TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 33,5 tỷ USD

17/06/2016

Chuyên mục:

Sáng 16-6, tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khai mạc Hội nghị “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và tác động đối với Việt Nam”

Hội nghị đã cung cấp thông tin một cách toàn diện về toàn bộ nội dung của Hiệp định TPP; phân tích các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định TPP trên một số lĩnh vực cụ thể, khoảng cách pháp lý và phương án sửa đổi pháp luật để phù hợp với các quy định của TPP; đánh giá về sự chuẩn bị của doanh nghiệp nhằm thực hiện Hiệp định TPP…

 Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là một hội nghị có ý nghĩa quan trọng, đúng thời điểm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ quốc hội (khóa XIII và XIV). Hội nghị đánh dấu cột mốc quan trọng, gia nhập sâu rộng giữa Việt Nam với nền kinh tế toàn cầu. Tham gia TPP đòi hỏi Việt Nam tái cơ cấu kinh tế, hạn chế thấp nhất những rủi ro, khó khăn trong quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần đẩy mạnh, hoàn thiện hơn nữa về các chính sách, khung pháp lý…

Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia có chung nhận định: Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. Việc thực thi Hiệp định này có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 33,5 tỷ USD và xuất khẩu tăng 68 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, để tận dụng được những thời cơ do TPP đem lại, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, cùng với phê chuẩn Hiệp định, Việt nam cần phải sớm sửa đổi pháp luật hoàn thiện thể chế, nhằm đáp ứng và thực hiện được đầy đủ các cam kết mà TPP quy định.

Đối với Việt Nam, qua tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025.

Theo nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. 

Cụ thể, các nhà sản xuất Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn (34%); nhập khẩu hàng tiêu dùng và sản xuất nhiều hơn; thu hút nhiều đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (do nhà đầu tư lạc quan); các chuỗi cung ứng quốc tế liên kết mạnh hơn; tăng năng suất từ cạnh tranh…

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với các thách thức khi kết nối vào chuỗi cung ứng tàn cầu. Chẳng hạn, phải đảm bảo trở thành nhà cung ứng đạt chuẩn cho các công ty Mỹ và toàn cầu; đạt thử nghiệm và chứng nhận gồm chất lượng và an toàn; lao động và môi trường; tính bền vững… 

Nguyễn Thủy

Tổng hợp

 

 

Vietnam Report