Nợ công, bội chi và GDP

24/01/2018

Chuyên mục:

Tổng cục Thống kê tuyên bố sẽ điều chỉnh quy mô GDP trên cơ sở kết quả của tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản 2016, tổng điều tra kinh tế 2017...

Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Thống kê điều tra và cập nhật tình trạng và số liệu của 5 thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát, nghĩa là khu vực kinh tế chưa được thống kê.

Tại hội nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra vào chiều 15/1 ở Hà Nội có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện cơ quan Thống kê cho biết khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: (1) Hoạt động kinh tế ngầm; (2) Hoạt động kinh tế phi pháp; (3) Hoạt động kinh tế phi chính thức; (4) Hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; (5) Hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản chưa cập nhật.

Tổng cục Thống kê tuyên bố sẽ điều chỉnh quy mô GDP trên cơ sở kết quả của tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016, tổng điều tra kinh tế năm 2017. Như vậy là chỉ tính thêm phần chưa quan sát hết trong nông, lâm nghiệp và thủy sản. Việc tính toán đưa thêm vào GDP cũng cần phải công bằng vì không phải chỉ cộng thêm vào mà còn phải trừ ra một phần.

Chẳng hạn như khó có thể phủ nhận chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc một phần rất lớn đến từ khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Năm 2014 theo số liệu của cơ quan Thống kê Trung Quốc và Việt Nam có mức chênh lệch về thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc là 15 tỷ USD, năm 2015 khoản thâm hụt thương mại chênh là 10 tỷ USD, năm 2016 là 8 tỷ USD. Tuy mức chênh lệch thâm hụt ngày càng nhỏ lại nhưng cũng là một con số không nhỏ.

Việc điều tra thông tin về khu vực kinh tế chưa được quan sát là cực kỳ phức tạp, chỉ mình cơ quan thống kê khó có thể thực hiện được. Khẳng định khu vực kinh tế chưa được quan sát chiếm 20 - 30% thực ra là không có căn cứ.

Ngay con số GDP và GRDP (cấp tỉnh) được công bố hàng năm cũng đã có không ít sự ngờ vực, kể cả sự ngờ vực này cũng không đủ căn cứ để kết luận điều gì? Có rất nhiều lý do để ngờ vực và cùng ngần ấy lý do để bảo vệ.

Chẳng hạn người dùng số liệu đặt câu hỏi tại sao giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến tăng 14,5% thì giá trị tăng thêm của nhóm ngành này cũng tăng 14,5% trong khi tỷ lệ giá trị tăng thêm trên giá trị sản xuất theo điều tra doanh nghiệp mỗi năm giảm hơn 1 điểm phần trăm? Rồi nhóm ngành dịch vụ năm nào cũng tăng rất cao nhưng không có gì để so sánh đối chiếu?

Nhưng nguy hiểm hơn là khi tính thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP để quy mô GDP tăng lên, lúc đó tỷ lệ nợ công và bội chi so với GDP sẽ còn rất nhỏ, thực chất có tính thêm bao nhiêu vào GDP thì ngân sách cũng không thu được gì từ khu vực này, như vậy có thể dẫn đến không kiểm soát được nợ công và bội chi.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2015, 2016, ước thực hiện năm 2017 và kế hoạch 2018 cho thấy nợ công theo giá hiện hành tăng cao hơn tăng trưởng GDP theo giá hiện hành khoảng 6 điểm phần trăm (37% so với 31%).

Tăng trưởng về GDP bình quân 2015 - 2018 theo giá so sánh là 6,6% tăng trưởng bình quân về nợ công cùng giai đoạn này theo giá so sánh là 8,1%. Bội chi ngân sách từ năm 2017 tính theo phương pháp mới (không bao gồm trả nợ gốc) mặc dù phương pháp này là đúng đắn nhưng không so sánh được với những năm trước đó, so với GDP là 3,48% nhưng tính lại theo phương pháp cũ tỷ lệ này là 6,43%.

Năm 2018 dựa trên chương trình "triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước" trong thông tin báo chí của Bộ Tài chính đặt ra kế hoạch bội chi theo phương pháp mới là 3,7% GDP, như vậy bội chi theo phương pháp cũ sẽ là 6,6% GDP.

Tốc độ tăng trưởng bội chi bao gồm trả nợ gốc bình quân giai đoạn 2015 - 2018 là 8,4% cao hơn tăng trưởng GDP bình quân 1,8 điểm phần trăm. Nếu cộng thêm 30% khu vực kinh tế chưa quan sát được vào GDP thì tỷ lệ bội chi theo cách mới chỉ khoảng 2,8% GDP.

Để đạt được bội chi theo kế hoạch (3,7% GDP) tức là được chi ra thêm khoảng 61.000 tỷ đồng và nợ cũng tăng lên đáng kể, trong khi nguồn trả nợ thực chất không phải từ con số GDP mà từ nguồn thu ngân sách.

Bùi Trinh

Theo Vneconomy

Vietnam Report