Nông nghiệp tăng trưởng âm: Trồng trọt lao đao, thủy sản khốn khó

30/06/2016

Chuyên mục:

Lần đầu tiên sau 10 năm, nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm. Ngành nông nghiệp ngày càng phải đối đầu với nhiều khó khăn khi liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi rét đậm, xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài

Ngày 28/6, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2016.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng tăng 5,52%. Tổng cục Thống kê nhận định dù GDP 6 tháng đầu năm 2016 cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2012-2014 nhưng có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,32% trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, các khu vực nông, lâm thủy sản giảm điểm, ngành công nghiệp tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.

Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp (chiếm trên 75% giá trị tăng thêm khu vực này) giảm 0,78%. Nguyên nhân được nêu ra là do sản lượng lúa đông xuân năm nay chỉ đạt 19,4 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn (giảm 6,4%) so với vụ đông xuân 2015. Giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp tăng 5,75%; ngành thủy sản tăng 1,25%.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ kế hoạch (Bộ NNPTNT), GDP ngành nông - lâm - thuỷ sản tiếp tục tăng trưởng âm khi giảm tới 0,18%, tương ứng 397.400 tỷ đồng, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó nông nghiệp đạt 297.200 tỷ đồng, giảm 0,7%, lĩnh vực giảm mạnh nhất là trồng trọt với 3%”. Dù lâm nghiệp tăng 5,75%, thuỷ sản tăng 1,25% nhưng do nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nên không thể cứu vãn sự suy thoái của ngành. Như vậy, sau 10 năm kể từ năm 2005, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm

Bà Hồng nêu rõ: Trong 6 tháng đầu năm 2016, lĩnh vực trồng trọt đã gánh chịu thiệt hại kép cả về diện tích và sản lượng đối với rất nhiều cây trồng, từ lúa, ngô, khoai, đậu tương, mía đường… Đối với cây trồng chủ lực là lúa, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước đạt gần 3,1 triệu ha, giảm 31.100ha, sản lượng lúa đông xuân thiệt hại là 1,326 triệu tấn so với năm 2015. Các cây trồng ngắn ngày cũng rơi vào tình cảnh tương tự, ngô vụ đông xuân giảm 8.500ha diện tích, sản lượng giảm 25.000 tấn; khoai lang giảm 8,8% diện tích, sản lượng giảm 91.700 tấn…

Phân tích những khó khăn mà lĩnh vực trồng trọt gặp phải, ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, ngành trồng trọt tiếp tục chịu ảnh hưởng của thời tiết, biến đổi khí hậu, trong tất cả các lĩnh vực thì trồng trọt là ảnh hưởng nặng nề nhất. Sản xuất trồng trọt liên tiếp đối mặt nhiều thách thức khó khăn, từ xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên làm nhiều diện tích gieo trồng không thể sản xuất do thiếu nước”. Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư ước tính hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam.

Đối với lĩnh vực thủy sản, theo đánh giá của Bộ NNPTNT, ngoài chịu tác động bởi thời tiết, biến đổi khí hậu, một nguyên nhân quan trọng nữa khiến thủy sản “sa sút phong độ” là bởi tình hình Biển Đông luôn diễn biến phức tạp, tình trạng ô nhiễm biển, ô nhiễm nguồn nước khiến cho thủy sản lâm vào tình cảnh khốn khó cả về khai thác và nuôi trồng. Ô nhiễm biển khiến cá chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân. Trong 6 tháng qua, sản lượng khai thác thủy sản ở 4 tỉnh này sụt giảm 68.900 tấn.

Đối với hoạt động nuôi trồng, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có 81.000ha bị ảnh hưởng, người dân đã hạn chế thả giống nên sản xuất giống tôm nước lợ gặp khó khăn. Ngoài ra thị trường tiêu thụ thủy sản cũng gặp khó khăn do một số thị trường lớn giảm nhu cầu nhập khẩu, một số nước đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cao hơn trước đây, các cảnh báo về chất lượng đối với  một số lô hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

Chăn nuôi được mùa, thắng lớn

Trái ngược với ngành trồng trọt, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát chia sẻ: “Trong 6 tháng đầu năm lĩnh vực bị tổn thất nặng nề nhất là trồng trọt, sau đó là thủy sản. Tuy nhiên chúng ta đã duy trì tăng trưởng trong lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp, xuất khẩu. Đặc biệt là sự bứt phá mạnh mẽ của ngành chăn nuôi”.

Ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “6 tháng đầu năm, dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt, sức mua tăng, giá cả sản phẩm chăn nuôi tăng, giá thức ăn chăn nuôi giảm nên sản xuất chăn nuôi phát triển tốt, đàn gia súc gia cầm phát triển nhanh, đàn bò tăng 1,6%, đàn lợn tăng 3,9%, đàn gia cầm tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng thịt hơi các loại tăng 4,1%”.

Đánh giá về ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nói: “Chăn nuôi là ngành hiếm hoi được mùa cả về các loại con, được mùa giá cả, được mùa cả thị trường nội địa và xuất khẩu, 6 tháng cuối năm rất mong ngành tận dụng, khai thác lợi thế để tạo đà phát triển mạnh mẽ”. Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu ngành trồng trọt phải thắng lợi vụ lúa mùa ở miền Bắc, không được thất bại, không được giảm sản lượng. Bên cạnh sản lượng cần tập trung giảm chí phí, tăng chất lượng để tăng giá trị. Phải thúc đẩy các giống giá trị cao từ ngô, lúa cho đến các giống cây trồng khác.

“6 tháng cuối năm toàn ngành cần hết sức nỗ lực để có sự tăng trưởng đúng mục tiêu đề ra. Cần hết sức tạo điều kiện thuận lới nhất để doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp nông thôn. Kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để khơi thông, phát triển, mở rộng thị trường. Nỗ lực cải cách hành chính, cải cách mạnh mẽ để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm” - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết. 

Hà Thủy

Tổng hợp

Vietnam Report