhiều cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn so với các ngành khác (+19,2% so với kết quả khảo sát cách đây một năm). Đà tăng của nhóm ngành Điện bắt đầu từ khi mở cửa sau COVID-19, lượng điện tiêu thụ tăng khi các nhà máy dần đi vào động. Ngoài ra, việc giá điện chính thức được điều chỉnh tăng từ ngày 04/5/2023 cũng tác động đến nhiều nhóm ngành; trong đó, nhiều cổ phiếu ngành năng lượng điện dự đoán sẽ được hưởng lợi.

Đáng chú ý, việc chính thức phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) vào ngày 15/5/2023 được nhiều chuyên gia nhận định là động lực thúc đẩy mạnh đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp điện. Quy hoạch điện VIII xác định điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh năng lượng quốc gia; Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện.

Đây là cơ hội rất lớn không chỉ đối với các doanh nghiệp điện, mà còn mở ra nhiều triển vọng đầu tư. Việc đảm bảo nguồn cung cấp điện của Việt Nam sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư lớn, mà Thỏa thuận Đối tác Năng lượng Công bằng mới (JETP) bao gồm khoản hỗ trợ 15,5 tỷ đô la Mỹ để cung cấp kinh phí cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh ở các quốc gia đang phát triển là chưa đủ. Vì vậy, sẽ cần vốn đầu tư tư nhân với số lượng lớn.

Với một nền kinh tế phát triển mạnh và mức tăng trưởng GDP trung bình từ 6% đến 8% mỗi năm, nhu cầu về điện của Việt Nam dường như không ngừng tăng. Cung cấp nhu cầu lớn này sẽ đòi hỏi một lượng đầu tư lớn và nhiều công ty nước ngoài có tiềm lực sẽ sẵn sàng gia nhập thị trường để hưởng lợi. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và còn tồn tại một số rào cản đối với các nhà đầu tư. Do đó, sự hỗ trợ và hướng dẫn phù hợp từ Chính phủ cũng như các bên liên quan là rất quan trọng.

Khám phá công trình điện gió Bạc Liêu – địa điểm check-in cực HOT

Ảnh: Internet

Top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023 còn có sự góp mặt của nhóm ngành Xây dựng và Vật liệu với niềm tin vào việc hưởng lợi trực tiếp từ các dự án đầu tư công của Chính phủ. Nhóm ngành Du lịch và Giải trí với tiềm năng bứt phá mạnh sau COVID-19, đặc biệt là với những biện pháp nới lỏng các quy định nhập cảnh du lịch, cấp thị thực điện tử (e-Visa) và lực đẩy từ dòng khách ngoại, trong đó có Trung Quốc sau khi quốc gia này mở cửa trở lại.

So sánh với các năm trước, ngành có vốn hóa lớn thứ hai thị trường là Bất động sản năm nay đã không còn xuất hiện trong top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất. Theo thống kê, nhóm ngành Quản lý và phát triển bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng 37,9% trong quý đầu năm 2023, tuy nhiên, mức tăng trưởng này được cho là ảnh hưởng từ hoạt động kinh doanh những năm trước. Thanh khoản hiện tại của ngành vẫn được đánh giá ở mức thấp, bên cạnh đó, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn rất lớn. Hiện tại, nhóm ngành này vẫn chưa có tín hiệu tăng trưởng rõ rệt mà vẫn đang trong giai đoạn chuyển mình, tái phân bổ lại các phân khúc cũng như chờ đợi các tác động của chính sách hỗ trợ từ chính phủ, cũng như tác động lan tỏa của đầu tư công. Do đó, thái độ của các doanh nghiệp về triển vọng của cổ phiếu nhóm ngành này cũng thận trọng hơn so với trước.

Nhìn nhận chung về tất cả các ngành trên thị trường chứng khoán, đa số các chuyên gia và doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report có chung quan điểm rằng kịch bản về một sự đột phá của bất kỳ nhóm ngành nào trên toàn thị trường sẽ khó xảy ra. Top 6 ngành kể trên là những ngành được đánh giá ổn định và có cơ hội có nhiều cổ phiếu khởi sắc hơn so với mặt bằng chung chưa tích cực của các ngành còn lại. Hiện tại, phần lớn đều kỳ vọng lớn vào loạt chính sách hỗ trợ từ các bộ, ban, ngành với những chính sách tài chính cho đến tiền tệ dần thẩm thấu và phát huy hiệu quả để tốc độ tăng trưởng có thể tăng lên từ những quý sau của năm.

 

 

Vietnam Report