Tận dụng nền kinh tế dữ liệu: Các nhà lãnh đạo cần lưu ý những gì?

20/07/2023

Chuyên mục:

Trong những năm đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty chỉ mới bắt đầu khám phá tiềm năng của các cơ hội dựa trên dữ liệu. Nhưng với sự xuất hiện của một hệ sinh thái toàn cầu mạnh mẽ, điều đó có thể thay đổi.

Dữ liệu đang phát triển với tốc độ ngày càng nhanh chóng và bất ngờ. Trên thực tế, tổng lượng dữ liệu được tạo ra vào năm 2025 được dự đoán sẽ tăng theo cấp số nhân, nhanh đến mức là 175 zettabyte. Trong vòng hai năm tới, dữ liệu doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 42%.

Khối lượng dữ liệu khổng lồ này chứa đựng những thông tin sâu sắc về hành vi của người tiêu dùng, xu hướng thị trường mới nổi, thậm chí bao gồm cả những dự đoán về tương lai. Mục tiêu của các tổ chức, các doanh nghiệp là hiểu rõ lượng dữ liệu đang phát triển mạnh mẽ này và tìm ra những phương thức sáng tạo để thu được giá trị bền vững từ nó, đồng thời quản lý hiệu quả việc sử dụng các dịch vụ đám mây nhằm hỗ trợ việc quản lý và phân tích dữ liệu.

Tuy nhiên, theo một khảo sát của MIT Technology Review Insights với 255 nhà lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp, 45% số người được hỏi cho biết họ chỉ sử dụng dữ liệu để có những hiểu biết cơ bản và đưa ra quyết định. Điều đó có nghĩa là rất có thể nhà lãnh đạo này đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp mình.

Theo ông Channa Seneviratne, Giám đốc Phát triển Công nghệ & Giải pháp tại Telstra – một công ty viễn thông tại Úc, có một sự bùng nổ về nguồn dữ liệu ở cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Ông khẳng định: Là một công ty viễn thông, cơ sở khách hàng của Telstra và dữ liệu mà nó tạo ra là một tài sản tuyệt vời, nhưng thứ tài sản ấy có thể chưa được sử dụng một cách hiệu quả nhất có thể.

Nhưng Telstra đang thích ứng với sự thay đổi này bằng cách tận dụng lợi thế của nền kinh tế dữ liệu hiện nay. Nền kinh tế dữ liệu là một hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu, trong đó các nhà sản xuất và người tiêu dùng dữ liệu – các doanh nghiệp và cá nhân – cũng như các cơ quan Chính phủ và chính quyền thu thập, tổ chức và chia sẻ dữ liệu tích lũy từ nhiều nguồn khác nhau. Bằng cách kết nối dữ liệu chưa được liên kết giữa các ranh giới ngành, các doanh nghiệp có thể thu thập thông tin chi tiết và phong phú hơn, khai thác những thị trường chưa được khám phá, phục vụ người dân cũng như người tiêu dùng bằng những sản phẩm và dịch vụ dựa trên dữ liệu, đồng thời thu lợi nhuận từ dữ liệu của họ bằng cách chia sẻ dữ liệu ra bên ngoài với các khách hàng và nhà cung cấp chính.

Ưu thế khi tham gia vào nền kinh tế dữ liệu

Vậy làm thế nào các doanh nghiệp có thể tham gia vào nền kinh tế dữ liệu?

Một cách là loại bỏ các silo dữ liệu (data silo) có thể ngăn cản các công ty thu thập thông tin chi tiết hấp dẫn. May mắn thay, hơn một phần ba (35%) số người tham gia khảo sát cho biết họ đang hợp tác với các đối tác để trao đổi dữ liệu. Việc chia sẻ nội dung dữ liệu giúp các doanh nghiệp mở khóa giá trị và đạt được kết quả kinh doanh quan trọng.

Theo nghiên cứu, trong số những tài sản dữ liệu được chia sẻ, có đến 66% cho thấy sự cộng tác được cải thiện với các đối tác và nhà cung cấp. Đó là bởi việc trao đổi dữ liệu và thị trường cung cấp cho nhiều bên liên quan một nền tảng an toàn, đáng tin cậy để thu thập và chia sẻ thông tin trong thời gian thực.

Hơn một nửa (53%) số nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho biết việc tham gia vào nền kinh tế dữ liệu đã giúp họ tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Ví dụ, Telstra đã sử dụng các thiết bị giám sát kết nối Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) để cung cấp những ứng dụng chuyển đổi dữ liệu về chất thải, nước, không khí, đất và tiếng ồn thành thông tin chi tiết có thể thực hiện được. Bằng cách kết hợp dữ liệu này với dữ liệu vi khí hậu được thu thập từ các trạm thời tiết, công ty có kế hoạch cung cấp cho ngành nông nghiệp Úc thông tin có thể được sử dụng cho nhiều hoạt động, từ dự đoán sức khỏe của năng suất cây trồng đến xác định việc sử dụng thuốc trừ sâu. Giám đốc Seneviratne cho biết: “Chúng tôi đang tập hợp các nhóm dữ liệu biệt lập để tạo ra nhiều giá trị, thông tin chi tiết và có tính ứng dụng hơn. Chúng tôi hiện đang có nhiều lợi thế hơn để kiếm tiền từ dữ liệu đó và làm gia tăng giá trị của công ty.”

Telstra không phải là nhà cung cấp duy nhất tham gia vào nền kinh tế dữ liệu. Theo ông Kent Graziano, Giám đốc Truyền bá Công nghệ tại Snowflake – một công ty cung cấp đám mây dữ liệu có trụ sở tại Bozeman, Montana: “Khi khối lượng dữ liệu tăng lên, nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng dữ liệu của họ có thể hữu ích cho các doanh nghiệp khác, bao gồm cả trong nội bộ ngành công nghiệp của họ hoặc trong các ngành công nghiệp có liên quan.”

Giám đốc Graziano đưa ra ví dụ về một nhà sản xuất thiết bị y tế. Các thiết bị y tế có khả năng theo dõi và thu thập thông tin quan trọng về huyết áp, nhịp tim và mức insulin của bệnh nhân. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất đóng vai trò tối thiểu trong việc ảnh hưởng và kết luận kết quả của bệnh nhân. Bằng cách hợp tác với các tổ chức chăm sóc sức khỏe và tích hợp dữ liệu theo dõi một cách an toàn với dữ liệu của bệnh nhân và bên thứ ba khác, nhà sản xuất thiết bị y tế có thể tạo ra một mô hình kinh doanh mới với tư cách là nhà cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe có tác động trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân.

Ông Graziano cho biết: “Nhiều doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu, tuy nhiên việc cố gắng kiếm tiền từ dữ liệu đó chưa bao giờ khả thi về mặt kỹ thuật và hiệu quả kinh tế đối với họ. Bằng cách chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan chính thông qua những nền tảng dựa trên đám mây, như trao đổi dữ liệu hoặc thị trường, các doanh nghiệp có thể phát triển một luồng doanh thu mới.”

Theo khảo sát, 52% số người tham gia cho biết một lợi ích khác của nền kinh tế dữ liệu là thúc đẩy sự đổi mới diễn ra nhanh hơn. Các doanh nghiệp truyền thống đang phải đối mặt với áp lực chưa từng có từ các đối thủ bản địa kỹ thuật số để đổi mới và phản ứng nhanh chóng với sở thích của khách hàng hoặc xu hướng thị trường đang phát triển. Bằng cách khai thác dữ liệu từ nhiều nguồn bên ngoài, các doanh nghiệp có thể tìm ra những cách tiếp cận sáng tạo để thiết kế sản phẩm, cung cấp dịch vụ, thậm chí giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Ví dụ, các công ty thẻ tín dụng có thể hợp tác với các tổ chức chăm sóc sức khỏe, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động và những người tham gia vào thương mại điện tử để sử dụng dữ liệu tích hợp của họ nhằm theo dõi bệnh nhân COVID-19, sau đó cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những bệnh nhân này theo cách thức mà các thực thể đơn lẻ không thể thực hiện được với các tập dữ liệu riêng lẻ.

Ông Sunil Senan, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Kinh doanh về Dữ liệu & Phân tích tại Infosys – một công ty tư vấn và dịch vụ kỹ thuật số có trụ sở tại Bengaluru, Ấn Độ – đặt ra câu hỏi: “Trong nền kinh tế số, một doanh nghiệp 200 tuổi sẽ đổi mới như thế nào?”. Ông cho biết: “Chúng tôi thấy dữ liệu là một phần quan trọng trong việc tiếp tục hoạt động phục vụ khách hàng và tìm ra những cách mới để duy trì sự phù hợp trong một thế giới đầy gián đoạn.”

Ngoài việc tạo ra các mô hình kinh doanh mới và thúc đẩy sự đổi mới, hơn một nửa (51%) số người tham gia khảo sát cho biết việc tham gia vào nền kinh tế dữ liệu có thể cải thiện tỷ lệ thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng hiện tại, trong khi 42% số người được hỏi cho biết tăng doanh thu là một lợi ích kinh doanh quan trọng.
5 điều các nhà lãnh đạo nên biết về nền kinh tế dữ liệu

Vào đầu thế kỷ XX, gần một nửa dân số Hoa Kỳ làm việc trong ngành nông nghiệp, tuổi thọ chưa đến 50 năm. Việc có hệ thống ống nước trong nhà hay sử dụng điện thoại đều rất hiếm. Có rất ít ô tô và không có máy bay.

Nhưng sự gia tăng của các tổ chức và doanh nghiệp lớn đã thay đổi tất cả điều đó. Các tổ chức lớn cho phép tập trung vốn lớn, dẫn đến những biến đổi quy mô lớn như Hệ thống Xa lộ Liên bang và Đập Hoover tại Mỹ. Đây là môi trường mà các tập đoàn hiện đại phát triển mạnh. Tất cả những thay đổi này đều có thể được thấy rất rõ ràng ở góc độ vật lý.

Bước sang thế kỷ XXI, nền kinh tế bị chi phối bởi “bit” thay vì nguyên tử. Sự thay đổi sẽ lớn hơn nhiều về phạm vi, nhưng hầu như không thể nhận thấy ở quy mô vật lý. Kết quả là chúng ta không còn có thể tiếp tục quản lý các doanh nghiệp của mình như đã làm trong thời đại công nghiệp, và xuất hiện khoảng cách ngày càng lớn giữa các công ty hoạt động trong nền kinh tế dữ liệu với những công ty chưa thực sự bước vào tiến trình chuyển đổi số.

Dưới đây là 5 điều các nhà lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp nên biết về kỷ nguyên kinh tế dữ liệu.

Thứ nhất, kiến thức có thể được tạo ra mà không cần chuyên môn.

Hiện nay, kiến thức có thể được tạo ra mà không cần chuyên môn. Nền kinh tế tri thức thay thế nền kinh tế nguyên tử. Giá trị của một người được xác định bởi những gì họ biết và trong quá trình nỗ lực học tập. Ví dụ, một thợ cơ khí giỏi có thể kiếm sống, bởi tất cả các tổ chức – từ quân đội đến doanh nghiệp – không thể hoạt động trơn tru nếu thiếu người thợ máy lành nghề.

Vốn vật chất trở nên thông minh hơn. Trước đây, dịch vụ vận chuyển UPS có chức năng thực hiện bảo dưỡng định kỳ cho các xe tải giao hàng của họ để tránh trường hợp hỏng hóc trên đường. Tuy nhiên, hiện nay, các phương tiện được trang bị cảm biến giám sát 200 điểm dữ liệu chính mà không cần thợ máy phải mở mui xe.

Không chỉ riêng các ngành nghề lao động tay chân được tự động hóa. Google sử dụng tính năng phân tích cụm từ tìm kiếm để theo dõi những đợt bùng phát dịch bệnh vượt trội hơn nhiều so với mạng lưới bác sĩ rộng lớn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Scanadu đã phát triển máy Tricorder cá nhân có thể theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của người dùng, và hệ thống Watson của IBM có thể chẩn đoán ung thư tốt hơn cả con người…

Điểm quan trọng là nhiều công việc trước đây đòi hỏi trình độ chuyên môn cao giờ đây có thể được thực hiện bằng máy tính có dữ liệu. Điều này sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn trong cách tuyển dụng, đào tạo và quản lý nhân sự của các nhà lãnh đạo và nhà quản lý doanh nghiệp hiện đại, nhất là những doanh nghiệp lớn.

Thứ hai, đạt được quy mô mà không cần khối lượng.

Trong thời đại công nghiệp hiện đại, “đạt được quy mô mà không cần khối lượng” là điều khả thi. Các nhà máy khổng lồ được xây dựng như các vở ballet công phu, nơi hàng ngàn công nhân và thiết bị vật chất có thể cho ra hàng loạt sản phẩm với hiệu quả đáng kinh ngạc. Chuỗi cung ứng cũng được tối ưu hóa cao độ.

Tuy nhiên, tạo ra hiệu quả không giống như tạo ra giá trị. Trang bị lại các “bit” dễ dàng hơn nhiều so với trang bị lại các nguyên tử. Những thay đổi trong quy trình điều khiển dữ liệu có thể được nhân rộng trong toàn bộ doanh nghiệp ngay lập tức, với độ trung thực hoàn hảo. Theo hai nhà kinh tế học Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee - tác giả cuốn sách “Machine, Platform, Crowd”, Top 50 Nhà tư tưởng quản lý hàng đầu thế giới và Nhóm Politico 50 người thay đổi nền chính trị Mỹ - các doanh nghiệp có thể “đổi mới ở quy mô lớn mà không cần số lượng lớn”. Phân tích của họ cho thấy sự đổi mới nhanh hơn sẽ giúp tạo ra một môi trường “người thắng được tất cả”, vì giờ đây một ý tưởng mới và giá trị có thể phát triển nhanh hơn rất nhiều, một phần nhờ sự hỗ trợ của công nghệ.

Tuy nhiên, Brynjolfsson và McAfee cũng nhận thấy rằng bất kỳ lợi thế nào cũng chỉ là tạm thời. Một doanh nghiệp chỉ thực sự thành công khi có được ý tưởng cuối cùng của mình, và các đối thủ cạnh tranh luôn có thể nghĩ ra một ý tưởng mới để vượt qua nó. Kết quả, như Rita Gunther McGrath - Giáo sư Chiến lược kinh doanh của Trường Kinh doanh Columbia (Mỹ), tác giả cuốn sách “The End of Competitive Advantage: How to Keep Your Strategy Moving as Fast as Your Business” - mô tả, đó là sự kết thúc của lợi thế cạnh tranh. Do vậy, các nhà lãnh đạo và nhà quản lý phải học cách tìm kiếm sự linh hoạt hơn là sự ổn định để tồn tại và phát triển trong thị trường cạnh tranh.

Thứ ba, dữ liệu là nguồn vốn mới.

Dữ liệu được coi là một nguồn tài nguyên quý giá trong thời đại công nghệ hiện đại. Ví dụ, Google cung cấp các dịch vụ như Gmail, Google Docs và Google Sách để thu thập dữ liệu từ người dùng và sử dụng chúng nhằm nâng cao chất lượng kết quả tìm kiếm của mình. 

Các công ty công nghệ khác cũng đã nhận ra giá trị của dữ liệu. Trong cuốn sách “Dữ liệu lớn”, Viktor Mayer-Schönberger và Kenneth Cukier lập luận rằng dữ liệu đang trở thành một loại tài sản và quyền sở hữu dữ liệu sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong giá trị kinh tế. Hai tác giả chỉ ra rằng các dịch vụ, như FlyOnTime.us, được xây dựng hoàn toàn dựa trên dữ liệu đã được thu thập từ nguồn khác để tái sử dụng cho mục đích khác.

Thứ tư, quyền riêng tư sẽ trở thành giá trị thương hiệu.

Trong thời đại dữ liệu lớn, các công ty đang sử dụng dữ liệu để dự đoán hành động và cuộc sống riêng tư của người dùng bằng cách quan sát những hành động công khai của họ. Tuy nhiên, việc sử dụng dữ liệu như vậy có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư của cá nhân.

Theo báo cáo của New York Times, dữ liệu lớn cho phép các tổ chức so sánh những tập hợp hành vi dường như không liên quan tới nhau để dự đoán các hành động có thể xảy đến trong tương lai. Tuy nhiên, khi thông tin cá nhân của một người bị sử dụng một cách thiếu tôn trọng, sự bất mãn và phản đối ở khách hàng hoàn toàn có thể xảy ra.

Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp đó tạo ra giá trị thương hiệu bằng cách tôn trọng quyền riêng tư của người dùng. Nếu một doanh nghiệp không tôn trọng quyền riêng tư của người dùng, họ có thể mất đi uy tín và lòng tin của khách hàng.

Các thương hiệu cần phải nhận ra giá trị của dữ liệu và đảm bảo rằng việc sử dụng dữ liệu được thực hiện một cách hợp lý, tôn trọng quyền riêng tư của người dùng. Sử dụng dữ liệu một cách khôn ngoan và có trách nhiệm sẽ giúp các thương hiệu tạo ra niềm tin và tăng giá trị thương hiệu của mình trong thời đại dữ liệu lớn.

Thứ năm, nền kinh tế ngữ nghĩa.

Trong thế kỷ XX, chiến lược kinh doanh được xây dựng dựa trên nền tảng của hai khái niệm quan trọng: Bản chất doanh nghiệp (The Nature of the Firm) của Coase (1937) và Chuỗi giá trị (Value Chain Model – VCM) của Porter (1985). Cả hai đều giả định rằng quy mô có lợi thế thông tin vốn có, cho phép nhà quản lý cắt giảm chi phí bằng cách cải thiện vị thế đàm phán và tăng hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi cách thức hoạt động của nền kinh tế và tạo ra sự thay đổi lớn trong cách hiểu về giá trị và sở hữu tài sản. Dữ liệu lớn đã tạo ra một nền kinh tế ngữ nghĩa mới, trong đó việc sở hữu tài sản không còn quan trọng bằng việc có thể truy cập chúng. Dữ liệu lớn giúp tạo ra một cách tiếp cận mới trong kinh doanh và sản xuất khi cho phép tất cả mọi người có thể tiếp cận công nghệ và nền tảng kinh doanh một cách dễ dàng, linh hoạt hơn bao giờ hết.

Các công nghệ như máy in 3D và phần mềm CAD trực tuyến đã giúp cho việc sản xuất và thiết kế trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể thuê thời gian siêu máy tính từ Amazon hoặc ký hợp đồng với nhà sản xuất mà không cần phải rời khỏi bàn làm việc.

Tuy nhiên, với xu hướng này, những lợi thế cạnh tranh vốn có sẽ không còn bền vững và giá trị sẽ không còn là thứ chúng ta có thể khai thác mà là thứ chúng ta phải tạo ra. Kỷ nguyên của dữ liệu đang mở ra một cách tiếp cận mới, đòi hỏi chúng ta phải tạo ra giá trị bằng cách sử dụng khả năng tiếp cận và tận dụng những công nghệ mới.

Vậy dữ liệu đã làm thay đổi bối cảnh cạnh tranh của doanh nghiệp và các quốc gia như thế nào? Làm cách nào để khai thác sức mạnh kinh tế của dữ liệu đồng thời vẫn đảm bảo quyền riêng tư cá nhân? Một chiến lược kinh tế dữ liệu cần có lộ trình cụ thể ra sao? Các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp cần điều chỉnh tư duy và hành động như thế nào trong kỷ nguyên kinh tế dữ liệu?

Những vấn đề trên sẽ được thảo luận tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2023 với chủ đề “Kinh tế dữ liệu: Cơ hội cho doanh nghiệp tạo đột phá trên toàn cầu” do Vietnam Report phối hợp cùng Báo VietNamNet tổ chức, dự kiến diễn ra vào ngày 04/08/2023 tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của các chuyên gia hàng đầu về chiến lược và công nghệ như:

  • Giáo sư Alex Pentland, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Connection Science & Human Dynamics thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, đồng chủ trì các cuộc thảo luận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Quy định chung về Bảo mật thông tin của EU, Top 7 nhà khoa học dữ liệu quyền lực nhất thế giới.

  • Tiến sĩ John Clippinger, Giám đốc điều hành Viện Thiết kế dựa trên Dữ liệu kiêm Đồng Giám đốc Phòng Thí nghiệm Luật tại Trung tâm Berkman Klein – Trường Luật Harvard, nguyên Thành viên Hội đồng Cố vấn Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tác giả của cuốn sách “A Crowd of One: The Future of Individual Identity”.

  • Tiến sĩ Thomas Kehler, Nhà khoa học trưởng, Đồng sáng lập và Thành viên Hội đồng quản trị CrowdSmart, Nhà sáng tạo Trí tuệ nhân tạo tiên phong tại Silicon Valley, nguyên Thành viên Ban Cố vấn Công nghệ thông tin của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ.

  • Ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham Hà Nội, Trưởng Nhóm công tác Điện và Năng lượng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam.

  • Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston & Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo, Nhà sáng lập kiêm Tổng Biên tập đầu tiên của Báo VietNamNet, đồng tác giả Sáng kiến Xã hội Trí tuệ nhân tạo – Tạo dựng Kỷ nguyên khai sáng toàn cầu.

Cùng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn Việt Nam thuộc VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, FAST500 – Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, PROFIT500 – Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam, VIX50 – Top 50 Công ty Đại chúng uy tín và hiệu quả, Top 10 Công ty uy tín các ngành trọng điểm…

Hội nghị nhằm chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tế của những chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới và lãnh đạo doanh nghiệp về những xu hướng công nghệ tạo đột phá tăng trưởng, đồng thời đánh giá hiện trạng, thách thức và cơ hội liên quan đến chiến lược kinh tế dữ liệu trong kỷ nguyên công nghệ hiện đại.

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng truy cập: https://event.vietnamreport.net.vn/ceosummit/

Hoặc liên hệ hotline: 0389618468

Vietnam Report (tổng hợp và biên tập)