Tăng trưởng bền vững: Tầm nhìn chiến...

29/07/2015

Chuyên mục:

Tăng trưởng là một khái niệm quan trọng của kinh tế và quản trị học. Ở góc độ hạt nhân của nền kinh tế, tăng trưởng doanh nghiệp đơn giản là việc tăng quy mô, thể hiện bởi những tiêu chí khác nhau: tăng khả năng sản xuất, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, mở rộng thị phần, tăng quy mô lao động…

Doanh nghiệp có thể có hai phương thức tăng trưởng là tăng trưởng nội bộ hoặc tăng trưởng bên ngoài. Tăng trưởng nội bộ diễn ra bên trong doanh nghiệp, bằng việc đầu tư nhằm mở rộng khả năng sản xuất (mua máy móc, thiết bị hoặc xây dựng nhà máy mới), thương mại (mở thêm cửa hàng hoặc củng cố mạng lưới phân phối) và nâng cao khả năng nghiên cứu (tăng chi phí cho bộ phận nghiên cứu và phát triển). Ngược lại, tăng trưởng bên ngoài được thực hiện bằng việc mua lại, sáp nhập hoặc phát triển thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp (hãng Renault tham gia góp vốn vào Nissan, hay việc L’Oréal và Nestlé thành lập một công ty con chuyên sản xuất mỹ phẩm).

Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh các nguồn lực sản xuất là hữu hạn, tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn không còn đơn thuần là việc tăng quy mô. Từ cuối thế kỷ 20, khái niệm tăng trưởng bền vững đã được phát triển đối với cả quốc gia và doanh nghiệp. Tăng trưởng doanh nghiệp bền vững là việc tăng giá trị bằng cách áp dụng các hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả và chú trọng đến trách nhiệm xã hội và môi trường.

Quan điểm về tăng trưởng doanh nghiệp giờ đây cần phải được đặt trong khuôn khổ của sự phát triển bền vững với những yêu cầu, mục tiêu cụ thể. Ba cột trụ cơ bản của tăng trưởng doanh nghiệp bền vững là kinh tế, xã hội, sinh thái. Một doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận cao nhưng quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường không thể coi là đang tăng trưởng bền vững. Một doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, tỷ suất lợi nhuận cao nhưng không đảm bảo các yêu cầu về an toàn cho người lao động hay vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng cũng không thể xem là đang tăng trưởng bền vững. Ngược lại, một doanh nghiệp chú trọng đến trách nhiệm xã hội và môi trường nhưng kinh doanh thua lỗ trong một thời gian dài thì cũng khó có thể có đủ nguồn lực để tăng trưởng. Trong điều kiện các doanh nghiệp thường tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, sự ổn định của các chỉ số tài chính và kết quả kinh doanh chỉ đảm bảo cho sự tăng trưởng ở góc độ kinh tế của doanh nghiệp. Tăng trưởng doanh nghiệp bền vững đòi hỏi chú trọng nhiều hơn đối với trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp.

Chính sách về trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp là một cơ chế theo đó doanh nghiệp giám sát và đảm bảo hoạt động của mình tuân thủ tinh thần của pháp luật, các tiêu chuẩn đạo đức và tiêu chuẩn quốc tế. Trách nhiệm xã hội và môi trường là cam kết của doanh nghiệp về những tác động tích cực từ các hoạt động của mình đối với môi trường sinh thái, người tiêu dùng, người lao động và tất cả các bên liên quan khác của doanh nghiệp. Quy mô và bản chất lợi ích từ việc thực hiện trách nhiệm xã hội và môi trường đối với một doanh nghiệp có thể khác nhau tùy thuộc vào bản chất của nó và khó định lượng. Một nghiên cứu tổng hợp của nhóm tác giả từ trường đại học Sydney và Iowa đã chỉ ra mối tương quan giữa trách nhiệm xã hội, môi trường và hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, lợi ích từ chính sách trách nhiệm xã hội và môi trường đối với hiệu quả về mặt tài chính không thể được nhìn thấy ngay trong ngắn hạn. Ví dụ như Intel, công ty này sử dụng một chu kỳ 5 năm cho kế hoạc trách nhiệm xã hội, môi trường của mình. Cụ thể hơn, thực hành trách nhiệm xã hội, môi trường có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong quản trị rủi ro, phát triển nguồn nhân lực, định vị thương hiệu, xin giấy phép kinh doanh…Danh tiếng mất hàng thập kỷ để xây dựng có thể bị hủy hoại nhanh chóng do các sự cố như bê bối tham nhũng, ô nhiễm môi trường. Điều này cũng có thể thu hút sự chú ý không mong muốn từ các nhà chức trách, tòa án và các phương tiện truyền thông. Xây dựng văn hóa “chỉ làm điều đúng đắn” trong một doanh nghiệp cho phép hạn chế các rủi ro loại này. Trách nhiệm xã hội và môi trường cũng giúp doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân viên vì điều này mang lại một hình ảnh tốt đẹp và triển vọng của công ty đối với đội ngũ người lao động, khuyến khích họ cống hiến lâu dài cho công ty. Ngoài ra, chương trình trách nhiệm xã hội và môi trường của doanh nghiệp giữ một vai trò quan trọng trong việc xây dựng lòng trung thành của khách hàng dựa trên các giá trị khác biệt về đạo đức. Một số các nhãn hiệu lớn như The Co-operative Group, The Body Shop, Yves Rocher, American Apparel được xây dựng dựa trên các giá trị đạo đức doanh nghiệp. Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội nhận được giấy phép kinh doanh thông qua việc thuyết phục các chính phủ và công chúng rằng họ luôn quan tâm đến những vấn đề như sức khỏe, môi trường, an toàn lao động…

Nhiều bộ quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế về trách nhiệm xã hội và môi trường đã được xây dựng nhằm hướng dẫn cũng như ghi nhận, đánh giá những nỗ lực của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, ví dụ như ISO 26000 (hướng dẫn về hành vi có trách nhiệm với xã hội, nhưng không phải là chứng nhận giống như các tiêu chuẩn hệ thống quản lý ISO), ISO 14000 (tiêu chuẩn quản lý môi trường), SA8000 (tiêu chuẩn chứng nhận trách nhiệm xã hội ở nơi làm việc)…Từ năm 2001, tập đoàn FTSE Group đã xây dựng chỉ số FTSE4Good Index nhằm đánh giá việc thực hiện trách nhiệm xã hội của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt, các công ty lớn trên thế giới bên cạnh việc lập các báo cáo tài chính, còn chú trọng đến việc xây dựng các báo cáo về tăng trưởng bền vững hàng năm của mình. Công ty Canon là một ví dụ điển hình. Báo cáo tăng trưởng bền vững của họ thể hiện rõ ba cột trụ cơ bản: giảm thiểu tác động tới môi trường sinh thái (môi trường); tôn trọng đối tác và hỗ trợ cộng đồng địa phương (xã hội); tuân thủ pháp luật và tạo ra giá trị kinh tế (hoạt động). Điểm cốt lõi trong chương trình trách nhiệm xã hội và môi trường của Canon chính là triết lý “Kyosei”, nghĩa là sống và làm việc cùng nhau vì lợi ích chung.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay dường như chưa thực sự chú trọng đến việc thực hiện trách nhiệm xã hội và môi trường của mình. Vẫn biết lợi nhuận mới là mục đích tối thượng của một tổ chức kinh tế, nhưng thiết nghĩ đã đến lúc các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến chất lượng tăng trưởng của mình. Hơn nữa, trách nhiệm xã hội và môi trường cũng đang trở thành một rào cản và yêu cầu kỹ thuật đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xuất khẩu và tìm kiếm đối tác, tài trợ. Do đó, bên cạnh việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận, mỗi doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về những hệ quả từ hoạt động của mình, phải tôn trọng khách hàng cũng như dân cư nơi doanh nghiệp hoạt động, và trên hết, phải tôn trọng môi trường tự nhiên. Nếu không, những kết quả tạo ra được từ hoạt động kinh tế sẽ không thể nào bù đắp hết những tổn hại to lớn và lâu dài về xã hội và môi trường.

Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, sẽ được tổ chức sáng ngày 09/4/2013 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội,  Đây là lần thứ ba liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 được công bố nhằm nghi nhận những nỗ lực và tôn vinh  những doanh nghiệp năng động và tăng trưởng nhanh nhất – Những ngôi sao đang lên của nền kinh tế Việt Nam. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: www.fast500.vn