Tăng trưởng, sao doanh nghiệp vẫn lo?...

29/07/2015

Chuyên mục:

Các chỉ số đạt được trong nửa đầu năm khiến các chuyên gia dự báo triển vọng phấn khởi về khả năng hoàn thành kế hoạch tăng trưởng GDP và kiềm chế lạm phát vào cuối năm. Dù vậy, thực tế doanh nghiệp vẫn đang chật vật và thận trọng “dò đá qua sông”.

“Vì sao đến nay, tới cám lợn mà chúng ta còn đi nhập?”, ông Trần Phương Bình, tổng giám đốc ngân hàng Đông Á, trong hội nghị đầu tư “Lạc quan hay thận trọng?” giữa tuần qua, đau đáu hỏi các doanh nghiệp. Vì sao phần lớn doanh nghiệp kinh doanh ngắn hạn và chưa có tầm nhìn, không chú ý vào những gì có thể làm được trong số 7 – 8 tỉ USD nhập siêu hàng năm?

Sức ép lớn từ chính sách

Phải nói hai năm qua và năm nay doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn: vốn ít đi, phải đi vay nhiều hơn, chi phí tăng lên, lãi suất từ 6 – 7% năm ngoái bước sang năm nay vọt lên 17 – 18%. Các loại giá mới đồng loạt bị áp và lên giá mà đầu ra không tăng tương ứng, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ co cụm sản xuất kinh doanh vì thiếu vốn. Theo Dragon Capital dự báo, hầu hết các ngành trong 50 công ty lớn nhất trên sàn, vì nhiều nguyên nhân, đều có tỷ suất lợi nhuận 2010 giảm so với năm 2009. Mức giảm lớn nhất là đối với ngành tài chính – chứng khoán.

Lúc diễn ra tình hình hai năm 2008 – 2009, ông Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB nói, chiến lược trong cả hai năm là cả ngân hàng “dò đá sang sông nhưng tay không quên vồ cá”. Lãi tuy lớn, nhưng ông lo lắng vì cơ cấu thu nhập chứa đựng nhiều bất ổn. Trong năm 2008, theo ông, chính sách tiền tệ nóng lạnh liên tục, ban điều hành chỉ có thể dự báo ngắn ngủi được trong một tuần, không lập ra được một kế hoạch dài hạn hay ổn định. Bước sang năm 2010, câu chuyện “dò đá sang sông” vẫn tiếp diễn. Ông Dominic, giám đốc Dragon Capital thì nói vui rằng, năm nay công ty ông có thực hiện đa dạng rủi ro thì “tránh vỏ dưa cũng gặp vỏ dừa”.

Để đạt được các con số tăng trưởng, thực tế là các doanh nghiệp phải chịu áp suất thay đổi liên tục với cường độ lớn từ các chính sách điều hành của cơ quan quản lý. Tăng trưởng tín dụng bị “nén” từ gần 38% năm 2009 xuống 25% năm nay, ngược lại với mục tiêu tăng trưởng lên 6,5% so với mức 5,3% năm ngoái. Từ mức lạm phát 17% năm 2009 phải “đè” giảm xuống hơn một nửa mức này năm nay. Trừ các ngân hàng quốc doanh, ít ngân hàng nào mạnh tay cho vay lúc này, khi lộ trình lãi suất còn chông chênh. Họ đang huy động ở mức 17% hồi đầu năm, rồi kéo lãi suất xuống 11%, mức thay đổi khá gấp khiến cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp khó khăn.

Để tín dụng giảm đúng mục tiêu, ngân hàng Nhà nước chỉ đơn giản thắt không cho vay, ngược lại mục tiêu Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng, vì vậy khó có doanh nghiệp nào làm kế hoạch sản xuất kinh doanh tốt.

Quá trình hồi phục nền kinh tế cũng là cơ hội cho doanh nghiệp hồi phục, nhưng bản thân doanh nghiệp không có phương tiện và cách thức nào để nắm bắt cơ hội đó, khi những giải pháp chính sách đa số là tập trung vào tình thế. Đó là một ảnh hưởng lớn khiến doanh nghiệp, vì chưa thấy yên tâm với chính sách, tiếp tục đi vào môi trường kinh doanh ngắn hạn.

 

Tuyên bố của những người có trách nhiệm phải đảm bảo tính chính xác, không thể hứa rồi làm khác, làm mất lòng tin doanh nghiệp.

Niềm tin thị trường ở đâu?

Thực tế, doanh nghiệp đang phải chịu rủi ro chính sách quá lớn mà không được bồi thường tổn thất. Trong khi, khảo sát doanh nghiệp vừa và nhỏ mới nhất của ngân hàng HSBC cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có niềm tin lớn vào Chính phủ khi phần lớn họ cho rằng các chính sách của Chính phủ là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp theo sau mới là nhu cầu gia tăng của thị trường nội địa.

TS Võ Trí Thành nhấn mạnh, các con số trông khả quan, nhưng nếu nhìn vào lòng tin thị trường thì chưa hẳn. Hình như thị trường vẫn chưa tin Việt Nam vẫn hồi phục một cách chắc chắn, thể hiện qua chỉ số đánh giá rủi ro vĩ mô của Việt Nam vẫn tăng. Thứ hai, chỉ số chứng khoán, thường đi trước dự báo từ 3 – 6 tháng vì kỳ vọng thị trường, đến nay vẫn lình xình. Cuối cùng, bất kỳ tin đồn nho nhỏ nào trên thị trường sẽ có những bất ổn nho nhỏ ngay, nghĩa là, vĩ mô quan trọng nhất có thể không phải là chỉ số, mà là niềm tin thị trường.

Ông Lê Đức Thuý, chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, những tin đồn nho nhỏ được cơ quan chức năng cung cấp thông tin với những phân tích rõ ràng cũng là cách để củng cố lòng tin. Quan trọng hơn, tuyên bố của những người có trách nhiệm điều hành, phải đảm bảo tính chính xác, nhất là phải giữ chữ tín, không thể hứa rồi để đấy hay thực hiện khác, làm mất lòng tin doanh nghiệp.

Lãi suất tiền gửi chưa giảm thêm, cho thấy người dân vẫn còn lo lạm phát quay lại, doanh nghiệp thì lo lắng vốn không có, lo sản xuất đình trệ. Tất cả những thứ này, nếu không có giải pháp kịp thời, sẽ còn gây sức ép lên lạm phát và ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị