Câu chuyện nhượng quyền thương mại không phải điều gì mới, bởi trong xu thế hội nhập hiện nay nó trở thành một hình thức kinh doanh hiện đại được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Đối với Việt Nam những năm gần đây hình thức kinh doanh này mới thực sự khởi sắc.
Bùng nổ thành xu hướng thị trường
Tại Việt Nam, ngay từ đầu những năm 90 đã xuất hiện mô hình nhượng quyền, nhưng nó chỉ mới thật sự khởi sắc trong những năm gần đây. Bất kỳ ngành nghề nào có tài sản sở hữu trí tuệ, có thiết lập hệ thống kinh doanh hiệu quả đều có thể nhượng quyền. Trung bình cứ 2 tháng sẽ có 3 thương hiệu mới xuất hiện tại nước ta.Hầu hết các thương hiệu nhượng quyền kinh doanh đều nhanh chóng mở rộng mạng lưới không chỉ từ các thành phố lớn mà cả toàn quốc. Việt Nam có hàng ngàn cửa hàng bán lẻ, khoảng 650 siêu thị và 125 trung tâm thương mại. Hiện nay, thị trường bán lẻ của Việt Nam phải cạnh tranh khốc liệt với sự đầu tư mở rộng ồ ạt của các hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp muốn tham gia hệ thống nhượng quyền cần sử dụng nhiều vốn hơn mọi người vẫn nghĩ. Trước hết là chi phí cho một hợp đồng nhượng quyền thương mại thường là từ 20.000 USD trở lên. Một số thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài yêu cầu khoản tiền nhượng quyền lên đến cả trăm ngàn USD, chẳng hạn như Lotteria đòi hỏi tới 250.000 USD. Bên cạnh các thương hiệu quốc tế lớn kể trên, các thương hiệu nhượng quyền châu Á cũng bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, có thể kể một số thương hiệu khu vực tiêu biểu như Jollibee (Philippines), BreadTalk (Singapore), The Pizza Company, Thai Express (Thái Lan), Cafe Bene (Hàn Quốc), Chattime (Đài Loan), v.v…
Nhượng quyền thương mại: Dễ người, khó ta
Khi nền kinh tế dịch vụ đang dần thay thế nền kinh tế sản xuất, chính phủ các nước trong khu vực đã có các chính sách để hỗ trợ kinh tế tư nhân. Nhượng quyền thương mại cũng là một trong những ngành dịch vụ được họ khuyến khích phát triển với mục tiêu xuất khẩu thương hiệu nội địa nhanh và bền vững ra thị trường quốc tế. Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam vẫn là nước đi sau trong khu vực về phát triển nhượng quyền thương mại. Đây chưa hẳn là bất lợi nếu chúng ta tận dụng được những kinh nghiệm của họ để xây dựng một chiến lược bài bản cho mình. Vấn đề lớn nhất là doanh nghiệp đang thiếu sự hỗ trợ có tính hệ thống và bài bản từ các chính sách của nhà nước. Tại Việt Nam, hiện nay vẫn chưa có một chương trình nào hỗ trợ doanh nghiệp dài hạn và có hệ thống được thực hiện. Doanh nghiệp muốn tham gia nhượng quyền thương mại đều phải tự chủ động tìm hiểu thông tin và tự chuẩn bị nguồn lực cho mình. Rủi ro chắc chắn là điều không tránh khỏi.
Mặc dù, Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng, mang lại cơ hội đầu tư kinh doanh lớn không chỉ cho các chủ đầu tư mà còn là phương cách giúp mở rộng, phát triển thị trường nội địa cạnh tranh lành mạnh, nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay hoạt động còn manh mún, chưa có phương thức, đường lối phát triển cụ thể. Trước bối cảnh hội nhập sâu rộng Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), thời gian chuẩn bị, học hỏi và xây dựng chiến lược đối với doanh nghiệp Việt Nam thực tế còn rất ít.
Để doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững mô hình nhượng quyền thương hiệu, bên cạnh việc xây dựng nền tảng nội tại, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ đồng bộ và xuyên suốt của chính phủ để có thể tiếp cận dễ dàng nhất, học hỏi nhanh nhất và phát triển hiệu quả nhất trong thời gian chuyển đổi và hội nhập.
Hương Lan
Tổng hợp
Vietnam Report