Cựu Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho biết, các think tank Việt Nam ngày càng có vai trò hơn nhưng đôi khi chỉ được nhìn nhận như những bông hoa trang trí đẹp đẽ, thay vì được sử dụng đúng chức năng, vai trò của mình.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có cuộc trao đổi với Trí Thức Trẻ về chủ đề "think tank". Hàng chục năm làm làm phân tích kinh tế và tư vấn chính sách, ông cho rằng bản thân là người may mắn khi có cơ hội tiếp cận, trao đổi, hợp tác với nhiều viện, tổ chức và các nhà nghiên cứu kinh tế trong và ngoài nước, nhất là trong ASEAN, Đông Á và cả ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Là tổ chức nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách cũng như hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của các nhà hoạch định, think tank luôn giữ một vai trò quan trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuỳ thuộc vào từng đơn vị mà think tank có tính chất, mô típ tiếp cận khác biệt nhưng tôi cho rằng, tựu chung, vẫn có nhiều đặc điểm giao nhau.
Một trong những đặc điểm rất quan trọng của các think tank là phải bám được với những vấn đề hiện hành được thế giới quan tâm. Tức, tối thiểu phải biết, hiểu được người ta đang nghĩ gì, làm gì và cao hơn, là cùng tham gia bàn thảo, đóng góp
Thế giới hiện nay đang thay đổi một cách rất nhanh chóng, một vấn đề được đưa ra lại nằm trong sự tương tác nhiều chiều của kinh tế, văn hoá, xã hội đòi hỏi những người làm nghiên cứu phải có sự nhạy bén nhất định cũng như một phông kiến thức chắc chắn, có sự kết nối đa chiều và liên tục được cập nhật.
Tư duy toàn cầu – Hành động địa phương (Think global, act local), theo tôi, là một trong những cách tiếp cận hiệu quả và phù hợp về tính chiến lược. Nghĩa là những người làm think tank đặt mình trong một bức tranh lớn của thế giới nhưng cũng không tách biệt khỏi bối cảnh, điều kiện cụ thể của từng môi trường để phục vụ tốt cho công việc nghiên cứu, tư vấn chính sách của mình.
Điểm đặc biệt của các think tank khu vực Đông Á là tính định hướng chính sách rất cao, góp phần hay phục vụ trực tiếp cho quá trình hoạch định, thực thi chính sách của quốc gia. Do vậy, ít nhiều các đơn vị này thường có mối liên hệ gần gũi với giới hoạch định chính sách, các nhà cầm quyền.
Tính thiết thực của các nghiên cứu và đề xuất chính sách được nâng cao, gắn chặt hơn với tiến trình phát triển kinh tế năng động và điều hành của chính phủ, các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, "mặt trái" là cách tiếp cận này lại có thể hạn chế những nghiên cứu khoa học có tính nền tảng chuyên sâu và thiếu kích thích các tài năng muốn dấn thân vào những đỉnh cao kinh tế học.
Quay trở lại Việt Nam, do nhu cầu tự thân của một đất nước đang chuyển đổi, hội nhập sâu sắc, muốn vươn lên, vai trò của những tổ chức nghiên cứu kinh tế đang dần được chú trọng hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam, trong nhiều giai đoạn, Tổ tư vấn của Chính phủ, Thủ tướng được thành lập. Bên cạnh đó còn xuất hiện nhiều hình thức think tank khác nhau.
Những thông điệp, kết quả nghiên cứu của các think tank Việt Nam cũng bắt đầu được nhìn nhận và đóng vai trò mạnh mẽ trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng, cải cách kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, ở một chừng mực nhất định, trong những năm lại đây, một số think tank Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá tích cực. Báo cáo xếp hạng think tank toàn cầu của Chương trình think tank và xã hội dân sự do Đại học Pennysylvania, Hoa Kỳ, trong năm 2017 đã ghi nhận 7 tổ chức nghiên cứu của Việt Nam.
Những cái tên được kể đến như Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV); Viện Kinh tế Việt Nam (VIE); Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Kinh tế và Chính trị thế Giới (IWEP)… Trong khi đó, gần 10 năm trước, Việt Nam không hề có một think tank nào được đề cử trong danh sách này.
Đấy là những điểm tích cực. Song, ở chiều ngược lại, tôi cũng nhận thấy còn rất nhiều mặt hạn chế.
Trước hết, tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần nhìn nhận đúng think tank và "chơi thật" với nó. Mặc dù điều này đã được cải thiện có ý nghĩa trong nhiều năm trở lại đây nhưng cộng đồng những người làm khoa học đôi khi vẫn cảm giác mình chỉ là "bông hoa" chỉ để nhằm tô đẹp trong cho quá trình tham vấn và hoạch định chính sách.
Với kinh tế học hay bất kỳ lĩnh vực khoa học nào, sự trung thực, thẳng thắn bao giờ cũng là đòi hỏi lớn nhất. Một cuộc chơi "chưa thật" khiến những người nghiên cứu khoa học ít nhiều cảm thấy mình chưa được tôn trọng thực sự.
hứ hai, ở Việt Nam, trong một số trường hợp, người "đặt đầu bài" cho các nghiên cứu vẫn chưa trúng, chưa đúng, thậm chí không chuẩn về học thuật… trong khi cách ứng xử lại bị ảnh hưởng bởi thứ bậc hành chính. Điều này có thể dẫn đến tình huống "khôi hài": Đầu bài giao việc thật không ổn, nhưng rồi cứ thế mà "nghiên cứu, trình bày".
Thứ ba, phần lớn tổ chức nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam, như được nêu ở trên, là viện công, còn mang hình hài hành chính nhà nước. Trong quá trình dài, tôi từng ước cách thức tổ chức được thay đổi, gắn nhiều hơn với cá nhân những con người đi đầu trong từng lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo. Đấy mới là chất chính, chứ không phải kiểu ban bệ hành chính như ta vẫn đang thấy. Cùng với đó, phải là một thống động lực tương hợp với sáng tạo, tromg khoa học và trong đóng góp chính sách.
Thứ tư, một vấn đề nữa là nhiều khi do phải quá chạy theo nhu cầu chính sách trước mắt, dù điều này là cần thiết, nên chất khoa học, những nghiên cứu với bằng chứng xác thực vẫn còn thiếu khá nhiều. Đôi khi, nghiên cứu khoa học lại trở thành bình phong cho những kiến nghị chính sách "đã rồi". Điều này không chỉ làm giảm hiệu qủa chính sách đề xuất, mà về mặt dài hạn, còn làm giảm nỗ lực tạo dựng nền tảng tri thức và sự nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học của think tank.
Với những điểm cộng và trừ được chỉ ra, thiết nghĩ, khi có được cải cách và nỗ lực từ bên trong của think tank nhà nước và sự phát triển của think tank tư nhân, cùng với sự thẳng thắn, "chơi thật" hơn nữa của các nhà hoạch định, các think tank Việt Nam sẽ làm tốt nhất có thể cho quá trình cải cách và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Theo Cafef
Vietnam Report