Có rất nhiều góp ý cụ thể cho từng nội dung tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của năm luật thuế (gọi tắt là dự án một luật sửa năm luật) của Bộ Tài chính diễn ra tại TP.HCM hôm 13-9. Tuy nhiên, cao hơn là những câu hỏi, băn khoăn của doanh nghiệp, chuyên gia về tính nhất quán của chính sách và vận hành đúng bản chất thuế.
Nóng chuyện tăng thuế VAT
Ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc của Công ty Deloitte Việt Nam nhận xét, việc bỏ quy định hiện hành về chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) sang chịu thuế 10% mà Bộ Tài chính đang đề xuất sẽ ảnh hưởng tới tất cả mọi người; giao dịch bất động sản có thể tê liệt luôn.
Đề xuất như vậy là trái với nguyên tắc bình thường về tính thuế. Thuế VAT về bản chất là đánh lên hàng hóa, dịch vụ. Quyền sử dụng đất ở Việt Nam không phải hàng hóa dịch vụ, mà là tài sản giống như những quyền khác như quyền góp vốn, quyền sở hữu trí tuệ vốn không phải chịu thuế.
“Không có lý do gì lại đánh thuế chuyển quyền sử dụng đất như một loại hàng hóa. Đề nghị Bộ Tài chính xem xét để thay đổi đề xuất. Có thể khó khăn trong thực hiện như lâu nay nhưng chịu khó một chút còn hơn là thay đổi bản chất, gây hệ lụy cho xã hội”, ông Hoàng nói.
Ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Trọng Tín bày tỏ sự không đồng tình với đề xuất tăng thuế VAT từ 5% lên 6% với một số nhóm hàng. Bởi lẽ, đây là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu cho bữa ăn hàng ngày, những nhu cầu cần có như học phí, viện phí.
Chuyện tăng thuế thì rất dễ thấy sẽ gây ra cầu giảm khiến doanh thu doanh nghiệp giảm. Tuy nhiên, quan trọng hơn là tính tổng nhu cầu tiêu dùng. Có rất nhiều mặt hàng, khu vực dịch vụ thì người nghèo dùng nhiều hơn người trung lưu, người giàu. Ví dụ như một công nhân có thể ăn năm chén cơm nhưng người giàu thì chỉ nửa chén, một chén. Do vậy, cần cân nhắc lại khu vực, đối tượng tăng thuế. Nếu mặt hàng nào người giàu dùng nhiều thì tăng lên, còn hàng thiết yếu thì không.
Ông Được cũng cho rằng, cơ quan thuế nói rằng sẽ thu thuế rồi quay trở lại hỗ trợ người nghèo. Vấn đề là có kịp thời không? “Người dân móc hầu bao ra, mua hàng, đóng thuế… rồi ngồi đợi hỗ trợ trở lại rất lâu. Đó là chưa kể mức thu thuế so với mức hỗ trợ có tương xứng không, một người mỗi năm được hỗ trợ bao nhiêu?”, ông Được đặt câu hỏi.
Ông Trần Minh Hiệp, Giảng viên Tổ tài chính – thuế - ngân hàng, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM, việc tăng thuế sẽ tác động rất lớn bởi đối tượng chịu thuế rất rộng. Nếu tăng thuế từ 10% lên 12% thì tổng tiêu dùng cũng sẽ tăng ít nhất 2% đến 3%. Vấn đề là tỷ trọng tăng trong tổng thu nhập. Với người giàu, mức tăng này không bao nhiêu. Nhưng với người nghèo, tháng kiếm được năm bảy triệu đồng và chi tiêu hết cho đời sống thì mức tăng chiếm tỷ trọng cao.
Ông Hiệp cho rằng, tờ trình của Bộ Tài chính đã không đánh giá được điều này. “Người tiêu dùng móc tiền trả hàng ngày, đóng thuế thầm lặng nhưng không ai ngó đến họ. Nhất là người nông dân. Ngoài chuyện chi tiêu họ còn phải tính toán nuôi gì, trồng gì mà lại còn không được khấu trừ thuế… Họ khó hơn doanh nghiệp rất nhiều”, ông Hiệp nhận định.
Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, vài năm trước, hiệp hội đã đề nghị rút thuế VAT của mặt hàng đường (hoàn toàn phụ thuộc vào người nông dân) từ 5% xuống 0% nhưng chưa được giải quyết. Nay lại đề xuất tăng lên 10%. Hiệp hội này sẽ có văn bản đề xuất lại.
Thế nào là nước ngọt?
Trong khi đó, đề xuất đưa mặt hàng nước ngọt có ga, không ga; trà, cà phê uống liền, đóng gói trên dây chuyền sản xuất công nghiệp trừ mặt hàng nước trái cây 100% thiên nhiên, sữa và các sản phẩm từ sữa… vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt cũng bị các doanh nghiệp phản ứng mạnh mẽ.
Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội bia – rượu – nước giải khát Việt Nam đề nghị chưa đưa các mặt hàng này vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vì nó ảnh hưởng lớn đến mục tiêu quy hoạch phát triển của ngành này mà Bộ Công Thương đã đưa ra (đến năm 2020, sản lượng nước giải khát tăng lên 6,8 tỉ lít; đến năm 2035: 15,2 tỉ lít).
Bởi lẽ, thuế VAT từ 10% lên 12%; đường tăng từ 5% lên 6%; áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm giá thành tăng khoảng 10%. Giá bán chắc chắn phải tăng sẽ làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Nhu cầu giảm sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng của ngành. Sản xuất ảnh hưởng thì lao động dôi dư, nhà nước phải lo. Đó là chưa kể đến những người cung cấp đầu vào.
Không chỉ vậy, giá tăng, tiêu dùng giảm nhưng nhu cầu thực sự lại không giảm sẽ dẫn đến hệ lụy hàng lậu, hàng nhái, hàng giả tràn lan và Nhà nước phải chi kinh phí để giải quyết.
Ông Vỵ cũng cho rằng, những viện dẫn của Bộ Tài chính làm cơ sở để đề xuất áp thuế với mặt hàng này chưa rõ ràng. Ví dụ như chuyện béo phì, nguyên nhân có thực sự phải là nước ngọt hay không hay là tồn dư thuốc tăng trọng trong thực phẩm; tăng thu cho ngân sách nhưng nếu doanh nghiệp ảnh hưởng thì ngân sách sẽ mất bao nhiêu?
Còn trong trường hợp sau này Bộ Tài chính có đánh giá tác động và có nhu cầu tăng thêm ngân sách nhà nước thì phải làm rõ hàng loạt vấn đề. Thứ nhất là về khái niệm nước ngọt. Cần phân biệt rõ từng loại. Ví dụ nước hoa quả 100% tự nhiên là như thế nào; hàm lượng đường sử dụng trong các loại nước bao nhiêu thì được…?
Ông Khuất Quang Hưng, đại diện cho Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nêu ý kiến, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với các mặt hàng nước ngọt có ga, không ga… như đề xuất là quá rộng, khái niệm chưa rõ ràng và dễ dẫn đến sự hiểu lầm, nhất là trong khâu hướng dẫn, thực thi.
Định nghĩa này không thể hiện rõ nước uống có đường hay tất cả các đồ uống có vị ngọt, bất kể có chứa đường hay không. Và vì vậy còn đang bao gồm cả những sản phẩm có ích cho sức khỏe. Ví dụ sản phẩm dinh dưỡng y học dạng lỏng để điều trị bệnh nhân; sản phẩm dinh dưỡng công thức dạng lỏng cho trẻ em nhưng không làm từ sữa bò mà từ đậu nành dành cho trẻ bị dị ứng đạm; nước trái cây và rau quả có lợi cho sức khỏe và thường có chất phụ gia và điều vị, không thể đáp ứng yêu cầu 100% tự nhiên…
Không chỉ vậy, phương thức áp thuế 10% theo giá trị sản phẩm, bất kể hàm lượng đường bao nhiêu, dễ với cơ quan quản lý nhưng không khuyến khích được doanh nghiệp trong việc giảm lượng đường…
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc khu vực ASEAN, Trưởng đại diện Việt Nam Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Đông Nam Á (US – ASEAN Busines Council) đồng tình với những ý kiến và đề xuất nếu áp dụng thì phải từ năm 2020 trở đi hoặc muộn hơn.
Đồng thời, ông Thành cho rằng, nếu nhìn những điều chỉnh chính sách của Việt Nam thì thấy mỗi bộ ngành thường chỉ tập trung vào lĩnh vực của mình, không nhìn vào bức tranh tổng thể, giống như thầy bói xem voi.
Với Chính phủ hiện tại, mục tiêu cao nhất là thúc đẩy tăng trưởng, khâu đột phá là tập trung phát triển môi trường kinh doanh với đối tượng chính là khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Do vậy, những điều chỉnh chính sách phải xác định mục tiêu tối thượng này để nhất quán.
“Vậy nhưng, những đề xuất lần này có thể mang đến những tác động tiêu cực và nhắm thẳng vào khu vực tư nhân trong nước, làm hại mục tiêu của Chính phủ”, ông Thành nhận xét và đề nghị cần phải đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách.
Minh Tâm
Theo Saigon Times
Vietnam Report