"Sao đổi ngôi" trong Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023

05/06/2023

Chuyên mục:

Bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả (VIX50) năm 2023 do Vietnam Report công bố cuối tháng 5/2023 có nhiều xáo trộn so với năm 2022, trong đó ghi nhận vị trí số 1 đổi chủ, nhiều doanh nghiệp thăng tiến lớn trên bảng xếp hạng, những tân binh lần đầu lọt top và cả những ông lớn bị đẩy khỏi top 10.

Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023 đón nhận 3 thành viên mới - đều là những sự bất ngờ lớn: Đạm Phú Mỹ, FPT và HDBank; mỗi thành viên đều ở các lĩnh vực khác nhau. Vietcombank cũng có bước nhảy đột phá từ vị trí số 6 lên thẳng số 1.

Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả, tháng 5/2023

 

Những biến động chính

Nếu như năm 2022, đứng đầu Top 10 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả là những cái tên đình đám như Công ty Cổ phần Vinhomes, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty CP Tập đoàn Masan, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động... thì danh sách này năm 2023 đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc với thế thượng phong của ngành ngân hàng. Công ty Cổ phần Vinhomes đứng đầu danh sách năm 2022 đã bị đẩy xuống gần cuối bảng để nhường chỗ cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Trên thị trường cổ phiếu, VCB là một trong những cổ phiếu nhóm ngân hàng được nhiều nhà đầu tư chọn là nơi “tránh sóng” khi thị trường chứng khoán giảm mạnh. Vietcombank cũng dẫn đầu TOP những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Về tình hình kinh doanh, năm 2022 Vietcombank đạt 37.368 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 36% so với năm 2021. EPS tăng mạnh từ 4.162 đồng năm 2021 lên 5.821 đồng năm 2022. Vietcombank cũng ghi dấu ấn khi luôn duy trì tỷ lệ nợ xấu thấp với 0,68% năm 2022 - thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung toàn ngành. Chỉ tiêu NIM đạt 3,39%. ROAE đạt 24,44% và chỉ tiêu ROAA đạt 1,85% - đều cao hơn cùng kỳ năm 2021.

 

 

Đặc biệt, loạt doanh nghiệp đình đám như Hòa Phát, Masan, Thế giới Di động đã phải rời khỏi top 10 dù năm ngoái là những cái tên dẫn đầu để nhường chỗ cho Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP; Công ty Cổ phần FPT và một loạt cái tên ngân hàng như: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP Quân Đội; Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam; Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM; Ngân hàng TMCP Á Châu. Đa số các ngân hàng này vẫn trụ vững và được vinh danh qua mấy năm biến động vì dịch Covid-19.

Năm 2022 được xem là năm có rất nhiều dấu ấn với các doanh nghiệp ngành phân bón, hóa chất khi giá tăng mạnh. Phần lớn các doanh nghiệp ngành phân bón đều có lợi nhuận gia tăng. Tổng CTCP Phân bón và hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ - mã chứng khoán DPM) là một trong những ông lớn trong ngành. Về kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2022 tăng trưởng gần 46% lên trên 18.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức tăng trưởng đến 76,7%, lên trên 5.600 tỷ đồng. Năm 2022 cũng là năm Đạm Phú Mỹ đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, truyền thông, tổng tiền chi cho quảng cáo, an sinh xã hội, truyền thông lên đến 318 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ.

Năm 2022, HDBank cũng ghi nhiều dấu ấn. Về hiệu quả kinh doanh, năm 2022 HDBank đạt 10.268 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 27,2% so với cùng kỳ, ghi danh vào câu lạc bộ chục nghìn tỷ đồng lợi nhuận của năm. Tổng tài sản cũng gia tăng nhanh chóng, vượt 416.200 tỷ đồng. Chỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2022 đạt 23,5%; và lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) đạt 2,1% đều cao hơn cùng kỳ năm trước – chỉ số hiệu quả thuộc Top đầu hệ thống các NHTM Việt Nam. Ngay từ đầu năm ngoái, HDBank liên tục được nhắc tới khi triển khai gói vay 10.000 tỷ đồng, giúp công nhân tại 8 tỉnh thành tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm góp phần đẩy lùi tín dụng đen, hỗ trợ nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất và phát triển. 

Trong nhóm ngành kỹ thuật số, công nghệ, bán lẻ kỹ thuật số, FPT là đại diện duy nhất lọt Top 10. Năm 2022, FPT đạt mức kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận, trong đó doanh thu tăg trưởng 23,4%, vượt 44.000 tỷ đồng - vượt đỉnh đạt được năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 6.500 tỷ đồng, cũng đạt mức tăng trưởng 21% so với cùng kỳ. FPT cũng là doanh nghiệp thực hiện chia cổ tức đều đặn hàng năm cho cổ đông. Năm 2022 cổ đông FPT nhận cổ tức tổng tỷ lệ 35%, trong đó có 2 đợt bằng tiền mặt, tổng tỷ lệ 20% đều bằng tiền. Ngoài ra còn đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%. Trên thị trường FPT là cổ phiếu có thanh khoản ổn định, cũng là lựa chọn để nhà đầu tư “tránh bão” mỗi dịp thị trường biến động mạnh. Hiện tại FPT đang giao dịch ở vùng giá 83.100 đồng/cổ phiếu, vốn hóa doanh nghiệp đạt xấp xỉ 91.800 tỷ đồng.

 

Những yếu tố làm nên giá trị

Trạng thái liên tục biến động của nền kinh tế và TTCK, đặc biệt, khi niềm tin thị trường ở mức thấp sau những sự kiện trong thời gian gần đây, uy tín và hiệu quả đóng vai trò cốt lõi đối với thành công của các doanh nghiệp đại chúng vì nó quyết định đến niềm tin của nhà đầu tư, cải thiện khả năng tiếp cận vốn, tác động đến định giá thị trường, mang lại lợi thế cạnh tranh và củng cố mối quan hệ với các bên liên quan.

Theo khảo sát của Vietjnam Report, thanh khoản và định giá doanh nghiệp đều góp mặt trong top 7 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng năm nay căn cứ theo điểm bình chọn trên thang điểm 5 của các chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng. Đáng chú ý, chính sách cổ tức đã vươn lên từ vị trí thứ 8 năm ngoái trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn thứ 6 trong năm 2023 (tăng từ 3,77 điểm lên 4,14 điểm). Đây là yếu tố gắn liền với quản trị doanh nghiệp. Tính nhất quán trong việc chi trả cổ tức và tỷ lệ tăng trưởng cổ tức có thể giúp các nhà đầu tư đánh giá hiệu quả tài chính và sự ổn định của một doanh nghiệp theo thời gian.

Những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp đại chúng trên thang điểm 5

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2022 và tháng 4-5/2023

Ngoài ra, các yếu tố liên quan đến công tác truyền thông được ghi nhận có tác động mạnh đến mức độ uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp. Trong giai đoạn vừa qua, sau các sai phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản đóng băng, làn sóng tin đồn thất thiệt... chỉ có 67,4% doanh nghiệp đạt ngưỡng “an toàn” truyền thông trong khi năm 2022 và 2021 lần lượt đạt 87,8% và 91,5%. Tỷ lệ doanh nghiệp đạt ngưỡng “tốt nhất” thậm chí còn co hẹp lại đáng kể so với 2 năm trước đó, chỉ đạt 54,7% so với mức 79,3% và 82,9%.

Trong bối cảnh đó, nhìn về tổng thể, nghiên cứu của Vietnam Report vẫn chỉ ra được top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất bao gồm: Ngân hàng, Sản xuất thực phẩm, Sản xuất và Phân phối Điện, Sản xuất Dầu khí, Du lịch và Giải trí, Dược phẩm, Xây dựng và Vật liệu.

Top 6 ngành tiềm năng có nhiều cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất trong năm 2023

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2022 và tháng 4-5/2023

Tuy nhiên, đa số các chuyên gia và doanh nghiệp khi được hỏi đều cho rằng kịch bản về một sự đột phá của bất kỳ nhóm ngành nào trên toàn thị trường sẽ khó xảy ra. Top 6 kể trên là những ngành được đánh giá ổn định và có cơ hội có nhiều cổ phiếu khởi sắc hơn so với mặt bằng chung chưa tích cực của các ngành còn lại trong bối cảnh quý I/2023, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp đại chúng giảm 26,3% so với cùng kỳ.

Hiện tại, phần lớn đều kỳ vọng nhiều vào loạt chính sách hỗ trợ từ các bộ, ban ngành, từ các chính sách tài chính cho đến tiền tệ dần thẩm thấu và phát huy hiệu quả để tốc độ tăng trưởng có thể tăng lên từ những quý sau của năm.

Top 5 giải pháp trọng tâm hỗ trợ TTCK của Chính phủ

Nguồn: Vietnam Report, Tổng hợp Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng, tháng 5/2022 và tháng 4-5/2023

Đặc biệt, có 92,3% số chuyên gia và doanh nghiệp thống nhất đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về TTCK. Một khung pháp lý mạnh mẽ giúp duy trì sự ổn định của thị trường bằng cách giảm thiểu khả năng xảy ra sự cố thị trường và giảm thiểu tác động của chúng. Các quy định có thể bao gồm các cơ chế giám sát và điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tài chính, chẳng hạn như ngân hàng và các công ty đầu tư, để ngăn chặn việc chấp nhận rủi ro quá mức và đảm bảo sự ổn định tổng thể của hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, khung pháp lý vững mạnh sẽ nâng cao sức hấp dẫn của TTCK Việt Nam đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Một môi trường minh bạch, được quản lý sẽ khuyến khích dòng vốn chảy vào, hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp và tạo điều kiện tiếp cận các cơ hội đầu tư toàn cầu.

Vietnam Report