"Thêm cấp thẩm quyền phê duyệt dự án rồi đẩy lên cho Chính phủ là thêm thời gian, là lỡ cơ hội. Bởi chúng ta đều hiểu các thủ tục phê duyệt hiện vẫn còn nhiều phức tạp", PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi. Trong đó, có quy định nâng mức vốn đầu tư dự án thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Theo Điều 31 Luật Đầu tư hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên và trình tự thủ tục theo quy định (tùy từng trường hợp) theo quy định tại Điều 32 Nghị định 118/NĐ-CP. Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi hiện nay đã nâng con số này lên 10.000 tỷ đồng.
Một số ý kiến băn khoăn liệu có nên phân cấp hoàn toàn cho các địa phương để quyết định những dự án lớn, không phân biệt về quy mô dự án. PGS.TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu Kinh tế - xã hội Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, năng lực của nhiều địa phương còn hạn chế thì những dự án quy mô lớn 10.000 tỷ đồng trở lên cần được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Bởi lẽ, các dự án lớn không chỉ ảnh hưởng đến một địa phương, mà có thể tác động đến nhiều tỉnh, tác động đến liên kết vùng, và cả vấn đề an ninh quốc phòng.
Phân cấp cho các địa phương duyệt dự án lớn
Ảnh: VietNamNet
Tuy nhiên, PGS TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lại có quan điểm khác. Ông Trần Đình Thiên cho rằng, Luật sửa đổi nâng hạn mức từ 5.000 lên 10.000 tỷ đồng cũng là một sự nỗ lực tích cực mà chúng ta cần ghi nhận. Song Chính phủ phải có luận cứ tốt hơn để thuyết phục. Đây là cơ hội rất tốt để thay đổi luật, chứ không phải chỉ đơn thuần làm mỗi việc “cơi nới” luật. Nếu “cơi nới” thì bản chất vẫn như cũ, rào cản vẫn như cũ, thủ tục hành chính “trói buộc” doanh nghiệp vẫn không thay đổi.
Trong khi đó, doanh nghiệp bây giờ lớn hơn nhiều. Ngày xưa dự án quy mô 5.000 tỷ là to lắm nhưng giờ dự án 50.000 tỷ cũng chưa thấm vào đâu. Việc nâng quy mô dự án lên 10.000 tỷ như dự thảo Luật chỉ giống như “cơi nới” thêm.
“Quan điểm của tôi là chúng ta cần thay đổi chứ không phải cơi nới”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh. “Mỗi lần cơi nới thêm ra như thế này là tốn kém biết bao nhiêu chi phí, lãng phí biết bao nhiêu cơ hội. Bản chất câu chuyện là những lo ngại của Chính phủ về việc phải kiểm soát các dự án quy mô lớn có ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia. Nhưng cần phải có sự giải trình rành mạch về điều này”, ông Trần Đình Thiên chia sẻ.
Theo ông Trần Đình Thiên, không nên đặt ra quy định về quy mô số tiền như thế nào vì chúng ta đã gia nhập quốc tế, đưa ra các rào cản như vậy cho từng dự án là có thể bỏ lỡ cơ hội đầu tư, nhất là trong thời điểm đón các dòng chuyển dịch đầu tư.
“Thêm cấp thẩm quyền phê duyệt dự án rồi đẩy lên cho Chính phủ là thêm thời gian, mất cơ hội của doanh nghiệp. Bởi chúng ta đều hiểu các thủ tục phê duyệt hiện vẫn còn phức tạp. Việc phân cấp, phân quyền chưa triệt để. Thời đại 4.0 mà mất 2-3 năm mới xong thủ tục phê duyệt thì không ổni”, ông Thiên lo ngại.
Trong khi đó, trả lời báo chí, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng, đã đến lúc cần phải tăng phân cấp, phân quyền cho các địa phương để có quyền quyết định với những dự án đầu tư quy mô lớn hơn, trong đó ưu tiên cho các địa phương trực thuộc trung ương, có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài lớn. Hơn thế nữa, cần phải giảm bớt các thủ tục "xin - cho", tránh chuyện "muốn đầu tư phải chạy ra Thủ tướng", song muốn đến tới tay Thủ tướng thì phải đi qua các bộ, ngành với nhiều thủ tục rất tốn thời gian, công sức của nhà đầu tư.
TS Nguyễn Minh Hải, chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu, từng có thời gian dài công tác tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng: Xu thế nói chung là càng phân cấp nhiều càng tốt. Trước đây có tình trạng việc gì cũng đẩy lên Thủ tướng duyệt.
"Nói vậy để thấy rằng, quy mô vốn 5.000 tỷ đồng hay 10.000 tỷ đồng không phải là điều quan trọng. Việc phân cấp nhiều cũng là điều tốt, nhưng đi kèm với đó phải gắn với trách nhiệm, chế tài. Nếu ai làm sai phải chịu trách nhiệm. Ai duyệt chủ trương đầu tư dự án cũng được nhưng phải đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết", TS Nguyễn Minh Hải chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, “làm việc gì phải rõ việc đấy, cam kết 5 ngày là 5 ngày, có dấu hiệu làm khó dễ là doanh nghiệp có thể kiện, phải minh bạch, rõ ràng như thế. Đặc biệt khi chúng ta đang đẩy mạnh Chính phủ điện tử, có dấu hiệu gây khó dễ thì doanh nghiệp phản ánh ngay, không thể dung túng”.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các dự án có quy mô từ 20 nghìn tỷ trở lên đều phải trình Quốc hội thẩm tra, vì vậy, nên chăng cần hạn chế tới mức thấp nhất việc “trình Thủ tướng” phê duyệt các dự án. Tinh thần phân cấp cần thể hiện mạnh mẽ và đổi mới hơn nữa, gắn với phân quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương, thay tiền kiểm bằng hậu kiểm, để vượt qua những rào cản không cần thiết về thủ tục, quy trình.
Hải Nam
Theo VietNamNet