Để trợ giúp các doanh nghiệp tư nhân lớn phát triển và có sức cạnh tranh toàn cầu, cần có những thay đổi mang tính chiến lược trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Tương tự với xu hướng chung của nhiều nền kinh tế đã công nghiệp hóa thành công trên thế giới, khu vực các doanh nghiệp lớn, đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân lớn, có vai trò quan trọng chiến lược trong việc định hình cấu trúc và quyết định xu hướng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam: đã thực sự lớn?
Doanh nghiệp lớn Việt Nam, thuộc mọi thành phần kinh tế, dù đã tăng trưởng khá mạnh trong những năm gần đây, nhưng vẫn có quy mô khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Tổng doanh thu năm 2015 của 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt nam mới đạt khoảng 7,23 tỷ USD, tương ứng 3,4% so với số doanh thu đạt 211,32 tỷ USD của 10 doanh nghiệp lớn nhất trong bảng xếp hạng Fortune 500 của Hoa Kỳ.
Tương tự, doanh thu của 10 doanh nghiệp cuối bảng của Top 500 Việt Nam chỉ đạt 0,08 tỷ USD, chỉ bằng 1,5% so với số doanh thu 5,19 tỷ USD của 10 doanh nghiệp cuối bảng của Top Fortune 500. Như vậy, doanh nghiệp Top 500 của Việt Nam là khá nhỏ bé khi so sánh với các doanh nghiệp lớn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong bối cảnh đó, khá nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam thực ra vẫn được xếp vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Công ty tư nhân có doanh thu lớn nhất năm 2016 của Việt Nam là Vinamilk (2,08 tỷ USD) vẫn mới chỉ bằng mức 28,9% doanh thu của công ty xếp 2000 thế giới là Hunwha Chemical của Hàn Quốc (7,2 tỷ USD).
Tuy có quy mô còn nhỏ bé nếu xét về doanh thu, các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đang nắm giữ lượng tài sản khổng lồ của quốc gia.
Tổng tài sản của Top 50 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam liên tục lớn hơn quy mô GDP tại các năm 2014 và 2015, và tài sản của Top 500 doanh nghiệp lớn nhất đang gấp khoảng 2 lần quy mô GDP Việt Nam. Có thể nói, nhóm doanh nghiệp lớn nhất đang là các thực thể chính cấu thành nên cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam
Phân tích sâu hơn, có thể thấy, tổng tài sản của 50 doanh nghiệp lớn trong Top 500 đã tăng lên gần 10% trong năm 2015, lớn hơn mức tăng trưởng GDP thực của nền kinh tế năm 2015 là 6,6%.
Tiếp tục lép vế?
Về số lượng doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân có sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ trong top 500 doanh nghiệp lớn. Số doanh nghiệp tư nhân xuất hiện trong bảng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng đều và ổn định trong giai đoạn 5 năm qua.
Năm 2007, chỉ có 103 doanh nghiệp tư nhân nằm trong Bảng VNR 500. Năm 2012, con số này đã là 225, tăng hơn 2 lần. Kể từ giai đoạn năm 2012 đến 2016, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong Bảng xếp hạng VNR 500 luôn đứng đầu trong số doanh nghiệp phân theo khu vực kinh tế.
Tuy nhiên, về quy mô trong nền kinh tế, vai trò khu vực kinh tế tư nhân không có sự cải thiện trong nhóm doanh nghiệp lớn nhất từ năm 2007 đến nay. Khối doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm vị trí chủ lực trong nhóm doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Năm 2015, tổng doanh thu của khu vực kinh tế nhà nước chiếm hơn 58% trong tổng số doanh thu của các doanh nghiệp lớn năm 2015, cao hơn so với mức năm 2007 và tiếp tục khẳng định vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2015 chỉ đạt xấp xỉ 20%, giảm nhẹ so với con số tương tự năm 2007.
Những ràng buộc khó khăn
Dù vẫn bị lép vế so với doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam đang có bước tiến mạnh và giữ một vai trò ngày càng đáng kể.
Các doanh nghiệp lớn đã chiếm gần 40% về lao động, 22% tổng doanh thu, khoảng 35% tổng tài sản và hơn 22% lợi nhuận sau thuế trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017. Các doanh nghiệp tư nhân lớn đã thể hiện tính năng động và hiệu quả ở việc đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong những năm gần đây và nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn thuộc về nhóm ngành thực phẩm, chế tạo và sản xuất, lĩnh vực đòi hòi đầu tư có bài bản và dài hạn.
Qua kết quả khảo sát, phỏng vấn với lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân lớn Việt Nam, có thể thấy nhiều doanh nghiệp lớn đang đứng trước những ràng buộc lớn, đòi hỏi một bước ngoặt về chiến lược phát triển.
Khá nhiều ràng buộc chính phát triển đối với các doanh nghiệp lớn.
Thứ nhất, đó là sự ràng buộc bởi sự hạn hẹp về không gian phát triển, trong bối cảnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra chậm chạp, đặc biệt quá trình thoái vốn nhà nước khỏi khu vực doanh nghiệp nhà nước gần như không tiến triển. Sự lấn sân quá mức của doanh nghiệp nhà nước trong nhiều ngành nghề tiếp tục là một rào cản khó khắc phục đối với sự phát triển lành mạnh của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam.
Thứ hai, sự ràng buộc bởi khả năng tiếp cận nguồn lực và sự thiếu vắng cạnh tranh bình đẳng, nặng về cơ chế hành chính xin - cho, trên các thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường đất đai và thị trường vốn.
Thứ ba, ràng buộc về bảo đảm an toàn quyền tài sản. Hệ thống xử lý tranh chấp kinh doanh, đặc biệt các tranh chấp phát sinh giữa các doanh nghiệp tư nhân lớn và các quyết định hành chính, chưa vận hành có hiệu lực và hiệu quả. Do vậy, nhiều chủ doanh nghiệp lớn do dự khi tăng đầu tư dài hạn.
Thứ tư, ràng buộc bởi trình độ quản trị công ty còn yếu kém. Nhiều hành vi giao dịch nội gián, tham nhũng và “rút ruột” cổ đông đang diễn ra bán công khai tại nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn. Kiểm soát nội bộ bị vô hiệu hóa. Kiểm soát bên ngoài đã hình thành, nhưng kém hiệu lực. Điều này ảnh hưởng rất tiêu cực đến phát triển lâu dài của doanh nghiệp tư nhân lớn, làm hại lợi ích của cổ đông và của cả nền kinh tế.
Với những ràng buộc phát triển như trên, các doanh nghiệp tư nhân lớn Việt Nam gặp khó khăn trong cả 3 lựa chọn chiến lược dài hạn chính của mình.
Họ khó nâng cấp hoạt động kinh doanh cấp lõi theo hướng công nghệ cao và hiệu quả. Họ khó mở rộng xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài. Họ khó đa dạng hóa sản xuất, kinh doanh sang các ngành nghề mới.
Kết quả, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn Việt Nam đang tiếp tục trượt vào chiến lược phát triển ngắn hạn, làm thất thoát, thậm chí bòn rút, vốn của cổ đông, tiếp tục trượt vào các ngành kinh doanh dựa trên quan hệ “cánh hẩu”, khai thác quá mức tài nguyên, chiếm dụng quá nhiều vốn và gây tiềm năng tổn hại tới môi trường. Kết quả là năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp tư nhân lớn Việt Nam rất chậm được cải thiện.
Thời điểm bước ngoặt về chính sách phát triển
Tuy nhiên, vai trò của họ cũng như các vấn đề về quản lý, giám sát và khuyến khích phát triển khu vực này dường chưa được đề cập đủ mức.Có thể thấy, các doanh nghiệp tư nhân lớn Việt Nam, dù đã phát triển năng động và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng đang đứng trước những ràng buộc phát triển mà họ không thể tự vượt qua. Để trợ giúp các doanh nghiệp tư nhân lớn phát triển và có sức cạnh tranh toàn cầu, cần có những thay đổi mang tính chiến lược trong môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Một là, bãi bỏ cơ chế độc quyền, đặc quyền do thể chế tạo ra, tháo bỏ các rào cản hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Hai là, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước, tiến hành thoái vốn nhà nước một cách thực chất và trên quy mô rộng khỏi các doanh nghiệp nhà nước đã được xác định thuộc diện Nhà nước không cần giữ vốn chi phối.
Ba là, đảm bảo cơ chế kinh tế thị trường giữ vai trò quyết định trong việc huy động và phân bổ nguồn lực phát triển. Đặc biệt chú trọng phát triển thị trường quyền sử dụng đất và tái cơ cấu thể chế quản lý đầu tư công.
Bốn là, xây dựng và thực hiện Đề án Khuyến khích phát triển doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn giai đoạn đến năm 2025.
Tóm lại, các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn có vai trò rất quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy khu vực doanh nghiệp này đang gặp khó khăn và sự phát triển lành mạnh trong tương lai của các doanh nghiệp tư nhân lớn Việt Nam gắn chặt với tiến độ và thành công của quá trình cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng của đất nước.
TS. Đinh Trọng Thắng (Trưởng ban Chính sách đầu tư - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)
Vietnam Report