TPP: Thảm đỏ và dây thép gai!

20/07/2016

Chuyên mục:

Quốc hội Việt Nam khóa 14 đang chuẩn bị phê duyệt Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những lợi ích khi gia nhập TPP đã thấy rõ, tuy nhiên, chính sách “trải thảm đỏ” khi gia nhập sân chơi này không nên áp dụng cho mọi đối tượng.

Khi các hàng rào thuế quan giữa các nước bị loại bỏ, trao đổi hàng hóa và dịch vụ được tăng cường, đi kèm với những quy định được thống nhất về lao động, sở hữu trí tuệ, sẽ thúc đẩy gia tăng dòng chảy vốn TPP giữa các nước, đặc biệt từ các nước đã phát triển như Mỹ sang các nước kém phát triển hơn, do vậy TPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp xuyên biên giới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhóm 12 thành viên.

Xét lợi ích tiềm tàng, truyền thông trong nước và quốc tế thời gian qua đang nhấn mạnh, Việt Nam là nước có lợi nhất trong số các nước tham gia Hiệp định TPP.

Không ai không thừa nhận việc hội nhập thị trường, kinh tế toàn cầu hóa của Việt Nam trong mối bang giao địa chính trị hiện tại tất yếu phải dẫn đến bước đi gia nhập TPP.

Bài viết này sẽ không bàn về lợi ích đem lại từ việc gia nhập TPP. Thay vào đó, đi thẳng vào bàn luận sự cần thiết điều chỉnh lại tầm nhìn quốc gia để có được chính sách phù hợp cho sự phát triển doanh nghiệp cân đối với phát triển sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh của đất nước. 

Cụ thể, bài viết đặt mục tiêu làm rõ, chính sách “trải thảm đỏ” khi gia nhập sân chơi TPP không phải là áp dụng cho mọi đối tượng, ngay từ tiến trình thương thảo TPP, cần tạo lập hành lang pháp lý đủ mạnh để “cảnh giác chủ động kiểm soát” , thậm chí “đào hào, rào dây thép gai” với một số doanh nghiệp được phân loại “phi nhân bản”.

Doanh nghiệp và sự hấp dẫn đầu tư

Bản chất của doanh nghiệp là tạo và duy trì hoạt động kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Khởi nghiệp được bắt đầu bằng khả năng phân tích thị trường “cung - cầu”.  Với doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh được thiết lập dựa trên nguyên tắc tối thượng, quyết định “tồn tại hay không tồn tại” của chính họ trên thị trường, là ở khả năng tạo ra lợi nhuận kinh tế cụ thể được đong đếm bằng đơn vị tiền tệ.  

Hay nói cách khác, ở đâu có thể cho lợi nhuận, ở đó có doanh nghiệp tới! Đâu có lợi nhuận nhiều hơn, ở đó doanh nghiệp sẵn sàng “ưu tiên đầu tư” hơn! Vì lợi nhuận, doanh nghiệp sẵn sàng làm bất cứ điều gì dưới cái tên mĩ miều “đầu tư”, miễn là luật pháp hiện tại cho phép. Câu nói “thương trường là chiến trường” không chỉ dừng ở mức độ khốc liệt của sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp với nhau, mà cần được hiểu cả ở nghĩa “sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu có được lợi nhuận cho bản thân” của doanh nghiệp!

Câu chuyện “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư của mỗi nước, về bản chất, nhìn từ phía chính phủ, là thể hiện rõ các điều kiện sao cho tăng khả năng “hấp dẫn” nhà đầu tư, nghĩa là đưa lại cơ hội thực tế cho nhà đầu tư có được hạch toán “đầu vào ít hơn cho một đơn vị sản phẩm làm ra” cùng khả năng duy trì thị trường tiêu thụ sản phấm cho nhà đầu tư.

Với các nước đã phát triển, sự cạnh tranh mời gọi đầu tư nước ngoài thể hiện bằng sức mua, thế mạnh có được từ các trường đại học và viện nghiên cứu cung cấp nhân lực chất lượng cao nhằm tận dụng thành tựu khoa học sớm nhất giúp tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hoặc tạo những sản phẩm mới hấp dẫn hơn. 

Với các nước kém phát triển hơn, như Việt Nam, nơi cạnh tranh bằng “sức mua” có giới hạn và “môi trường nhân lực khoa học công nghệ cao” gần như không được đặt ra, thì sự hấp dẫn thường được đẩy lên bằng sự “nhường nhịn” của Chính phủ trong chính sách thuế, hoặc “hy sinh” lợi ích cộng đồng hoặc “xem nhẹ đi” vấn đề đảm bảo an toàn môi sinh… 

Chẳng hạn cho phép “sử dụng công nghệ cũ”, “hạ thấp tiêu chuẩn an toàn môi sinh”, “nhân công giá rẻ”, “chi phí an sinh xã hội thấp”, hoặc đảm bảo “an ninh kinh doanh” như nhà nước can thiệp để “không có đình công”, để “ kiểm soát hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự”,  hoặc “dễ dãi của truyền thông  nhà nước trong vấn đề quảng cáo”,  hoặc “không nhất thiết tuân thủ công ước quốc tế” như trong câu chuyện thuốc lá, amiang, nhà máy nhiệt điện chạy than..

Câu chuyện “trải thảm đỏ” của nước mời gọi đầu tư, nhìn từ phía doanh nghiệp, là xét khung pháp lý hiện tại của nước đó có cho phép doanh nghiệp hành động để thu được “lợi nhuận” nhiều hơn hay không. Với những doanh nghiệp lớn, đặc biệt với doanh nghiệp “xuyên quốc gia”,  họ còn đi xa hơn, là đánh giá khả năng “có thể “lobby chính sách” đến đâu để rồi bắt tay vào “đầu tư, đấu thầu chính sách” tạo khung pháp lý thuận lợi cho sự đầu tư của họ!

Như vậy, trải thảm đỏ “hấp dẫn” đầu tư nước ngoài, với các nước đang phát triển như Việt Nam, là đồng nghĩa với sự nhường nhịn nhiều hơn, thậm chí hy sinh nhiều hơn,  một phần lợi ích lẽ ra phải có của các bên còn lại trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó có thể là đơn thuần hy sinh lợi ích đến từ phía người dân, hoặc của tổ chức xã hội dân sự, hoặc của nhà đầu tư trong nước, hoặc của sự hy sinh chính sách thuế, nguồn thu của chính phủ và thậm chí cả uy tín một mức độ nào đó của chính phủ trong việc thực thi các công ước quốc tế.. 

Thực tế không thiếu sự “hi sinh” dành những khu đất đẹp cho nhà đầu tư nước ngoài thay vì cho doanh nghiệp trong nước , hoặc sự “tạo điều kiện” về yếu tố môi trường! Câu chuyện Formosa Hà tĩnh là một minh chứng! 

Vấn đề là chúng ta có thực sự cần thiết phải nhường nhịn, thậm chí hy sinh lợi ích của mình không, và nhà đầu tư đó có đáng được hưởng sự hy sinh đó không.

Trả lời câu hỏi này, chúng ta cần làm rõ có hai loại doanh nghiệp khác nhau. 

Doanh nghiệp nhân bản và doanh nghiệp phi nhân bản 

Dựa vào loại hình đầu tư, từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh, có thể phân loại thành hai dạng doanh nghiệp cơ bản: Doanh nghiệp nhân bản và phi nhân bản.

Nhân bản, ý muốn nói có hay không tôn trọng đạo đức và văn hóa truyền thống, tôn trọng quyền con người và sức khỏe cộng đồng,  nói rộng ra, sức khỏe của môi trường sinh thái, thể hiện bằng sự an toàn môi sinh trong quá trình đầu tư và thương mại sản phẩm.

Một doanh nghiệp kinh doanh đưa lại “lợi nhuận” trên cơ sở làm tha hóa nhân tính xã hội,  tàn phá sức khỏe người sử dụng sản phẩm, hoặc làm tổn hại sâu sắc môi sinh từ sản phẩm hoặc chất thải bỏ liên quan, thì đấy là “không nhân bản” hay “doanh nghiệp phi nhân bản”. Ví dụ cho loại hình này, như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc sản xuất các mặt hàng liên quan tới amiang, thuốc lá, rượu bia, hoặc doanh nghiệp phát triển năng lượng nhiệt điện than, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hóa chất trừ sâu, hoặc doanh nghiệp bán hàng đa cấp lợi nhuận đưa lại từ sự tàn phá vốn xã hội của những người tham gia…

Còn các doanh nghiệp mà sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, tôn trọng quyền con người, tuân thủ các công ước quốc tế về sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh, làm phong phú thêm tri thức con người, thúc đẩy lòng nhân ái… đấy là doanh nghiệp nhân bản.

Không chỉ thế, sự khác nhau của hai loại hình doanh nghiệp này còn ở cả cái tâm họ đặt vào chính quyền và nhân dân nơi họ đầu tư. Với doanh nghiệp nhân bản, họ luôn mong muốn một chính sách không chỉ hấp dẫn bằng lợi ích thể hiện trong “thảm đỏ” dành cho nhà đầu tư, mà họ cần cái khác hơn, rộng lớn và thiết thực hơn, là một chính phủ minh bạch, hệ thống công quyền hiệu quả, luật pháp và các chính sách liên quan tới đầu tư rõ ràng, tôn trọng và tuân thủ các công ước và luật pháp quốc tế. 

Họ dị ứng với tình trạng tham nhũng là đầu mối của tình trạng cạnh tranh không bình đẳng và những nguy cơ không lường trước cho sự bất ổn của thị trường. Với họ, cạnh tranh vượt lên không phải chỉ chăm chăm vào tiêu chí giá cả, mà phải là chất lượng sản phẩm và chất lượng cuộc sống mà doanh nghiệp đóng góp tạo ra. 

Có thể ví dụ về doanh nghiệp nhân bản ở Việt Nam trong thời gian qua, như các doanh nghiệp phát triển thực phẩm hữu cơ, doanh nghiệp phát triển công nghệ cao như Intel, Samsung, doanh nghiệp đào tạo nghề điều dưỡng của Nhật Bản…

Trong khi đó, doanh nghiệp phi nhân bản thường tìm đến nơi tồn tại một chính quyền tham nhũng, thậm chí họ mong đợi, tạo điều kiện, hoặc trực tiếp can thiệp duy trì và thúc đẩy tình trạng càng tham nhũng càng tốt để dễ cho sự can thiệp của họ vào chính sách nhằm tối đa hóa lợi nhuận của họ. Về khía cạnh này, có thể lấy ngành công nghiệp thuốc lá làm ví dụ điển hình. 

Công ước kiểm soát thuốc là của tổ chức Y tế thế giới WHO-FCTC, đã có hẳn một điều khoản 5.3, ở đó nêu rõ, các chính phủ phải thiết lập hành lang pháp lý để tránh tới mức tối đa quan hệ của chính phủ với ngành công nghiệp thuốc lá. Bởi quan hệ đó, gần như chắc chắn là chỉ dấu của sự tham nhũng. Càng quan hệ mật thiết với ngành công nghiệp thuốc lá bao nhiêu, càng thể hiện mức độ tham nhũng nặng nề của chính phủ bấy nhiêu. 

Hay là một ví dụ khác về doanh nghiệp phi nhân bản, đó là doanh nghiệp “có tiền án đen” về môi trường Formosa Đài Loan

Tham gia TPP: Thảm đỏ với doanh nghiệp nhân bản, và đào hào, chăng dây thép gai với phi nhân bản!

Đã có nhiều bài học cho Việt Nam từ việc trải thảm đỏ cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian qua! Có thể nói một cách khái quát, tình trạng tham nhũng, vấn đề hủy hoại môi trường của Việt Nam, tình trạng gia tăng chi phí y tế liên tục trong nhiều năm qua,  một phần có căn nguyên đến từ sự mở cửa cho các doanh nghiệp phi nhân bản vào Việt Nam và sự dung túng, thậm chí tiếp tay của một bộ phận quan chức trong hệ thống công quyền với các doanh nghiệp phi nhân bản cả trong nước và quốc tế.

Gia nhập TPP, mong đợi đầu tiên của người viết bài này, là Chính phủ cần sử dụng cách đề cập “doanh nghiệp nhân bản và phi nhân bản” để điều chỉnh nội dung thương thảo TPP.

Trong đó, những việc sau cần làm ngay: 

Một là, soạn ra danh sách các doanh nghiệp phi nhân bản, trên cơ sở thực hiện đúng các công ước quốc tế. Ví dụ, thực thi các công ước Basel, Rotterdam, Stockholm, sẽ chỉ ra các doanh nghiệp phi nhân bản liên quan đến sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, và xử lý các loại hóa chất độc hại với sức khỏe cộng đồng và môi sinh, như các doanh nghiệp amiang, hóa chất trừ sâu paraquat, doanh nghiệp phá dỡ tàu biển cũ, các doanh nghiệp vận chuyển rác thải điện tử xuyên biên giới… 

Hoặc các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá với công ước kiểm soát thuốc lá của tổ chức Y tế thế giới WHO-FCTC; hoặc các doanh nghiệp năng lượng nhiệt điện với thỏa ước khí hậu Paris (2016) về bảo vệ môi trường và chống lại các biến đổi khí hậu do các nhà máy nhiệt điện than gây ra. …

Hai là. với khả năng cao nhất, chuẩn bị nội dung của TPP với những lưu ý đảm bảo không để nguồn lực đất nước tiêu phí cho giải quyết hậu quả đầu tư của các doanh nghiệp phi nhân bản, đảm bảo TPP không mâu thuẫn với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Chẳng hạn, đảm bảo nội dung TPP không mâu thuẫn với công ước kiểm soát thuốc lá FCTC-WHO, tức không cho phép sự tham gia của đại diện ngành công nghiệp thuốc lá vào bất cứ tiến trình ra chính sách nào nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi sinh; hoặc không áp dụng nguyên tắc đền bù thiệt hại với các doanh nghiệp amiang khi Chính phủ triển khai cấm sử dụng amiang vào năm 2020, hoặc hủy bỏ hay đóng cửa các nhà máy nhiệt điệt chạy than, hoặc với các doanh nghiệp thuốc lá khi Chính phủ thực thi các cam kết của mình theo FCTC…

Ba là đảm bảo nội dung TPP có điều khoản hàm chứa yêu cầu có sự tham gia bắt buộc của các tổ chức khoa học độc lập, tổ chức phi chính phủ, vào tiến trình giám sát đánh giá các dự án đầu tư ngay từ khi thẩm định hồ sơ cấp giấy phép đầu tư.

Và cuối cùng là, các chính sách ưu đãi từ Hiệp định TPP và điều khoản về giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và chính phủ sở tại (Investor-State Disupte Statement, ISDS) hướng đến ưu tiên cho nhà đầu tư không thể áp dụng chung cho cả doanh nghiệp nhân bản và phi nhân bản. 

TS. Trần Tuấn

 Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam 

Vietnam Report