Trong vài năm gần đây, thống kê theo ngành đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của nhóm sản phẩm ngành Công nghệ thông tin bao gồm hai nhóm sản phẩm chủ lực là: Điện tử, máy tính và linh kiện; Điện thoại và các loại linh kiện, đã nhanh chóng “vượt mặt” dệt may, leo lên vị trí dẫn đầu trong danh mục các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu năm 2013.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2013 đạt 132,13 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm trước đó tương ứng tăng 17,61 tỷ USD. Đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện với 21,24 tỷ USD, tiếp theo là hàng dệt may với trị giá 17,95 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với trị giá 10,6 tỷ USD. Nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD này chiếm 37,7% trị giá xuất khẩu của cả nước và đóng góp vào tăng xuất khẩu là 14,15 tỷ USD.
Điện tử, máy tính và linh kiện: Ngôi sao đang lên
Có thể thấy kể từ năm 2011, Điện tử, máy tính và linh kiện đã đạt được những kết quả khả quan cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Sản lượng năm 2012 cao gấp 4 lần năm 2008. Giá trị xuất khẩu cũng tăng hơn gấp 3 lần, đạt mức 7,8 tỷ USD năm 2012, và tăng lên tới hơn 10 tỷ USD năm 2013.
Hình 1: Sản lượng Sản xuất và Xuất khẩu hàng Điện tử, máy tính và linh kiện (Tỷ đô). Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ thông tin: Hội nhập toàn cầu và hi vọng tăng trưởng
Trong 5 năm qua kể từ sau khi gia nhập WTO, giá trị xuất khẩu của nhóm các sản phẩm công nghệ thông tin không ngừng tăng cao, đặc biệt ấn tượng về bước tiến của mặt hàng Điện thoại các loại và linh kiện – nhóm hàng này mới được đẩy mạnh xuất khẩu và chính thức được đưa vào danh mục các măt hàng xuất khẩu chủ yếu năm 2011, nhưng đã đạt tới 6,7 tỷ USD ngay trong năm đầu tiên, tiếp tục tăng trưởng mạnh năm 2012 và bứt phá trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước năm 2013. Bên cạnh đó, nhóm hàng Điện tử, máy tính và linh kiện vẫn duy trì vị trí thứ 2 chỉ sau dệt may trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu chính yếu hàng năm.
Bảng 1: Tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thông tin từ năm 2008-2013. Đơn vị: Triệu USD. Nguồn: Tổng cục thống kê.
Sản phẩm |
2008 |
2009 |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
Điện tử, máy tính và linh kiện |
2,638 |
2,763 |
3,590 |
4,670 |
7,838 |
10,601 |
Điện thoại các loại và linh kiện |
- |
- |
- |
6,886 |
12,717 |
21,244 |
Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước |
62,685 |
57,096 |
72,237 |
96,906 |
114,529 |
132,135 |
Giai đoạn 2008-2011, giá trị xuất khẩu hàng Điện tử, máy tính và linh kiện tăng dần đều từ các mức 2,6 tỷ USD đến 4,7 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng dưới 30% mỗi năm, và chiếm tỷ 4,2% – 4,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Năm 2012 đánh dấu bước tăng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này tới 67,9%, đóng góp 6,8% vào tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2012, và chiếm đến 8% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013 (tương ứng với giá trị xuất khẩu là 10,6 tỷ USD). Mặt hàng Điện thoại các loại và linh kiện xuất hiện muộn nhưng đã ngay lập tức có những đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu cả nước – chiếm 7% tổng kim ngạch năm 2011, tăng 11% năm 2012, và 16% năm 2013 – tương ứng với 21,2 tỷ USD.
Hình 2: Tăng trưởng xuất khẩu (năm 2011 = 100). Nguồn: Tổng cục thống kê |
Kể từ năm 2011 trở đi, Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tương đối từ 18% – 36%, thì nhóm sản phẩm ICT cùng với sự xuất hiện của mặt hàng Điện thoại và linh kiện ghi dấu ấn tăng trưởng mạnh mẽ, vượt xa mức tăng của Tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 168% đối với mặt hàng Điện tử, máy tính và linh kiện và 185% đối với hàng Điện thoại và linh kiện năm 2012, và lần lượt đạt các mốc 227% và 309% năm 2013.
Lượng tăng có đi kèm với chất tăng?
Sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm ngành ICT không chỉ thể hiện ở sản lượng dẫn đầu danh mục những mặt hàng xuất khẩu chính yếu, và tốc độ tăng trưởng cao hàng năm, mà còn được đánh giá cao về hệ số sinh lời ROA và ROE trung bình ngành – hệ số dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động ngành, theo thống kê từ nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất. Theo dữ liệu do Vietnam Report tổng hợp từ BXH Fast500 năm 2013, ICT là ngành có cả 2 hệ số ROA và ROE trung bình năm 2012 đều ở vị trí dẫn đầu, đồng nghĩa với mỗi đồng tài sản hay vốn chủ sở hữu của các DN ngành ICT sinh được nhiều lời hơn so với các ngành còn lại, giúp ICT ghi điểm “tiềm năng” trong mắt nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Hình 3: Top 5 ngành có ROA và ROE trung bình năm 2012 cao nhất của BXH Fast500. Nguồn: Vietnam Report |
Nhìn từ các chỉ số đánh giá trên, đây chính là giai đoạn cất cánh của ngành ICT ở Việt Nam với sản lượng và tốc độ tăng trưởng tăng cao liên tục, đồng thời cùng với những kế hoạch đẩy mạnh đầu tư và sản xuất của các công ty ICT lớn hiện nay như Samsung, Intel, Canon …., sự phát triển mạnh mẽ của ngành này trong tương lai hoàn toàn có thể nhìn thấy được.
Và sự quan ngại?
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2013, xuất khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 17,7 tỷ USD, tăng 16,5% so với 1 năm trước đó. Nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện năm 2013 đạt 8,05 tỷ USD, tăng 59,6% so với năm 2012. Điều này đưa ra câu hỏi về tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành này, đặc biệt là sản phẩm điện thoại. Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu điện thoại và linh kiện tương đương tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chỉ ra rằng sự mở rộng của ngành này trong thời gian vừa qua là mở rộng về lượng mà chưa có sự biến đổi về chất. Trên thực tế là Samsung là nhà xuất khẩu điện thoại của Việt Nam, nhưng doanh nghiệp này cũng nhập khẩu phần lớn đầu vào sản xuất từ nước ngoài.
Do đó, bên cạnh những con số tăng trưởng ấn tượng, vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra về hiệu quả thực sự của ngành ICT đối với nền kinh tế hiện nay, khi mà phần lớn những đóng góp cho ngành này đều đến từ các doanh nghiệp FDI, tiêu biểu như tập đoàn Samsung của Hàn Quốc. Với thực trạng các doanh nghiệp này sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nhiều, nhưng sản lượng nhập khẩu nguyên vật liệu cũng rất cao, và chủ yếu tận dụng nguồn nhân công giá rẻ trong nước cho khâu lắp ráp, thì giá trị gia tăng của các sản phẩm ICT được sản xuất tại Việt Nam rõ ràng là không cao. Bên cạnh đó, mức đóng thuế của khối này cũng không nhiều do những ưu đãi về thuế đang được hưởng.
Có thể thấy, với nhiều doanh nghiệp ICT của Việt Nam hiện nay, việc đầu tư để phát triển “phần cứng” vẫn còn là mảng tiềm năng chưa được khai thác hết, trong khi nhân lực ngành luôn sẵn sàng để đáp ứng. Làm cách nào để điện thoại FPT hay Viettel được yêu thích tại Việt Nam hơn so với Iphone, Samsung, Nokia… có lẽ không chỉ là bài toán cho những lãnh đạo các doanh nghiệp này mà còn là kỳ vọng của giới marketer Việt hiện nay nói chung, để sản phẩm mang thương hiệu Việt ngày càng vươn xa trên thị trường quốc tế.
Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, sẽ được tổ chức sáng ngày 04/4/2014 tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Đây là lần thứ tư liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 được công bố nhằm nghi nhận những nỗ lực và tôn vinh những doanh nghiệp năng động và tăng trưởng nhanh nhất – Những ngôi sao đang lên của nền kinh tế Việt Nam. Sau đó một ngày (05/4) cũng trong khuôn khổ sự kiện công bố Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, tại KS. Fortuna, Ban tổ chức FAST500 sẽ tổ chức Hội nghị: Truyền thông hiện đại: Bài học từ truyền thông các sản phẩm giải trí bom tấn. do Giáo sư Anita Elberse đến từ Trường kinh doanh Harvard làm diễn giả. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: www.fast500.vn |