Năm 2016 là một năm hứa hẹn sự bùng nổ về số lượng những dự án khởi nghiệp, cơ hội đến từ những tác động mạnh mẽ từ làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam. Một môi trường hỗ trợ hiệu quả và ổn định cho các doanh nghiệp (DN) mới, các công ty trong giai đoạn khởi nghiệp (startup) sẽ giúp DN tránh khỏi tình trạng “chết yểu” và tăng khả năng cạnh tranh.
Thiếu nhiều điều kiện phát triển
Khởi nghiệp đồng nghĩa với việc xác định thị trường mục tiêu, khách hàng tiềm năng và giá trị mang lại cho khách hàng của mình. Năm 2016 có ý nghĩa đặc biệt khi rõ ràng, doanh nghiệp không chỉ tiếp cận thị trường Việt Nam với một phân khúc trong thị trường cho 90 triệu dân, mà doanh nghiệp đang bán hàng với phân khúc tương tự ở chín quốc gia Đông Nam Á (10 quốc gia trừ Việt Nam) còn lại và tám quốc gia thành viên khác tham gia TPP (12 quốc gia trừ bốn quốc gia nằm trong AEC đã tính).
Kết quả khảo sát Chỉ số Khởi nghiệp toàn cầu (GEM) 2015/2016 do Hiệp hội các nhà nghiên cứu kinh doanh toàn cầu (GERA) vừa công bố cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam không thay đổi nhiều so với năm 2014. Điều đáng nói, có 9 trong 12 chỉ số liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam có điểm dưới trung bình. Trong đó, có 3 chỉ số thấp nhất là Chương trình hỗ trợ của Chính phủ (2,14 điểm), Tài chính cho kinh doanh (2,12 điểm) và Giáo dục về kinh doanh ở bậc phổ thông (1,57 điểm). Tại Việt Nam, các DN trẻ theo mô hình startup cũng đã hình thành từ vài năm gần đây, nhưng chưa có nhiều thành công bởi rất thiếu các điều kiện phát triển ban đầu như văn phòng, nhân lực, nguồn vốn, mô hình kinh doanh. Hạn chế này khiến nhiều startup Việt Nam chưa kịp tạo được đà phát triển tốt đã lại rơi vào cảnh thiếu vốn, phải tập trung làm thương hiệu theo yêu cầu của nhà đầu tư hơn là tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt thực sự. Trên thực tế, đối với giai đoạn đầu khởi nghiệp khi DN mới chỉ có ý tưởng công nghệ chứ chưa thực sự có nguồn thu, DN sẽ rất khó gọi vốn đầu tư từ các quỹ.
Sự hỗ trờ từ Nhà nước đóng vai trò làm đòn bẩy
Ở Việt Nam, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp KH&CN khởi nghiệp, vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng. Nhà nước cần chung tay chia sẻ những rủi ro trong hoạt động đầu tư mạo hiểm: Rủi ro đối với ngân hàng có thể được chia sẻ thông qua hoạt động bảo lãnh công nghệ trong tín dụng; rủi ro đối với các nhà đầu tư có thể được chia sẻ khi Nhà nước đối ứng với vốn đầu tư của các VCs, các nhà đầu tư thiên thần.
Ngoài ra, Nhà nước cần tham gia vào hoạt động đầu tư mạo hiểm cho các lĩnh vực công nghệ có thể mang lại nhiều lợi ích như công ích sinh học, vật liệu mới mà các nhà đầu tư chưa mấy mặn mà. ối với giai đoạn đầu khởi nghiệp khi doanh nghiệp mới chỉ có ý tưởng công nghệ chứ chưa thực sự có nguồn thu, doanh nghiệp sẽ rất khó gọi được vốn đầu tư từ các quỹ. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ vốn mồi cho doanh nghiệp trong giai đoạn đầu (early stage), có thể bằng cách trực tiếp đầu tư, tài trợ hoặc đối ứng đầu tư với các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư cho giai đoạn đầu. Giai đoạn phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp càng sớm, tỷ lệ đối ứng của Nhà nước càng cao. Hơn nữa, nhà nước cần hỗ trợ, đầu tư cho các hoạt động đào tạo, tập huấn khởi nghiệp, nhất là tại các trường đại học. Đây chính là đầu vào dồi dào cho các ý tưởng công nghệ khởi nghiệp.
Kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Israel cho thấy, để khởi nghiệp thành công, cần tạo ra một môi trường “vườn ươm” để các “hạt giống” startup có điều kiện để nảy mầm tốt nhất. Môi trường này được gọi là hệ sinh thái khởi nghiệp, và cần được xây dựng bởi chính quyền sở tại để đảm bảo tính ổn định và độ sẵn sàng về các điều kiện giúp các startup khởi nghiệp.
Văn Anh
Tổng hợp
Vietnam Report