Quãng đường xa nhất
Hồng Phúc
Tinh thần công bố thông tin và minh bạch của doanh nghiệp niêm yết phụ thuộc nhiều vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Ảnh: TUỆ DOANH |
(TBKTSG) – Có người nói ở Việt Nam khoảng cách xa nhất không phải từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau mà là từ cái miệng đến cái tay. Tính minh bạch của doanh nghiệp niêm yết và mong đợi của cổ đông cũng xa nhau như vậy.
Nhiều thủ thuật né minh bạch
Dùng cách ví von này khi tham gia Diễn đàn Quản trị công ty 2014 do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức mới đây ở Đà Nẵng, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), muốn nói rằng các quy định về quản trị công ty, minh bạch thông tin ở ta không thiếu. Các văn bản hướng dẫn, đưa ra những nguyên tắc để doanh nghiệp tuân thủ còn chi tiết và đầy đủ hơn so với nhiều nước, nhưng văn hóa về quản trị công ty còn “được chăng hay chớ”.
Trong khi nhà đầu tư luôn khát thông tin thường xuyên về doanh nghiệp mà mình đang sở hữu một phần, thị trường bao giờ cũng có cảm giác doanh nghiệp công khai, giải trình không đủ. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn tìm các thủ thuật để hạn chế quyền của cổ đông.
Một người từng trải qua nhiều vai trò quản lý ở khu vực doanh nghiệp nhà nước, tham gia điều hành nhiều công ty cổ phần thuộc Bộ Tài chính, bên lề diễn đàn kể rằng mới đây thôi, giữa TPHCM, ông từng chứng kiến trong cuộc bỏ phiếu tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông, những người thuộc nhóm cổ đông cũ tranh thủ giờ giải lao cho người tuồn bớt phiếu đã được bầu trong hòm phiếu để xé đi (nhằm thay đổi kết quả cuộc họp). Ở cuộc họp đại hội đồng cổ đông khác, nhóm cổ đông cũ cố tình kéo dài cuộc họp từ 9 giờ sáng hôm nay tới 2 giờ khuya hôm sau để qua ngày, nghị quyết không còn giá trị.
Rồi chuyện đại hội đồng cổ đông đang họp ở một thành phố phía Bắc thì có nhóm người xông vào cướp thùng phiếu chạy mất, hay đang họp đến nội dung quan trọng thì có người cúp cầu dao điện… Thậm chí, có những nhóm người chuyên được thuê để đi gây rối ở cuộc họp đại hội đồng cổ đông, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhà nước mới cổ phần hóa mà nhóm cổ đông cũ sợ mất ghế, mất quyền lợi nên không muốn có thêm những người mới vào tham gia điều hành công ty, dù công ty xập xệ lắm rồi…
Ở các mùa họp đại hội đồng cổ đông, chuyện thường thấy là cổ đông cứ bức xúc: vì sao tiền lương thu nhập lãnh đạo không tương xứng với kết quả kinh doanh, vì sao kết quả kinh doanh tệ hại, vì sao cổ tức không công bố, không trả… Rồi đại diện doanh nghiệp và cổ đông sa đà vào cãi nhau về việc thông báo tôi gửi anh hiệu lực tính từ ngày theo dấu bưu điện hay từ ngày ghi trên văn bản; hay không cho cổ đông vào họp vì văn bản của anh ủy quyền cho người đi tham dự cuộc họp không có dấu treo của tôi nên không cho anh vào… Đã có rất nhiều khiếu nại gửi về cơ quan quản lý về việc doanh nghiệp không tôn trọng cổ đông.
“Nhà đầu tư như đi trên bãi mìn”
Một vị lãnh đạo công ty kiểm toán nước ngoài cho biết, khi làm việc với nhiều doanh nghiệp ông nhận thấy lãnh đạo công ty có rất nhiều “bài vở” về quản trị công ty chuyên nghiệp, về kiến thức kinh doanh mới… nhưng không có người làm việc đó trong bộ máy và triển khai trong thực tiễn. Đó cũng là một phần của thực trạng văn hóa kinh doanh hiện nay. Nhiều doanh nhân nói vui với nhau, đó là văn hóa talk only, no action (chỉ nói, không làm).
Việc công bố thông tin của doanh nghiệp với thị trường và cổ đông được nêu ra hơn năm năm qua tại Việt Nam, bằng các quy định theo nguyên tắc về quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với các công ty niêm yết nhưng các doanh nghiệp hiện vẫn chỉ thực hiện cầm chừng ở mức theo yêu cầu tối thiểu của quy định chứ chưa xuất phát từ nhu cầu nội tại nhằm tạo giá trị cho chính mình. “Chỉ tính riêng nhóm công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán vốn có chất lượng tương đối cao so với 600.000 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động thì dường như minh bạch chưa phải nhu cầu tự thân lớn của họ”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Bà Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia tư vấn đánh giá quản trị công ty, nói rằng khảo sát của họ cho thấy tinh thần công bố thông tin và minh bạch của doanh nghiệp niêm yết phụ thuộc nhiều vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này có nghĩa rằng, tính tự nguyện công bố thông tin của doanh nghiệp còn thấp và đa số e ngại tiết lộ tình hình kinh doanh không thuận lợi của mình.
Tâm lý thủ thế “tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại” đó tác động trực tiếp đến cổ đông, khiến nhà đầu tư chứng khoán như đang đi trên bãi mìn. “Thị trường càng hoàn hảo, thông tin càng minh bạch thì càng triệt tiêu hiện tượng làm giá và “đoàn cá mập”. Tôi biết có trường hợp đoàn cá mập định chơi công ty nhưng chùn tay vì mức độ đại chúng của công ty đó quá cao và quản trị minh bạch”, Chủ tịch Hội đồng tư vấn quản trị công ty của HNX, bà Vũ Thị Kim Liên, nói.
Bà Hiền đặt vấn đề: khoảng cách hiện tại giữa mức độ minh bạch của doanh nghiệp so với yêu cầu của cơ quan quản lý, so với yêu cầu của nhà đầu tư còn rất lớn. Ban lãnh đạo công ty là người làm thuê, không dại gì họ công bố thông tin bất lợi khi họ làm giám đốc vì ngay lập tức nó tác động xấu đến giá cổ phiếu. Bên kia là cổ đông muốn biết sự thật nhưng bị động. Trong một số trường hợp doanh nghiệp có sự đồng lõa của kiểm toán. Các doanh nghiệp vẫn nói với nhau, thật thà thẳng thắn thì thua thiệt, liệu thể chế của mình có thay đổi được quan điểm đó hay không?
ĐỘ MINH BẠCH THÔNG TIN CỦA DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT TẠI HNX (khảo sát ở 346 doanh nghiệp) 1. 98,9% công ty chưa thành lập bộ phận quan hệ cổ đông. 2. Chỉ 31,3% công ty đăng tải thư mời và tài liệu trước 15 ngày họp đại hội đồng cổ đông 3. 76,7% trường hợp đề cử HĐQT và 74,6% trường hợp đề cử ban kiểm soát có tài liệu họp hoàn toàn không đề cập đến tên ứng viên, hoặc tài liệu họp không được công bố. 4. Chỉ có 8,5% công ty ghi nhận được bằng chứng về việc công ty kiểm toán có cử đại diện tham dự họp đại hội đồng cổ đông (để cổ đông có điều kiện giải tỏa các thắc mắc trong báo cáo tài chính của công ty). 5. 49,3% trường hợp các doanh nghiệp nêu rất sơ sài hoặc không hề đề cập đến các rủi ro hoạt động trong báo cáo thường niên. 6. Chỉ 31,6% công ty có liệt kê kinh nghiệm công tác của tất cả các thành viên HĐQT và chỉ có 25,1% công ty công bố thông tin kể trên của thành viên ban kiểm soát. 7. Đa phần các doanh nghiệp chưa tuân thủ trong việc công bố chức vụ mà các thành viên HĐQT hiện đang nắm giữ tại tổ chức khác, 74,4% các công ty không đề cập đầy đủ đến nội dung này. 8. Chỉ có 45,6% các công ty công bố rõ ràng và đủ tỷ lệ 1/3 số thành viên HĐQT là “không điều hành” hoặc ít nhất có một thành viên HĐQT độc lập. 9. Chỉ có 28,5% các công ty có ít nhất một thành viên HĐQT độc lập và công bố rõ danh tính của thành viên này. 10. Hơn 81,2% doanh nghiệp cung cấp tình hình thực hiện chỉ tiêu kế hoạch nhưng 64,4% các công ty không đưa ra lời giải thích cho sự chênh lệch giữa thực tế và kế hoạch, hoặc chỉ có một lời giải thích chung chung, sơ sài. 11. Chỉ 51,6% công ty công bố về tỷ lệ sở hữu và danh tính của cổ đông lớn. 12. Hơn 67,5% công ty không đính kèm toàn văn báo cáo tài chính kiểm toán trong báo cáo thường niên, hoặc đính kèm nhưng thiếu phần thuyết minh. 13. Gần 48% các mã chứng khoán tại HNX không công bố đầy đủ báo cáo tài chính của bốn quí trong năm 2013. 14. Chỉ có 4,3% công ty có công bố địa chỉ và danh tính người liên lạc để nhà đầu tư tìm đến mỗi khi có thắc mắc. 15. Chỉ có 3,4% doanh nghiệp có đăng tải báo cáo tài chính bằng tiếng Anh. 16. Chỉ có 0,3% doanh nghiệp công bố nghị quyết và biên bản cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên bằng tiếng Anh. (Nguồn: Báo cáo chương trình chấm điểm công bố thông tin và minh bạch năm 2014 của HNX) |
Nguồn: Saigontime – Tài chính, ngân hàng